Chào bạn,

Đăng nhập xem việc làm phù hợp

Blog IT

Chuyện gì đây: Google, Microsoft chi tỷ USD cấp phép cho các startup AI nhưng không thâu tóm, mục tiêu sau cùng chỉ để làm 1 việc

Chuyện gì đây: Google, Microsoft chi tỷ USD cấp phép cho các startup AI nhưng không thâu tóm, mục tiêu sau cùng chỉ để làm 1 việc

Google cho phép 20% nhân sự Character.AI tới làm việc nhưng không hề có ý định mua lại cả công ty.

Năm 2022, Noam Shazeer và Daniel De Freitas nghỉ việc tại Google. Họ nói gã khổng lồ công nghệ này đi quá chậm và vì vậy, quyết định tự tạo ra Character.AI - startup về chatbot huy động được gần 200 triệu USD.

Tuần trước, Shazeer và De Freitas bất ngờ thông báo quay trở lại Google. Cả hai đã đạt được thỏa thuận tái gia nhập bộ phận nghiên cứu AI cùng với khoảng 20% nhân viên Character.AI. Google chấp nhận, song không hề có ý định mua lại Character.AI.

Thay vào đó, hãng này chỉ đồng ý trả 3 tỷ USD cấp phép công nghệ. Khoảng 2,5 tỷ USD sẽ được trích ra để mua cổ phần Character.AI. Phần còn lại của Character.AI sẽ tiếp tục hoạt động mà không có founder hay nhà đầu tư.

Động thái trên là một trong số nhiều giao dịch bất thường gần đây ở Thung lũng Silicon. Thay vì mua đứt các công ty khởi nghiệp, nhiều tập đoàn lớn chuyển sang chỉ cấp phép công nghệ và tuyển dụng người tài — về cơ bản là thâu tóm startup và các tài sản chính nhưng không trở thành chủ sở hữu của công ty.

Giao dịch tương tự được thúc đẩy bởi mong muốn của các công ty công nghệ lớn nhằm tránh sự giám sát từ giới chức. Google, Amazon, Meta, Apple và Microsoft đều đang bị các cơ quan như Ủy ban Thương mại Liên bang theo dõi chặt chẽ việc có hay không ý định kìm hãm sự cạnh tranh công bằng.

Justin Johnson, một nhà kinh tế học tại Đại học Cornell, cho biết: “Rõ ràng các công ty công nghệ lớn đang cố gắng tránh né sự giám sát của cơ quan quản lý bằng cách không trực tiếp mua lại các công ty mục tiêu. Những thỏa thuận này trông giống như các vụ mua lại thông thường”.

Trong một tuyên bố, Google cho biết họ “vui mừng” khi ông Shazeer trở lại cùng một số đồng nghiệp. Phát ngôn viên của Character.AI từ chối bình luận ngoài thông báo về thỏa thuận của Google.

Kể từ khi cơn sốt A.I. bùng nổ vào cuối năm 2022, các nhà đầu tư chạy đua đổ tiền vào các công ty khởi nghiệp A.I. với mức định giá cao. Các công ty khởi nghiệp như Anthropic thường xuyên huy động được số tiền lớn với nhiều điều kiện tài trợ, chẳng hạn như sử dụng chip và dịch vụ điện toán đám mây từ các công ty đầu tư.

Tuy nhiên, sự phấn khích đó đang bắt đầu nguội lạnh. Các công ty công nghệ lớn được tạo điều kiện lao vào với các giao dịch phi truyền thống.

Microsoft khởi xướng xu hướng này vào tháng 3 khi đồng ý cho cho công ty khởi nghiệp AI Inflection hơn 650 triệu USD cấp phép công nghệ. Hầu hết nhân viên startup này đều được chiêu mộ, bao gồm cả người sáng lập Mustafa Suleyman. Suleyman hiện đang lãnh đạo mảng kinh doanh AI dành cho người tiêu dùng của Microsoft.

Chuyện gì đây: Google, Microsoft chi tỷ USD cấp phép cho các startup AI nhưng không thâu tóm, mục tiêu sau cùng chỉ để làm 1 việc

Vào tháng 6, Amazon cũng đã ký một thỏa thuận tương tự với công ty khởi nghiệp AI Adept và đưa nhiều nhân viên của công ty này về làm việc. Danh sách có cả người sáng lập David Luan.

Được biết Amazon đã chi cho Adept ít nhất 330 triệu USD cấp phép công nghệ. Tập đoàn cũng đưa ra khoản tiền thưởng giữ chân nhân viên trị giá 100 triệu USD cho nhân viên Adept.

Phía cơ quan quản lý đang theo dõi chặt chẽ các thỏa thuận A.I. giữa các công ty khởi nghiệp với Microsoft, Amazon và Google. Họ cũng đang điều tra xem Microsoft có nghĩa vụ thông báo cho các cơ quan quản lý về thỏa thuận với Inflection hay không và nếu điều này xảy ra, thoả thuận sẽ phải chịu sự giám sát chặt chẽ.

Vào thứ năm, cơ quan quản lý chống độc quyền của Anh cũng cho biết họ đang điều tra một thỏa thuận đầu tư mà Amazon đã thực hiện với Anthropic. Thung lũng Silicon vốn chấp nhận các thỏa thuận bất thường này vì founder các startup vẫn có thể tiếp tục làm việc trên công nghệ của mình.

Các giao dịch như vậy đang mang lại lợi nhuận nhanh chóng cho các nhà đầu tư. Những người rót tiền vào Character.AI, được định giá 1 tỷ USD, đã kiếm được rất nhiều tiền.

Dẫu vậy, những nhân viên mắc kẹt tại các công ty khởi nghiệp ban đầu đang cảm thấy rất bí bách. Họ không được theo founder đến làm việc tại các tập đoàn lớn; lại càng không được hưởng lợi gì từ những thoả thuận triệu USD.

“Nếu bạn tạo nên một công ty và bạn nhận tiền từ các nhà đầu tư, mọi người tham gia đều xứng đáng được khen thưởng”, Sebastian Thrun, một nhà nghiên cứu AI nói. “Nếu bạn làm loãng mọi thứ, hệ sinh thái sẽ khó có thể tồn tại”.

Matt Turck, một nhà đầu tư tại công ty đầu tư mạo hiểm FirstMark Capital, cho biết ông hy vọng những loại thỏa thuận này sẽ sớm mất đi bởi chúng tạo ra “một cấu trúc lộn xộn phá vỡ sự liên kết” giữa những người sáng lập, nhân viên và nhà đầu tư.

Không rõ các công ty bị bỏ lại sẽ ra sao.

Tại Character.AI, Dominic Perella, cố vấn chung, đã trở thành giám đốc điều hành tạm thời. Công ty khởi nghiệp này cho biết họ “cam kết phục vụ người dùng của mình thông qua các sản phẩm mới sáng tạo”.

Tại Adept, các nhóm làm việc về sản phẩm, bán hàng và một số lĩnh vực khác không tham gia Amazon. Amazon chỉ thuê các nhà nghiên cứu đã xây dựng công nghệ A.I. của Adept. Cựu giám đốc kỹ thuật của công ty khởi nghiệp này, Zach Brock, tiếp quản vị trí giám đốc điều hành và công ty đang nỗ lực cấp phép công nghệ.

Inflection cũng đã thuê một giám đốc điều hành mới, song nhân sự công ty hiện chỉ còn 2 người. Khoảng 70 người còn lại đã gia nhập Microsoft. Inflection sử dụng số tiền 650 triệu USD từ Microsoft để hoàn trả cho các nhà đầu tư ban đầu.

Nhiều thỏa thuận tương tự như thế này có thể sẽ sớm xuất hiện. Nhiều công ty khởi nghiệp đã huy động được số tiền khổng lồ cho các mục tiêu đầy tham vọng bởi bên mua lớn vẫn háo hức chi tiền cho nhân tài và ý tưởng sản phẩm tốt nhất. Số khác sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán thỏa thuận để tăng tính cạnh tranh trong môi trường khốc liệt.

Genk.

Bài viết tương tự

Bài viết nổi bật