Di động là xu hướng của tương lai gần trong rất nhiều ngành, trong đó có thương mại. Sẽ không quá nếu nói người Hàn Quốc “nghiền” điện thoại thông minh (smartphone). Đất nước này có tỷ lệ người dùng điện thoại thông minh cao nhất thế giới: Hơn 2/3 người dân Hàn sở hữu ít nhất 1 chiếc smartphone so với 47% người Mỹ, 57% người Úc và 52% người Anh.
Vậy điểm mấu chốt tạo nên thành công của m-commerce là gì?
Kể từ năm 2010, thị trường m-commerce của Hàn Quốc đã tăng gấp đôi giá trị. Ngày nay, nó chiếm gần 1/3 doanh số bán hàng qua mạng tại quốc gia này. Sử dụng điện thoại thông minh để mua sản phẩm và dịch vụ dường như trở thành thói quen của người dân Hàn Quốc (cứ 3 người lại có 2 người mua sắm qua di động).
Nghiên cứu gần đây cho thấy, để chiến thắng trong thị trường thương mại di động, website có giao diện đơn giản hay ứng dụng phù hợp dành cho di động là chưa đủ. M-commerce yêu cầu sự tiếp cận và làm hài lòng khách hàng rất khác biệt. Thậm chí, cần phải phân biệt rõ ràng giữa thói quen mua sắm qua di động với mua sắm trực tuyến và tại cửa hàng, đặc biệt là với nữ giới.
Dưới đây là 4 điểm chính cần lưu ý cho các hãng bán lẻ muốn thâm nhập vào cuộc cách mạng mua sắm qua di động:
Tiếp cận: Chạm vào thói quen ưu tiên di động của khách hàng
Đặc điểm nhân khẩu học của người tiêu dùng qua di động rất khác biệt. Tại Hàn Quốc, phụ nữ chiếm 60% các giao dịch (trong đó hầu như khoảng 30 tuổi và đều có con chưa đến tuổi đi học, một số là nội trợ toàn thời gian).
Trước đây, người ta cho rằng M-commerce được sử dụng nhiều nhất bởi những phụ nữ đang đi làm và bận rộn. Tuy nhiên thực tế, những phụ nữ phải đi làm thường dành nhiều thời gian trước màn hình máy tính hơn trong khi đó các bà nội trợ hay bà mẹ trẻ có con chưa đến tuổi đi học thường sử dụng điện thoại nhiều hơn. Các hãng bán lẻ có thể lợi dụng đặc điểm này để tiếp cận đến đối tượng khách hàng là các bà nội trợ và phụ nữ có con nhỏ.
Bên cạnh đó, các đối tượng mua sắm qua di động không phân biệt tuổi tác, giới tính, giàu nghèo dường như đang dần từ bỏ thói quen mua sắm từ các cửa hàng và trực tuyến. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, trong số những người mua sắm qua thiết bị di động, 13% cho rằng họ không mua tại cửa hàng, 53% không mua qua trực tuyến.
Thúc đẩy mua hàng
Vì khó so sánh và nghiên cứu chi tiết sản phẩm do đặc điểm màn hình nhỏ, người mua hàng qua di động thường ít thận trọng hơn khi đưa ra quyết định mua hàng. Nghiên cứu cho thấy hơn 50% quyết định mua sắm trên di động của khách hàng (tức là quá trình từ cân nhắc sản phẩm đến mua) được đưa ra trong vòng 1 ngày so với tỷ lệ 36% những người mua trực tuyến.
Thêm vào đó, người mua hàng qua di động thường ghé thăm trung bình ít hơn 2 trang mua sắm trước khi đưa ra quyết định mua hàng trong khi đó, con số tương tự với người mua trực tuyến là 2,75 trang.
Cuối cùng, 17% giao dịch qua di động tại Hàn Quốc được thực hiện mà người mua không phải thông qua tìm kiếm trước so với tỷ lệ 6% của giao dịch trực tuyến.
Với các nhà bán lẻ, đây là những lưu ý đặc biệt quan trọng. Người tiêu dùng mua sắm qua di động thích sự thỏa mãn nhanh chóng. Quyết định mua sắm của họ thường phụ thuộc nhiều vào yếu tố cảm xúc, tính bộc phát hoặc thói quen.
Rẻ thôi chưa đủ, phải tạo trải nghiệm mua sắm vui vẻ, thuận tiện
Khác với mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng qua di động thích được trải nghiệm mua sắm thuận tiện, dễ dàng và nhanh chóng. Một nghiên cứu cho thấy 60% người mua sắm qua di động nói rằng “sự thuận tiện” là ưu tiên số 1 của họ so với 44% ý kiến của người mua trực tuyến.
Chính vì vậy, để kết nối với người mua hàng qua di động, rất nhiều hãng bán lẻ đã cung cấp ít thông tin hơn trên website và thay vào đó cung cấp những tiện ích như vận chuyển nhanh chóng…
Nhanh chóng “trói chân” khách hàng
Nghiên cứu chỉ ra rằng, người tiêu dùng qua di động thường vào thẳng website của hãng bán lẻ hay ứng dụng mua hàng thay vì sử dụng công cụ tìm kiếm. Điều này có nghĩa là các hãng bán lẻ cần phải nhanh chóng nắm bắt và biến họ thành những khách hàng trung thành. Cụ thể tại Hàn Quốc, các hãng bán lẻ sử dụng nhiều chiến thuật đa dạng để khiến khách hàng buộc phải ghé thăm website nhiều hơn. Ví dụ như cung cấp voucher hay điểm tích lũy cho những ai vào website ít nhất 1 lần trong ngày thông qua điện thoại di động hoặc ứng dụng.
Vân Đàm
Theo Trí Thức Trẻ/McKinsey