Chào bạn,

Đăng nhập xem việc làm phù hợp

Blog IT

CEO mobiistar: Cơ hội tại thị trường smartphone Ấn Độ vẫn còn nhiều cho những ai làm tốt hơn

CEO mobiistar: Cơ hội tại thị trường smartphone Ấn Độ vẫn còn nhiều cho những ai làm tốt hơn

Ông Ngô Nguyên Kha, CEO của mobiistar

Thưa ông, vì sao mobiistar lại chọn gia nhập thị trường di động ở Ấn Độ chứ không phải là một quốc gia khác?

Ấn Độ từ lâu là một thị trường với dân số đông, hạ tầng viễn thông còn chưa phát triển đồng đều nên tỉ lệ thâm nhập smartphone đang còn khá thấp. Tăng trưởng cơ học lẫn chuyển đổi từ featurephone (điện thoại phổ thông - PV) lên smartphone vẫn còn diễn ra khá mạnh trong những năm tới. Mặc dù thị trường đã có nhiều nhãn hiệu, cơ hội vẫn còn nhiều cho những ai làm tốt hơn.

Nhiều người cho rằng, mobiistar đang mạo hiểm, khi thị trường smartphone Ấn Độ có tính cạnh tranh cao, có rất nhiều hãng sản xuất smartphone nội địa cũng như Trung Quốc tham chiến, đặc biệt là smartphone giá rẻ. Là một người đã khảo sát thị trường thực tế tại Ấn Độ ông có tự tin mobiistar sẽ có nhiều cơ hội ở thị trường này không?

Đúng là thị trường Ấn Độ hết sức cạnh tranh. Do cơ hội nhiều, nên nhiều hãng nội địa của TQ đã từ lâu tham gia vào thị trường này, đổ nhiều tiền của công sức với các chiến lược khác nhau, làm cho cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt hơn.

Chúng tôi cũng nhận thấy các thương hiệu Ấn Độ đã thất thế trong cuộc chiến này, dù họ là người hiểu thị trường và rất thuận tay trong phân khúc giá rẻ, trong khi các thương hiệu lớn của TQ tập trung vào phân khúc cao, hoặc phân khúc không quá rẻ nhưng nằm ở kênh online.

Thị trường Ấn Độ đòi hỏi giá cả cạnh tranh, nhưng thực ra dễ tính hơn thị trường Việt Nam. Bài toán nằm ở chỗ giá rẻ, nhưng không được hy sinh những trải nghiệm người dùng vốn ngày càng tinh tế phức tạp hơn. Mobiistar dù bị sức ép khủng khiếp từ thị trường Việt Nam, nhưng vẫn tồn tại được với những sản phẩm thuyết phục được người dùng về trải nghiệm tốt, đặc biệt ở phần camera selfie. Chúng tôi mang kinh nghiệm này đi sang đó, hy vọng làm được điều gì đó. Tự tin quá không tốt, nhưng cũng có một vài điểm quan trọng để xây dựng kế hoạch cho việc tiến vào thị trường này.

Đã khá lâu mobiistar không ra mắt sản phẩm smartphone mới ở thị trường trong nước, phải chăng là do chuẩn bị cho kế hoạch xuất ngoại lần này?

Chúng tôi vừa ra mắt E-selfie, với trải nghiệm màn hình tràn viền lớn 6 inch cùng camera selfie 13megapixel đẹp như các thế hệ trước, mức giá rất ngọt 2.999.000 VNĐ. Chuẩn bị cho xuất ngoại, nhưng sản phẩm cũng phải đáp ứng được cho thị trường Việt Nam.

Một số ý kiến cho rằng, việc mobiistar phải “xuất ngoại” là do hiện nay thị trường trong nước cạnh tranh quá “khốc liệt” đặc biệt là sự xuất hiện của các smartphone giá rẻ như của Xiaomi hay Nokia. Theo ông nhận định trên có chính xác không?

Điều đó cũng có phần đúng. Nhưng nói rằng “phải xuất ngoại vì cạnh tranh” e có phần hơi chủ quan, vì cứ bị cạnh tranh thì xuất ngoại và xuất ngoại được thì đơn giản quá .

Thị trường trong nước đã từ lâu không còn chỗ cho các thương hiệu nội chỉ tập trung vào giá rẻ mà không đáp ứng được trải nghiệm tốt cho người dùng, trong khi các thương hiệu mới vào cũng làm giá rẻ, nhưng trải nghiệm tốt. mobiistar không ngại cạnh tranh trên bình diện đó.

Tuy nhiên, nếu chỉ ngồi ở Việt Nam với số lượng khiêm tốn như hiện nay, sản lượng của mobiistar khó mà nhận được sự đồng hành của các đối tác chuỗi cung ứng.

May mắn là chúng tôi nhận được sự ủng hộ của các đối tác mang thương hiệu mobiistar ra quốc tế, cùng với triết lý Tận Hưởng Nhiều Hơn khi xây dựng sản phẩm mà chúng tôi theo đuổi.

Bằng các đi xa, làm lớn, chúng tôi giải quyết vấn đề về chuỗi cung ứng và sản lượng đủ lớn tạo điều kiện cho mobiistar nói chung và mobiistar Việt Nam có thể cạnh tranh tốt hơn.

Ông đánh giá thế nào về thị trường smartphone tại Việt Nam hiện nay, khi có vẻ cuộc chơi đang thuộc về các hãng đến từ Trung Quốc?

Không chỉ ở Việt Nam mà khắp nơi trên thế giới. Điều này đã được đối tác như Mediatek dự báo trong các diễn đàn công nghệ trong khoảng 2 năm gần đây. Việt Nam quá gần Trung Quốc, nên càng thuận lợi cho các hãng lớn nhỏ tham gia thử thị trường. Vốn đầu tư hình như chưa là vấn đề của các hãng này, nên việc các thị trường như Việt Nam rất đông các thương hiệu Trung Quốc tôi cho là bình thường.

Lê Mỹ

Nguồn: Ictnews.vn

Bài viết tương tự