Theo số liệu do một công ty tuyển dụng hàng đầu thế giới tổng hợp, nhân sự làm việc trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin (CNTT) nhận mức lương trung bình ở mức 18,865,691 VND và đứng thứ 3 trong top 10 các ngành có mức lương cao nhất. Tuy nhiên, cũng trong nghiên cứu mới được công bố này của mạng việc làm này, đa số người lao động Việt Nam không hài lòng với thu nhập của mình.
Những nghiên cứu về thị trường lao động tại Việt Nam cho thấy, ngành CNTT có mức thu nhập trung bình cao thứ 3, sau Y tế và Thư ký/ Trợ lý/ Điều hành và trong nhóm từ 18 đến dưới 25 triệu đồng/ tháng.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia CNTT, con số này có lẽ phản ánh mặt bằng thu nhập tại TP. Hồ Chí Minh, hoặc nhóm khảo sát là khu vực doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, các liên doanh.
Báo cáo lương này được tổng hợp dựa vào khoảng lương thực tế những khảo sát khác để tìm hiểu kỹ hơn về phía ứng viên và người lao động để thấy được thu nhập của họ ở mức nào và có đủ để chi tiêu cho cuộc sống hay không? “Tuy nhiên, chúng tôi cũng có thực hiện những khảo sát khác để tìm hiểu kỹ hơn về phía ứng viên và người lao động để thấy được thu nhập của họ ở mức nào và có đủ để chi tiêu cho cuộc sống hay không”, vị này cho biết.
Vẫn thấp so với các nước trong khu vực
Cụ thể, 10 ngành có mức lương cao nhất tại vị trí nhân viên là Y tế (24,034,483 VND), Thư ký/Trợ lý/Điều hành (18,967,742 VND), CNTT (18,865,691 VND), Quản lý Khách sạn và Dịch vụ Du lịch (18,750,000 VND), Quản trị viên tập sự (18,375,000 VND), Kỹ sư (17,928,571 VND), Kinh doanh/Bán hàng (17,786,082 VND), Phóng viên/Biên tập viên (17,317,308 VND), Bất động sản (17,250,000 VND) và Tiếp thị/Phát triển KD ( 17,250,000 VND)
Tuy nhiên, theo mạng việc làm này, mức lương dành cho nhân sự Việt Nam vẫn còn khá thấp so với Singapore và Malaysia
Điển hình, một Giám đốc Tài chính tại Việt Nam chỉ có mức lương bằng khoảng 40% so với mức lương của nhân sự vị trí tương đương tại Singapore. Cụ thể, vị trí này tại Việt Nam sẽ có mức lương từ 2,002 USD – 2,877 USD, trong khi tại Singapore, mức lương dành cho nhân sự Quản lý Cấp cao ngành Tài chính / Ngân hàng đạt mức lương từ 4,992 USD – 7,064 USD, và Malaysia ở mức 2,326 USD – 3,780 USD.
Tương tự, đối với ngành Nhân sự, một vị trí Quản lý cấp cao tại Việt Nam cũng có mức lương thấp hơn khá nhiều so với các nước Đông Nam Á khác, chỉ ở mức 1,310 USD – 1,845 USD, thấp hơn khoảng 4 lần so với mức lương của Singapore từ 5,102 USD – 8,241 USD. Mức lương tháng tại vị trí này của Malaysia tuy có thấp hơn Singapore nhưng vẫn nhỉnh hơn Việt Nam, ở mức 2,326 USD – 4,434 USD.
Ở vị trí Quản lý Cấp cao ngành Sản xuất, Singapore vẫn đạt mức lương cao nhất từ 3,532 USD – 6,004 USD, Malaysia xếp thứ hai ở mức 2,326 USD – 4,361 USD. Đứng cuối vẫn là Việt Nam với mức lương dao động từ 1,172 USD – 1,744 USD.
Các chuyên gia cho rằng, lý do khiến mức lương lao động Việt Nam thấp là do năng suất lao động của người Việt chưa cao, bởi theo báo cáo của ILO, chỉ có 1/5 lực lượng lao động tại Việt Nam được đào tạo chuyên môn.
Bên cạnh đó, thế hệ người lao động Việt Nam hiện nay là thế hệ “nhân viên văn phòng” đầu tiên, chính bản thân họ còn thiếu kinh nghiệm trong môi trường công sở và lao động trí óc.
Hơn thế nữa, thị trường lao động tại Việt Nam vẫn chưa minh bạch, đặc biệt về lương nên người lao động trong nước vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn khi đàm phán mức lương, hoặc đề xuất tăng lương với nhà tuyển dụng.
Điều này dẫn đến thị trường Việt Nam chưa có một “chuẩn” mức lương cho từng ngành khiến nhà tuyển dụng và người lao động vẫn chưa thể đồng thuận với nhau trên phương diện lương.
“Tù mù” mức lương khi đăng tuyển dụng
Theo kết quả nghiên cứu từ Báo cáo Lương nói trên, 60% người lao động không biết thông tin về mức lương trước khi ứng tuyển, khiến họ gặp nhiều khó khăn trong việc đàm phán mức lương với nhà tuyển dụng.
Cùng đó, 54% số người được hỏi cho rằng mình nhận được mức lương thấp hơn so với thị trường, và có đến 80% nhân sự trong nước không hài lòng về mức lương.
Theo các chuyên gia về nhân sự, mức lương của người lao động Việt vẫn chưa cao khi 31% người lao động có mức thu nhập từ 3-5 triệu đồng, trong khi 36% phải chi tiêu từ 2-4 triệu đồng/ tháng. Chính vì vậy, 68% người lao động Việt Nam cho rằng “thu nhập không đủ chi tiêu” và sống “khá chật vật vào mỗi cuối tháng”.
Do đó, khi được hỏi trong khảo sát, 94% nhân sự tại Việt Nam mong muốn được biết về thông tin mức lương trước khi ứng tuyển.
Ngược lại từ phía nhà tuyển dụng, vẫn còn tồn tại những lý do khiến họ không muốn chia sẻ thông tin về mức lương khi đăng quảng cáo việc làm bởi “mức lương không cạnh tranh, khó thu hút ứng viên” hay lo ngại “lộ thông tin về lương đối với nhân viên nội bộ”.
Chính điều này đã khiến nhiều ứng viên, đặc biệt là sinh viên mới ra trường và nhân viên ít kinh nghiệm gặp khó khăn khi đàm phán mức lương với nhà tuyển dụng, cũng như khó đạt được việc làm với mức lương mong muốn.
Ở góc độ khác, một số nhà tuyển dụng cho rằng việc chia sẻ thông tin mức lương với ứng viên trước khi phỏng vấn sẽ giúp mang lại những lợi ích nhất định như: tiết kiệm thời gian và công sức đàm phán giữa hai bên, cũng như khiến họ dễ dàng thu hút được ứng viên trong ngân sách mà công ty quy định.
Đây được coi là một bước ngoặt lớn trong tiến trình “minh bạch hoá” thị trường tuyển dụng tại Việt Nam.
Nguồn và số liệu Jobstreet.com
Techtalk via codeviet.org