Nếu ai đó vẫn chưa tin rằng iPhone đã hết thời, hãy nhắc cho họ về kết quả kinh doanh 2 quý gần đây nhất của Apple. Trong quý 1/2019, tổng doanh thu iPhone đạt 31,05 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ 2018. Quý 4/2018, mức suy giảm cũng lên tới 15%.
May mắn cho Apple, tình cảnh ngày một tồi tệ của iPhone đã không thể ngăn giá cổ phiếu quay đầu vươn về gần nghìn tỷ. Với 900 triệu iPhone đang được sử dụng thường xuyên (trong số 1,4 tỷ thiết bị iOS), Apple đang chứng kiến các mảng dịch vụ và wearable/phụ kiện tăng mạnh. Không cần có iPhone, chỉ trong quý 1 các mảng doanh thu khác của Apple đã ngang ngửa với Huawei, đã cao hơn doanh thu của Xiaomi trong cả năm 2018...
Nhưng sự thật không thể chối cãi là doanh số iPhone vẫn đang tiếp tục suy giảm. Trải nghiệm phần cứng của iFan trong 3 năm qua (sau khi AirPods ra đời) gần như không có chuyển biến nào đáng kể. Apple phải một lần nữa cách mạng trải nghiệm phần cứng...
Liệu trọng trách đó có thuộc về iPhone?
Nhìn vào iPhone của 5 năm qua, bạn sẽ có câu trả lời. Từ 2014 tới nay, chỉ duy nhất 2 lần iPhone đạt được tăng trưởng 2 chữ số so với cùng kỳ trước đó. Cả 2 đều gắn với thay đổi trên một lĩnh vực đơn giản đến mức chẳng ai nghĩ đến: màn hình. Năm 2014, với những chiếc iPhone trên 4 inch đầu tiên, Apple thu về 51 tỷ USD trong mùa mua sắm, tăng 57% so với cùng kỳ 2013. Mất 3 năm, đến 2017 một cơn sốt khác nổ ra khi Apple giới thiệu "tai thỏ" trên iPhone X, cho phép doanh thu lại tăng 13% trong quý 4.
Trong suốt 5 năm qua – cũng là 5 năm thị trường smartphone suy thoái, màn hình là chìa khóa duy nhất để iPhone tăng trưởng. Có rất nhiều thay đổi khác được thực hiện, từ chip mạnh mẽ hơn (đặc biệt là cú sốc A11 Bionic), kết nối 4G LTE, pin lớn hơn hay camera kép/camera AI, nhưng tất cả đều không quan trọng bằng thay đổi trên màn hình: tất cả các thế hệ iPhone không mang đến thay đổi về màn hình đều chỉ chứng kiến doanh thu đứng yên hoặc không tăng trưởng đáng kể.
Muốn tạo ra cú sốc doanh thu tiếp theo, Apple buộc phải thay đổi màn hình cho iPhone. Nhưng câu hỏi tiếp theo đặt ra là, thay đổi bằng cách nào? Hiện tại, các hãng Android hoặc thu nhỏ "cái rãnh", hoặc tìm đến các giải pháp cơ học. Thu nhỏ cái rãnh sẽ buộc Apple từ bỏ công nghệ cảm biến khuôn mặt và chuyển sang cảm biến vân tay, vốn không đủ an toàn cho tương lai của Táo. Còn các giải pháp cơ học thì luôn tiềm ẩn nguy cơ về độ bền: chỉ cần một ngày ở bãi biển hay ở một khu xây dựng, camera selfie chắc chắn sẽ gặp vấn đề.
Cứ cho rằng Apple tìm được giải pháp "toàn màn hình" giải quyết được các vấn đề của Android, bài toán khó tiếp theo sẽ lại đặt ra trước mặt đội ngũ thiết kế iPhone: sau iPhone toàn màn hình là cái gì? Thay đổi OLED sang một tấm màn khác? Phóng to màn hình hơn nữa, hay chuyển sang cơ chế gập vốn cũng là cơ học đầy rủi ro? Đến cuối cùng, chiếc "modern smartphone" của Steve Jobs đã có 12 năm tuổi đời. Không còn giải pháp nào để thay đổi trải nghiệm này cả.
Ấy vậy mà Tim Cook vẫn cứ liên tiếp hứa với các nhà đầu tư (và người tiêu dùng) về một cuộc cách mạng đang ở trước mắt. Tháng 2/2020, nhà lãnh đạo khẳng định Apple đang phát triển những ý tưởng "thuộc về tương lai của thập niên 2020". Mới gần đây, tại hội nghị cổ đông diễn ra vào đầu tháng 3, ông nói các sản phẩm tương lai của Apple "sẽ khiến mọi người phải ngỡ ngàng".
Một chiếc iPhone "toàn màn hình" sẽ không có gì là cách mạng, là ngỡ ngàng cả - nhất là khi phần lớn nội dung dành cho người dùng vẫn ở lại với tỷ lệ 16:9. Nếu lời hứa của Tim Cook là đúng sự thật, đó phải là một cuộc cách mạng bên ngoài chiếc smartphone. Nhưng cùng lúc, đó cũng phải là một thứ đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm quan trọng nhất của con người: màn hình hiển thị.
(còn tiếp)
Nguồn: Genk.vn