Quyết định này hiện mới chỉ dừng lại ở việc đề xuất và chưa được thông qua.
Cụ thể, theo tờ Heise Online, chính phủ Đức mới đây đã đưa ra đề xuất mới yêu cầu các nhà sản xuất smartphone phải cung cấp 7 năm cập nhật bản vá bảo mật, đồng thời trong khoảng thời gian này, các linh kiện thay thế cho smartphone cũ sẽ vẫn phải có sẵn và được cung cấp "với mức giá hợp lý". Khoảng thời gian 7 năm này dài hơn 2 năm so với đề xuất mà Uỷ ban châu Âu đã đưa ra trước đó.
Trong hầu hết các trường hợp, nhà sản xuất smartphone chỉ cung cấp 3 năm cập nhật bản vá bảo mật cho smartphone của mình, với Samsung con số này là 4. Bởi vậy, ngay cả việc Uỷ bản châu Âu đề xuất với khoảng thời gian 5 năm thì đây cũng là một thách thức đối với bất cứ thương hiệu smartphone nào. Hiện tại, đa số flagship Android mới nhận được các bản cập nhật nhanh nhất và được hỗ trợ lâu dài, trong khi đó smartphone dòng trung hoặc giá rẻ thường sẽ bị bỏ rơi chỉ sau 1 tới 2 năm ra mắt.
Heise Online cho biết thêm rằng hiệp hội công nghiệp DigitalEurope, bên đại diện cho các thương hiệu như Samsung, Huawei và Apple, đang phản đối đề xuất này của Đức. Cụ thể hơn, DigitalEurope cho rằng việc cung cấp ba 3 bản vá bảo mật và 2 năm cập nhật hệ điều hành hàng năm hiện vẫn là tiêu chuẩn bắt buộc và không cần phải thay đổi.
Bên cạnh nhà sản xuất smartphone thì các nhà sản xuất chipset và các nhà cung cấp dịch vụ cho smartphone cũng sẽ phải hợp tác để có thể cung cấp các bản cập nhật kéo dài trong 7 năm cho người dùng. Nếu đề xuất này được thông qua, không chỉ tại Đức mà người dùng tại nhiều thị trường khác trên thế giới cũng sẽ có thể nhận được 7 năm cập nhật cho smartphone của mình. Điều này có vẻ sẽ là một khó khăn không hề nhỏ đối với bất cứ nhà sản xuất nào, đặc biệt là với các nhà sản xuất quy mô nhỏ.
Genk