Chào bạn,

Đăng nhập xem việc làm phù hợp

Blog IT

CEO Vntrip Lê Đắc Lâm: Chúng tôi sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ về động thái trốn thuế của Agoda

CEO Vntrip Lê Đắc Lâm: Chúng tôi sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ về động thái trốn thuế của Agoda

Đây là chia sẻ của ông Lê Đắc Lâm – Tổng giám đốc của Vntrip.vn khi chia sẻ với chúng tôi trong buổi gặp gỡ báo chí về nội dung “Vntrip.vn khởi kiện Agoda trốn thuế tại Việt Nam”.

Theo đó, ông Lâm đã vạch trần hình thức trốn thuế của Agoda tại Việt Nam khi khoản 20 USD trên tổng số 100 USD thu về từ dịch vụ đặt phòng khách sạn đã chuyển thẳng sang trụ sở công ty ở Singapore. Doanh thu đặt phòng phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam là 100 USD nhưng các cơ quan thuế Việt Nam hoàn toàn không thu được đồng thuế nào từ số tiền 20 USD mà Agoda thu được.

 

Vị này ước tính, nếu tình trạng này tiếp diễn, đến năm 2020, chỉ cần 50% doanh thu đến từ khách nội địa cũng đủ đóng góp 5,25 tỷ USD tiền phòng cho toàn ngành du lịch, Việt Nam có thể thất thoát 10.000 tỷ đồng tiền thuế.

Trước dư luận cho rằng động thái này là chiêu trò PR của Vntrip , ông Lâm đã có những chia sẻ với chúng tôi sau sự kiện:

Agoda đã "việt vị" trong sân chơi ở Việt Nam

- Chào ông, ông có thể cho biết mục đích của Vntrip – một startup nhỏ Việt khi tố cáo Agoda trốn thuế?

- Tại sao một đất nước đầy tiềm năng du lịch và du lịch có thể đóng góp 10% GDP như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trăn trở, lại không có công ty VN nào đủ khả năng lật đổ những ông lớn ngoại như Agoda . Vì sao chúng ta cam chịu dâng miếng bánh màu mỡ cho Agoda, để họ không nộp một đồng thuế nào cho Việt Nam?

Kể cả không phải Vntrip mà với một vai trò là doanh nhân Việt chứng kiến trước sự cạnh tranh khốc liệt với các DN như hiện nay, cùng với bối cảnh du lịch là ngành mũi nhọn của quốc gia, lại bị thống trị bởi DN nước ngoài, tôi rất băn khoăn.

Tôi đang đá một trận đấu với Agoda, Agoda việt vị, vậy tại sao tôi không kêu với trọng tài?

- Được biết Vntrip có hợp tác với Booking.com, trong khi đây là đơn vị cùng hệ thống với Agoda. Vậy Vntrip có liên quan gì đến hệ thống này?

- Booking đúng là đối tác của chúng tôi và Agoda là anh em cùng một mẹ với Booking. Tuy nhiên, 2 DN này có hoạt động và pháp nhân hoàn toàn độc lập và cạnh tranh với nhau.

Hiện nay, chúng tôi hợp tác với Booking.com nhằm mục đích để Vntrip có thể tận dụng đại lý của Booking về hệ thống khách sạn quốc tế. Còn tại hệ thống khách sạn trong nước, Vntrip hoạt động độc lập.

- Đối tác của công ty ông – Booking.com có trốn thuế tại Việt Nam hay không?

Mô hình hoạt động của Booking không giống Agoda, bởi nó hoạt động theo phương thức là môi giới. Tức là khi khách hàng đặt qua Booking, thì họ sẽ trả tiền trực tiếp cho khách sạn. Và trong phần đó, khách sạn sẽ trích phần hoa hồng cho Booking. Cho nên Booking là hoạt động chuẩn.

Hiện tại Booking cũng có văn phòng đại diện ở Việt Nam.

Còn về Vntrip.vn, có tôi và anh Huy Nhật là 2 người Việt Nam làm chủ sở hữu chính. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài là phần nhỏ và họ không liên quan gì đến Agoda hay Booking.

- Có người cho rằng, động thái “tố cáo Agoda” của Vntrip là chiêu thức PR. Anh suy nghĩ như thế nào?

Đây là việc nghiêm túc, chúng tôi không PR.

Chúng tôi thấy đây là việc nên làm, và nếu mình kêu gọi vì một lý do chính đáng thì tại sao lại không? Chưa bàn về việc Vntrip.vn có được lợi hay không, nhưng nhìn vào bức tranh tổng thể vẫn là một điều nên làm và nếu thành công thì không chỉ chúng tôi, mà rất nhiều công ty nội địa khác cũng sẽ được hưởng lợi (kể cả những đối của chúng tôi).

Tôi cũng xin hỏi, khi mà một vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của các bạn, khi mà bạn hoạt động và đóng thuế đầy đủ, nhưng đối thủ của bạn lại đang được hưởng lợi một cách không chính đáng, thì tại sao chúng tôi lại không lên tiếng? Chúng tôi gốc là công ty Hồng Kông, nhưng chủ là người Việt, có pháp nhân và trụ sở tại Việt Nam, có đóng thuế như tất cả công ty Việt Nam khác.

 

 

Ông Lê Đắc Lâm chỉ ra hành vi trốn thuế của Agoda tại Việt Nam. Ảnh: H.Minh.

Chính phủ vẫn luôn kêu gọi các DN nếu có khó khăn thì phải lên tiếng và chúng tôi cảm thấy đây là điều chính đáng cần phải nói ra. Và nếu có sự hỗ trợ của cơ quan báo chí, truyền thông thì thông điệp sẽ được chuyển tải hiệu quả hơn - vậy tại sao lại coi đây là chiêu trò?

Giả sử nếu như vụ tố cáo này vừa giúp chúng tôi đưa vấn đề của Agoda ra ánh sáng; vừa giúp nhiều người biết đến dịch vụ của chúng tôi hơn thì tôi nghĩ đây cũng là điều tốt - để mọi người có thể thấy được là không phải công ty nào của Việt Nam cũng thua kém các tập đoàn nước ngoài. Hy vọng mọi người cũng đừng vì “sính ngoại” mà không dùng thử dịch vụ của Vntrip.vn một lần xem nó có tốt hơn hay không.

Còn nếu chúng tôi thua kém Agoda thực sự, thì có PR hay chiêu trò gì đi nữa thì có ăn thua không? Mình mà kém thì có kêu mấy khách hàng cũng không thèm quan tâm, và đấy cũng không phải là cách làm ăn lâu dài.

- Việc vạch trần của Agoda có ảnh hưởng gì đến các khách sạn của Việt Nam hay không?

- Khách sạn sẽ không thiệt gì cả.

- Vậy mức độ khởi kiện có dễ không?

- Bước đầu là chúng tôi tố cáo Agoda trốn thuế . Với mục tiêu cả DN, Nhà nước cùng vào cuộc thì không khó.

Cũng trường hợp của Uber, mục đích tố cáo ở là kêu gọi cơ quan chức năng đưa ra chính sách làm sao chặn được việc trốn thuế này đối với Agoda.

Hiện tại, bản thân Tổng cục thuế cũng đang rất nhiệt tình trong việc tìm ra giải pháp.

- Việc Vntrip tuyên chiến với Agoda liệu có khả thi như những công ty taxi truyền thống tuyên chiến với Uber, Grab - lợi ích liên quan đến hàng trăm nghìn đối tác là tài xế Việt, còn Agoda là nền tảng chứ không có nhân viên tại Việt Nam?

- Ảnh hưởng của Agoda lớn hơn rất nhiều so với Booking. Dù sao đi nữa doanh thu của tổng ngành giao thông cũng như liên quan đến Uber rất nhỏ, không thể so với 30 tỷ USD của ngành du lịch được. Cho nên nếu như thất thoát đó không xử lý Agoda thì ảnh hưởng đến xã hội rất nhiều.

Như chúng ta thấy, Uber có thể tài xế này kia, nhưng 10.000 tỷ đồng thất thoát từ việc trốn thuế của các đơn vị tương tự như Agoda mà Nhà nước thu được sẽ lo được lợi ích của bao nhiêu tài xế, xây được bao nhiêu chiếc cầu.

Việc chúng tôi đi kiến nghị chắc chắn sẽ có 2 giải pháp. Thứ nhất là nắm được đầu mối khách sạn và thứ hai là nắm được tiền thẻ tín dụng trả cho Agoda.

Như Uber nộp thuế là hoàn toàn tự nguyện, phải kê khai một năm bao nhiêu tiền, nộp 5% cho Nhà nước. Nếu sau này không chuẩn, thì hỏi Ngân hàng Nhà nước, tìm kiếm từ những thẻ tín dụng để biết chính xác thế nào.

Vấn đề này rất dễ chỉ có điều mình có muốn làm hay không. Và vấn đề này đương nhiên phải làm vì đây là thị trường của mình.

 

 

Cuộc gặp gỡ báo chí về chủ đề Vntrip tố cáo Agoda trốn thuế với sự có mặt của 2 luật sư Trương Đình Hòe (bên phải) và Trương Anh Tú (bên trái).

Vntrip sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ về động thái của Agoda

- Agoda là công ty rất lớn, Vntrip.vn chỉ là một startup còn non trẻ, vậy Vntrip.vn có cửa nào thắng ông lớn này?

- Thứ nhất, ở Indonesia, Tropicana là công ty nội địa ngày xưa bé tí, bây giờ nó trở thành công ty tỷ đô, đứng đầu thị trường. Booking, Agoda không bao giờ cạnh tranh với nó được.

Tại Trung Quốc, Ctrip cũng thống trị nhưng thực chất họ cũng được lợi rất nhiều từ chính sách bảo hộ. Ví dụ Booking không vào được Trung Quốc bởi để dùng được thẻ tín dụng mà mua dịch vụ của Booking gần như không có. Việc chặn tiền tệ bắt buộc người Trung Quốc phải dùng Ctrip. Đến khi Ctrip lớn rồi thì Booking không có cửa nữa. Đấy là dẫn chứng để nói rằng không phải không có tiền lệ.

Tại Đài Loan, Chính phủ đã nghiên cứu chính sách để thu thuế của Uber và Agoda cũng như các công ty thương mại điện tử khác (thanh toán qua thẻ tín dụng) vì cho rằng họ có những lợi thế không công bằng khi cạnh tranh với công ty nội địa. Agoda từng bị phạt 20 triệu NDT ở Đài Loan vì tội trốn thuế.

Thứ hai, thực tế dịch vụ của Vntrip hơn hẳn Agoda. Agoda có vấn đề gì phải email, thanh toán qua thẻ tín dụng, muốn đặt phòng theo yêu cầu rất khó xử lý. Trong khi đó, chúng tôi có dịch vụ đưa đón khách ra sân bay miễn phí, có tổng đài hỗ trợ 24/7, việc xin hóa đơn đỏ rất dễ dàng…

Bên cạnh đó, mức giá của Vntrip và Agoda ngang nhau, thậm chí Vntrip còn thấp hơn vì hiện tại chúng tôi đang chịu lỗ. Hiện chúng tôi chỉ kém hơn là Vntrip ít tiền hơn, non trẻ hơn và chưa có thương hiệu.

- Hiện tại Vntrip chịu lỗ nhiều không và dự kiến kéo dài bao lâu?

- Uber định giá 67 tỉ USD, năm ngoái lỗ 500 triệu USD. eLong của Trung Quốc top về đặt phòng ở Trung Quốc, thành lập 2001, đến năm 2016 vẫn lỗ 50 triệu USD, tức là có đến 15 năm lỗ. Amazon cũng lỗ hơn 10 năm.

Tôi cho rằng, lỗ ở đây không phải do kinh doanh lỗ, mà do cơ hội thị trường quá lớn và chấp nhận lỗ để lấy thị phần. Như Vntrip thích có lãi thì có lãi ngay nhưng có lãi đồng nghĩa với việc anh dừng phát triển. Đây là bài toán muốn dừng lại hay tiếp tục.

Mình muốn phải tiếp tục, bản chất thị trường này là mình không tăng trưởng thì họ lấy mất thị phần của mình.

Và lỗ nhiều hay ít không quan trọng bằng cảm giác cái lỗ đó có hợp lý cho mình về lâu dài không.

- Động thái của Vntrip sau buổi ra mắt này?

- Sự việc này có liên quan đến Tổng cục Thuế và Bộ Công Thương. Chúng tôi sẽ có ý kiến lên các cơ quan chức năng và Chính phủ vì đây là vấn đề lâu dài, mang tính quốc gia.

Chúng tôi cũng hiểu là cuộc chơi còn rất dài và sẽ còn nhiều khó khăn; và chưa chắc Vntrip.vn đã là công ty sẽ đánh bại được Agoda ở Việt Nam (mặc dù sẽ rất quyết tâm). Hoặc biết đâu sẽ chẳng có công ty Việt Nam nào có đủ khả năng đánh bại được Agoda trên chính sân nhà mình (nếu đúng như vậy thì quá buồn).

Nhưng ít ra, nếu như đến một lúc nào đó chúng ta phải chịu thua những tập đoàn nước ngoài và chấp nhận mất thị phần về tay họ thì chí ít chúng ta cũng phải thu được thuế của họ đã. Vì dù trong tương lai Vntrip.vn có thành công hay không và dù lúc đó tôi có làm DN này hay một DN khác, thì tôi cũng sẽ không cam chịu đứng nhìn một tập đoàn nước ngoài hưởng lợi từ đất nước của tôi mà không nộp một đồng thuế nào.

Xin cảm ơn ông!

Theo Trí Thức Trẻ


Nguồn: Genk.vn