Chào bạn,

Đăng nhập xem việc làm phù hợp

Blog IT

Đã đến lúc lập trình viên làng nhàng cũng có thể bị trí tuệ nhân tạo cướp việc làm

Đã đến lúc lập trình viên làng nhàng cũng có thể bị trí tuệ nhân tạo cướp việc làm

Nếu là một nhà sáng lập startup đang tuyệt vọng tìm cách đưa ý tưởng của mình ra thị trường thì có lẽ bạn sẽ xa lạ gì với quá trình phát triển sản phẩm đầy mệt mỏi và nhàm chán. Từ việc lựa chọn đội ngũ kỹ sư, lên kế hoạch chi tiết về sản phẩm, so sánh các mẫu mockup, wireframe và cuối cùng là chạy bản beta cho đến ngày chính thức tung ra – tất cả có thể mất nhiều tháng cho đến cả năm trời. Và trong khoảng thời gian đợi chờ đó, cơ hội thị trường có thể bị các đối thủ chớp mất bất cứ lúc nào.

Tương tự như vậy, các tập đoàn lớn muốn nâng cấp sản phẩm sẵn có cũng khó tạo ra được nhiều cơ hội cho các kỹ sư thử nghiệm ý tưởng mới. Điều này cũng góp phần cản trở đổi mới sáng tạo – cơn ác mộng đối với các công ty công nghệ.

Cuối cùng thì phát triển phần mềm mới luôn là một nỗ lực tiêu tốn thời gian và nhiều thách thức.


Đội ngũ sáng lập Dragonera

Đội ngũ sáng lập Dragonera

Một startup có tên Dragonera đã sớm nhận ra nỗi đau này để xây dựng sản phẩm giúp các nhà sáng lập có thể đưa sản phẩm ra thị trường một cách nhanh chóng và hiệu quả. Cùng với đó, startup này cũng hy vọng có thể giúp các công ty lớn thúc đẩy đổi mới sáng tạo với các công cụ thử nghiệm dễ dàng của mình.

Sản phẩm của Dragonera là một nền tảng giúp người dùng tự động hóa toàn bộ quy trình phát triển phần mềm. Nhà đồng sáng lập Ido Sadeh Man cho biết “Nhu cầu tuyển dụng kỹ sư giàu kinh nghiệm luôn vượt quá nguồn cung hiện nay…Dragonera đưa ra một dịch vụ trong đó khách hàng chỉ việc nêu ý tưởng qua việc trả lời các câu hỏi sẵn có, chúng tôi sẽ mang đến cho họ một sản phẩm đầy đủ chức năng có thể sẵn sàng tung ra thị trường.”

"Lắp ráp" tính năng

Dragonera làm được điều này nhờ ứng dụng machine learning cho việc xác định sản phẩm và các dịch vụ micro cho khâu thực hiện. Phương thức này có thể giúp tự động hóa việc hoàn thiện 70% sản phẩm, tiết giảm phần lớn thời gian và chi phí so với việc thuê lập trình viên bằng xương bằng thịt.

 

Các dịch vụ micro là những tính năng độc lập được thiết kế để “lắp” vào sản phẩm chính. Sử dụng các dịch vụ micro cũng tương tự như việc lắp ráp các khối lego thành một tổng thể hoàn chỉnh - bạn chỉ cần chọn tính năng thôi, vận hành đã có Dragonera lo.

Ido cho biết: “Khách hàng của chúng tôi đều không cần đến đội ngũ kỹ sư nữa, bởi bất cứ tính năng nào không thể giải quyết được bằng các dịch vụ micro đều sẽ được mạng lưới kỹ sư của chúng tôi hỗ trợ.”

Startup có trụ sở tại Tel Aviv, Israel này hiện đã huy động được 3 triệu USD vốn đầu tư để mở rộng quy mô.

Thị trường outsource phần mềm đã đến lúc cần thay đổi?

Nền tảng của Dragonera hoạt động dưới dạng một bảng điều khiển SaaS, trong đó các lãnh đạo startup kiểm soát cả phần thiết kế và giao diện người dùng. Ido cho biết công ty đang cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm gần giống như một đội kỹ sư có sẵn trong tay họ.


Bảng điều khiển của Dragonera

Bảng điều khiển của Dragonera

Dragonera đã làm việc với nhiều doanh nghiệp bất động sản và thu hút được họ sử dụng nền tảng của mình. Công ty cũng tiết lộ rằng những người đứng đầu các doanh nghiệp này đều sử dụng được nền tảng mà không cần chút kinh nghiệm nào về kỹ thuật, phát triển sản phẩm hay trải nghiệm người dùng.

Hệ thống "coder nhân tạo" của Dragonera có thể đưa ra một sản phẩm hoàn chỉnh theo yêu cầu khách hàng chỉ trong vòng 40 ngày với mức phí dưới 40.000 USD. Đây được coi là giải pháp nhanh gọn và tiết kiệm cho nhiều doanh nghiệp nhỏ bởi việc outsource hay thuê đội ngũ lập trình viên sẽ khiến họ tiêu tốn thêm khoảng 80% thời gian và chi phí (theo mức giá trung bình tại Âu, Mỹ).

Đội ngũ đứng sau Dragonera đều là các kỹ sư có nhiều năm kinh nghiệm về machine learning và cung ứng dịch vụ. Ido tin rằng công ty sẽ có rất nhiều cơ hội trên thị trường outsource phần mềm trị giá 280 tỷ USD hiện nay. Đây chính là thời điểm thị trường này cần được khuấy động bằng công nghệ cao hơn.

Nhà sáng lập cũng chia sẻ rằng thị trường này trước giờ vẫn thường chỉ tập trung vào việc mua đi bán lại (yêu cầu lập trình viên làm ra sản phẩm X rồi bán lại nó cho khách hàng với giá gấp đôi, gấp ba,…). Dragonera tin rằng sự kết hợp giữa tự động hóa bằng machine learning và nền kinh tế chia sẻ sẽ là chìa khóa thay đổi cục diện và quy mô ngành này.

 

Tham khảo Tech In Asia

 

Nguồn: Genk.vn

Bài viết tương tự

Bài viết nổi bật

Công việc liên quan