Nhiều người nghĩ rằng cứ cấu hình mạnh, màn hình đẹp hay nhiều camera mới đem lại trải nghiệm tốt, nhưng thực tế thì thời lượng pin hay tốc độ sạc cũng quan trọng không kém. Chính vì vậy mà Samsung gần đây đã liên tục đưa hai yếu tố này lên các dòng máy tầm trung, thậm chí giá rẻ khoảng 3- 4 triệu đồng. Điển hình chính là Galaxy A20s - phiên bản nâng cấp nhẹ của A20 vừa ra mắt đầu năm.
Nhìn qua thì nhiều người sẽ nghĩ chiếc máy chẳng có gì nổi bật, từ màn hình, cấu hình cho tới camera. So với nhiều đối thủ khác trên thị trường, hẳn là Galaxy A20s tỏ ra lép vế khi bị đem so về chất lượng hiển thị hay khả năng chơi game. Vậy thì, thực tế sử dụng ra sao, cùng tìm hiểu nào.
Cấu hình đủ chơi game?
Galaxy A20s sử dụng con chip Snapdragon 450 8 nhân, RAM 3/4GB và màn hình độ phân giải HD 720p. Với cấu hình như thế này, bạn gần như không thể chơi được những tựa game đồ họa nặng như Asphalt 9 hay Modern Combat. Tốc độ khung hình thấp, kém ổn định và delay nhiều khiến việc điều khiển nhân vật là bất khả thi.
Điểm benchmark từ Galaxy A20s không mấy ấn tượng.
Tuy nhiên, với những tựa game ở mức trung bình, không yêu cầu máy mạnh lắm thì Galaxy A20s vẫn đáp ứng tốt, điển hình như Liên Quân Mobile. Các thao tác ở menu chính có hiện tượng giật lag vì có quá nhiều yếu tố đồ họa, nhưng khi đã vào game thì bạn có thể yên tâm là tốc độ khung hình đủ mượt mà, điều khiển nhân vật không có độ trễ.
Đừng mong chơi tốt những game đồ họa "khủng" như Asphalt 9 với Galaxy A20s.
Với nhu cầu sử dụng thông thường như lướt web, Facebook, Youtube hay các ứng dụng nhắn tin thì Galaxy A20s hoàn toàn đáp ứng được. Tốc độ mở và chuyển ứng dụng có thể delay nhẹ nhưng nhìn chung vẫn chấp nhận được ở phân khúc giá này.
Độ phân giải màn hình có phải vấn đề?
Câu trả lời là có, nhưng chỉ khi bạn đang dùng quen một chiếc smartphone cao cấp hơn với màn hình fullHD hay Quad HD mà thôi. Việc đổi sang dùng tấm nền LCD IPS thay vì SuperAMOLED có thể coi là một quyết định sáng suốt của Samsung với A20s. Lý do là màn OLED nói chung thường có độ nét thực tế thấp hơn kha khá so với màn LCD, và ở độ phân giải HD thì sự khác biệt lại càng rõ rệt.
Dù độ phân giải hơi thấp nhưng bù lại, chất lượng màu sắc và độ sáng của màn hình LCD IPS trên Galaxy A20s vẫn ở mức trên trung bình.
Điểm trừ lớn nhất của màn hình Galaxy A20s có lẽ là khả năng hiển thị màu đen và độ tương phản kém hơn thế hệ A20 cũ. Tuy nhiên, bạn có thể yên tâm là màu sắc và độ sáng của máy đều ở mức tốt, dùng thoải mái ngoài trời nắng gắt và chỉ hơi ám xanh nhẹ một chút.
Thêm camera để làm gì?
So với Galaxy A20, A20s có thêm một camera nữa hỗ trợ đo chiều sâu ảnh để chụp xóa phông Live Focus tốt hơn. Xét về mặt lý thuyết thì khác biệt này không nhiều, nhưng máy thực ra còn được cải thiện về chất lượng ảnh từ cảm biến chính và ống kính góc siêu rộng nữa.
Màu sắc thu được từ cảm biến chính trông rất tự nhiên, không bị làm gắt ở mọi điều kiện sáng. Khả năng cân bằng trắng cũng ổn, nhưng chế độ HDR thì hoạt động không hiệu quả lắm, chỉ lấy được thêm một chút xíu chi tiết ở vùng cháy sáng. Cũng vì thế mà ảnh chụp ra trông bình thường, không bị “lố” như nhiều dòng máy khác cùng tầm giá.
Ảnh chụp đủ sáng từ cả hai góc chụp đều cho ra màu sắc tương đồng, chỉ lệch một chút về tương phản động.
Đố bạn biết ảnh nào bật HDR, ảnh nào tắt HDR?
Ở điều kiện đủ sáng, cảm biến với ống kính góc siêu rộng cho ra ảnh với chất lượng tương tự nhưng giảm nhiều về độ chi tiết, phần lớn là do cảm biến này có độ phân giải chỉ 8MP. Tuy nhiên, hiệu ứng góc rộng thì rất thú vị, giúp bạn dễ chụp được những bức ảnh lạ mắt hơn.
Bạn có thể hy sinh chi tiết ảnh để có góc chụp rộng hơn, tạo hiệu ứng lạ mắt hơn.
Khả năng chụp tối với một chiếc smartphone cỡ 4 triệu có lẽ không thể khá khẩm hơn. Ảnh từ Galaxy A20s vẫn có màu sắc tự nhiên nhưng dễ bị bệt chi tiết và nhiễu hạt thấy rõ. Ngoài ra, máy thường có xu hướng đẩy sáng quá cao làm ảnh bị cháy sáng nên bạn cần tự cân lại bằng thanh chỉnh EV trên màn hình.
Khi đã chỉnh lại cân bằng sáng, ảnh chụp trông vừa mắt hơn rất nhiều.
Cũng may là camera của Galaxy A20s không cố gắng làm gắt chi tiết và màu sắc nên vẫn giữ được sự tự nhiên của ảnh.
Tính năng chụp xóa phông Live Focus đúng là đã tốt hơn ở khoản bóc tách chủ thể, bokeh cũng mịn mượt nhưng tất nhiên cũng chỉ ở mức chấp nhận được. Ảnh chụp đôi khi còn hơi bệt, trông như tranh sơn dầu, nhất là khi chụp ngược sáng.
Pin “trâu” đến mức nào?
Viên pin 4000mAh bên trong Galaxy A20s được quảng bá rầm rộ về thời lượng sử dụng, cộng thêm công nghệ sạc nhanh 15W nữa càng khiến nhiều người thích thú. Sự thật là, dùng thực tế… y như quảng cáo.
Dù có cày phim hay chiến game liên tục, Galaxy A20s vẫn trụ vững trong ít nhất 6 tiếng đồng hồ. Trung bình, các smartphone hiện tại chỉ đạt con số khoảng 5 tiếng sáng màn hình thôi đã được đánh giá cao rồi.
Cụ thể, bạn có thể cày phim qua Youtube hay Netflix liên tục đến hơn 10 tiếng đồng hồ nếu cài màn hình ở mức sáng 50% cho mỗi lần sạc. Kể cả khi chơi Liên Quân Mobile - tựa game yêu cầu truyền dữ liệu liên tục qua Wifi thì máy cũng chỉ giảm 14% trong 60 phút, tức là phải “cày” 7 tiếng đồng hồ liền thì A20s mới cạn pin.
Với nhu cầu sử dụng hàng ngày, dùng Wifi trong nhà để lướt mạng xã hội, gọi video call hay chat với bạn bè thì Galaxy A20s có thể dùng thoải mái trong khoảng 2 ngày mới phải sạc lại.
Biểu đồ thể hiện tốc độ sạc tư 10% lên 100% pin của Galaxy A20s.
Galaxy A20s đi kèm củ sạc nhanh 15W tương tự dòng flagship Galaxy S10. Trước đây, các máy cũ của Samsung với pin 4000mAh thường mất tới 4 - 5 giờ để sạc đầy bằng củ sạc thường (1.5A/5V), nhưng Galaxy A20s thì chỉ cần khoảng hơn 2 tiếng là xong xuôi 100% pin, tức là đã giảm được tới khoảng 50% thời gian chờ đợi. Tất nhiên, đây chưa phải là công nghệ sạc nhanh nhất trên thị trường, nhưng ở tầm giá 4 triệu này thì chúng ta khó có thể đòi hỏi gì hơn nữa.
Kết
Nhìn chung, Galaxy A20s không phải là chiếc smartphone phổ thông hoàn hảo. Máy vẫn còn kha khá điểm yếu so với các đối thủ khác. Tuy nhiên, nếu bạn đang tìm kiếm một chiếc smartphone màn hình lớn để xem phim, thỉnh thoảng chơi game “sương sương”, pin “khủng”, sạc nhanh để không phải lo nghĩ mỗi ngày thì Galaxy A20s vẫn là một lựa chọn đáng cân nhắc.
Nguồn: Genk.vn
Chuyên viên Đánh giá An toàn bảo mật hệ thống CNTT
Ngân Hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội ( SHB )
Địa điểm: Hà Nội
Lương: Cạnh Tranh
Chuyên viên Đánh giá An toàn bảo mật hệ thống CNTT
Ngân Hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội ( SHB )
Địa điểm: Hà Nội
Lương: Cạnh Tranh
Chuyên viên Đánh giá An toàn bảo mật hệ thống CNTT
Ngân Hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội ( SHB )
Địa điểm: Hà Nội
Lương: Cạnh Tranh