Chào bạn,

Đăng nhập xem việc làm phù hợp

Blog IT

Chuyên gia blockchain chỉ ra nhiều dấu hiệu lừa đảo của Pi Network

Chuyên gia blockchain chỉ ra nhiều dấu hiệu lừa đảo của Pi Network

Thời gian gần đây, đồng Pi Network bất ngờ được một đội quân ‘seeder’ rầm rộ lôi kéo người tham gia trên các hội nhóm về tiền ảo. Đội quân này ‘khoe’ về một dự án đào tiền ảo được quảng cáo là miễn phí, không mất gì ngay trên điện thoại và đến nay đã thu hút được khoảng 13 triệu người đào ngày đêm.

Pi Network đã bị vạch trần với nhiều điểm đáng ngờ như đòi hỏi nhiều quyền riêng tư trên điện thoại, không công khai mã nguồn cùng những lời hứa hẹn sẽ lên mainnet từ năm này qua năm khác. Mainnet là quá trình mà ở đó giao thức blockchain đã được phát triển hoàn chỉnh khi các giao dịch tiền ảo được xác thực và ghi lại trên sổ cái phi tập trung.

Chuyên gia blockchain chỉ ra nhiều dấu hiệu lừa đảo của Pi Network - Ảnh 1.

Pi Network lôi kéo người dùng nhờ tuyên bố miễn phí, đào không mất gì trên điện thoại.

Phân tích app, đọc white paper (sách trắng), mới đây đến lượt TS Đặng Minh Tuấn đưa ra cảnh báo Pi Network có rất nhiều dấu hiệu của dự án lừa đảo. Người tham gia dự án này chắc chắn sẽ “mất thông tin cá nhân, mất thời gian, mất tài nguyên của điện thoại, và có thể mất thêm thông tin khác trong máy, mất công sức để lôi kéo người khác vào cái gọi là vòng tròn tin tưởng khá giống đa cấp”, TS Tuấn cho biết.

Với 7 năm nghiên cứu về blockchain, TS Đặng Minh Tuấn chỉ ra ba điểm đáng ngờ nhất của Pi Network, đó là quá trình đào, private key và mainnet. Trong đó, đến thời điểm này đào đồng Pi là một quá trình hết sức mờ ám, bởi “đào là một quá trình để xác thực các giao dịch, mà chưa có sổ cái/blockchain, chưa có giao dịch thì đào xác thực cái gì. Ngay cả cái xác thực dựa trên ‘vòng tròn tin tưởng’ cũng là một khái niệm mơ hồ, không có bảo đảm toán học cho nó”, theo TS Tuấn.

Công nghệ blockchain là công nghệ đòi hỏi sử dụng các khóa riêng tư private key để xác thực nhưng “có tài khoản mà không có private key, không có địa chỉ ví, sau này làm sao chuyển tiền hay tiêu tiền được, tiền mã hoá bao giờ cũng phải có private key mới tiêu được”, TS Tuấn nhấn mạnh.

Quan trọng nhất theo TS Tuấn, Pi Network hiện không có chút giá trị nào vì mã nguồn đóng, tiền đào ra chỉ được lưu trên điện thoại người dùng hoặc trên máy chủ tập trung. Một khi được lưu trên server, người quản trị có toàn quyền thay đổi, tạo ra bao nhiêu tùy thích.

Bởi tính minh bạch không hề có ở một dự án blockchain trong khi đã lôi kéo được lượng lớn người dùng hàng ngày, TS Tuấn ví von việc đào Pi cũng như nhặt sỏi đá và mơ ước đến một ngày không xa thế giới sẽ công nhận sỏi đá có giá trị như vàng.

TS Đặng Minh Tuấn là tiến sĩ chuyên ngành toán và mật mã, từng nghiên cứu toàn bộ mã nguồn của Bitcoin và Ethereum; ông được xem là mentor hàng đầu về blockchain ở Việt Nam. TS Tuấn hiện là Phó Chủ tịch CLB FinTech (thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), Trưởng Lab Blockchain (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông), Giám đốc trung tâm nghiên cứu Blockchain QNET, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ CMC. Ông chính là cha đẻ của phần mềm gõ tiếng Việt Vietkey ra đời năm 1994 cùng hàng chục công trình/đề tài nghiên cứu cấp Bộ, Nhà nước đã bảo vệ thành công.

 

 

Nguồn: Genk.vn

Bài viết tương tự