Chào bạn,

Đăng nhập xem việc làm phù hợp

Blog IT

Công nghệ Blockchain tồn tại một số lổ hổng bảo mật

Công nghệ Blockchain tồn tại một số lổ hổng bảo mật

Các khách mời chia sẻ quan điểm về Blockchain. Ảnh theo Bộ KH&CN

Theo tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ, ngày 15/11/2017, trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2017 (TechFest 2017), Làng Công nghệ tiên phong (Emerging Tech) đã tổ chức Hội thảo “Tiềm năng ứng dụng của Blockchain”.

Ngoài ra, trong khuôn khổ của Techfest 2017, Làng Công nghệ tiên phong (Emerging Tech) cũng đã tổ chức các hội thảo: Xu thế đầu tư startup; Tương lai ngành ngân hàng dưới sự ảnh hưởng của công nghệ mới. Đây là chuỗi hội thảo với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ tiên phong (trí tuệ nhân tạo, IoT, Big Data) vào các startup.

Techfest 2017 đã thu hút trên 4.500 lượt người tham dự; hơn 170 cuộc kết nối đầu tư sâu từ trước và trong sự kiện được thực hiện; 29 thương vụ có khả năng đầu tư lên đến 4,5 triệu USD; 250 doanh nghiệp khởi nghiệp tham dự; triển lãm sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giới thiệu dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp của hơn 150 doanh nghiệp và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và đại diện từ khoảng 50 quỹ đầu tư trong nước và quốc tế..

Theo các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo, nếu được bình chọn cho công nghệ mới nổi bật trong năm 2017, thì chắc chắn Blockchain và ứng dụng vào tiền ảo, tiêu biểu như Bitcoin sẽ được xướng tên.

Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian do đó được gọi là chuỗi khối (blockchain). Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó. Blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu. Thông tin trong blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Ngay cả khi nếu một phần của hệ thống blockchain sụp đổ, những máy tính và nút khác sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin.

Đặc biệt blockchain có khả năng truyền tải dữ liệu mà không đòi hỏi trung gian để xác nhận thông tin. Hệ thống blockchain bao gồm nhiều nút độc lập có khả năng xác thực thông tin mà không cần đến bên thứ ba để xác thực.

Với những đặc điểm ưu việt, đặc biệt là về tính bảo mật, tuy nhiên Blockchain có tồn tại những nhược điểm hay không? Theo anh Kendrick Nguyễn, Đồng sáng lập Republic cho rằng, hiện tại tuy đã có hơn 1.000 ứng dụng của Blockchain, tuy nhiên đây vẫn là công nghệ phức tạp, vẫn chưa được khai phá hết, bên cạnh đó dù tính bảo mật được đề cao, nhưng Blockchain vẫn có thể tồn tại một số lỗi bảo mật, ví dụ như nếu hơn một nửa số máy tính (các nút) phục vụ mạng nói dối, thì lời nói dối đó sẽ biến thành sự thực.

Theo ông Cris D. Tran, Giám đốc dự án, Infinity Blockchain Labs, do đây là công nghệ rất mới, nên cần có những chế tài và sự linh hoạt của Chính phủ trong việc xây dựng các điều khoản mới về sử dụng Blockchain. Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu tích cực khi gần đây, Chính phủ công bố sẽ có những chính sách mới về quản lý tiền ảo vào đầu năm 2018.

Ngoài ra, yếu tố con người cũng là một hạn chế. Nếu ta sử dụng blockchain như một cơ sở dữ liệu, thì các thông tin đi vào cơ sở dữ liệu phải có chất lượng cao. Những dữ liệu trên blockchain phải cực kì đáng tin, nên các thông tin đưa vào cơ sở phải chính xác ngay từ đầu. Vậy nếu con người đưa thông tin sai lệch vào hệ thống, thì cả blockchain này coi như là vô giá trị.

Ông Long Vương, CEO Tomocoin.io bổ sung thêm, hạn chế của Blockchain về tốc độ giao dịch của Bitcoin hiện tại vẫn chưa cao do hạn chế công nghệ. Vào cuối năm 2016, nó chỉ có thể tiến hành đồng thời 7 giao dịch mỗi giây, giá mỗi giao dịch là khoảng 0.20$, một giao dịch chỉ chứa được 80 byte dữ liệu.

Tuy nhiên, đây thực sự là công nghệ vô cùng tiềm năng, có thể áp dụng vào nhiều lĩnh vực bên cạnh tiền ảo. Anh Kendrick chia sẻ, Blockchain sẽ là một giải pháp hữu ích cho việc giao dịch kiều hối, với khả năng giao dịch cực nhanh, không cần qua bên thứ ba. Không những thế, Blockchain còn có thể áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh Bitcoin, ICO (Initial Coin Offering – kêu gọi vốn đầu tư từ tiền ảo) cũng là một chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của các Startup, nhà đầu tư tham dự. Dù là một phương pháp kêu gọi vốn đầy tiềm năng, nhưng ICO vẫn còn tồn tại nhiều rủi ro.

Theo anh Kendrick, có hai phương pháp để kiểm soát rủi ro từ ICO: Chính phủ đưa ra các chính sách để xác minh và kiểm soát các giao dịch. Ví dụ như tại Mỹ nhà đầu tư phải xác minh khả năng tài chính mới có thể tham gia. Hoặc từ phía nhà đầu tư nên cân nhắc thật kỹ, nên có nền tảng kiến thức từ trước để tránh bị các Startup thổi phồng giá trị, tốt nhất là nên đi theo các nhà đầu tư đã có kinh nghiệm từ trước.

Cuối cùng, các khách mời đều chia sẻ quan điểm rằng Blockchain vẫn còn rất nhiều tiềm năng và sẽ ảnh hưởng tới các ngành công nghiệp, tuy nhiên đồng thời để đạt được thành tựu, luật Việt Nam cũng sẽ cần thay đổi để thích ứng.

Đình Anh

Nguồn: Ictnews.vn

Bài viết tương tự

Bài viết nổi bật