Trong bối cảnh SQUID đang có mức tăng trưởng đáng kinh ngạc, các tin tức về việc người dùng không thể bán đồng token này đã làm dấy lên nhiều nghi vấn từ phía cộng đồng tiền điện tử.
Tận dụng sự nổi tiếng của Squid Game - series phim đình đám đang làm mưa làm gió trên Netflix, một đồng token ăn theo cùng tên (tên mã: SQUID) đã nhanh chóng xuất hiện trên thị trường tiền điện tử. Mặc dù mới được mở bán trong đợt presale (bán trước) diễn ra hôm 20/10, SQUID đã có sự tăng trưởng cực nhanh về giá trị, với mức tăng lên tới 260000% (2600 lần) chỉ trong thời gian ngắn, theo dữ liệu từ trang web theo dõi tiền điện tử Coinmarketcap.
Theo nhóm phát triển SQUID, đồng token này có thể sử dụng trong dự án game Play-to-earn dự kiến ra mắt vào tháng 11 tới. Là một đồng token ra đời dựa theo cảm hứng từ TV series của Netflix, SQUID cũng sẽ có tổng cộng 6 màn đấu để các nhà đầu tư lần lượt tham gia, với khoản tiền thưởng lớn dành cho người chơi chiến thắng cuối cùng.
Tuy nhiên, người chơi cần phải mua một lượng SQUID nhất định để tham gia hoặc khởi động lại nếu thua, với "lệ phí" rơi vào khoảng 650 – 15.000 token. 10% token từ số lệ phí này sẽ được gửi cho nhóm phát triển SQUID, trong khi 90% còn lại sẽ hợp thành giải thưởng cực kỳ lớn cho người chiến thắng.
"Lãi khủng" nhưng không thể bán được
Theo CoinTelegraph, PancakeSwap hiện là sàn giao dịch duy nhất người dùng có thể thực hiện việc đầu tư SQUID. Đồng token này hiện đang được giao dịch ở mức 35,58 USD ở thời điểm viết bài, nằm trong số những đồng coin / token có mức tăng trưởng hàng đầu trên Coinmarketcap, với khối lượng giao dịch hàng ngày ở mức 6-7 triệu USD. Vấn đề ở chỗ, mặc dù thu được ‘lãi khủng’ sau một thời gian ngắn, không ít nhà đầu tư đã không thể…’đổi đời" vì một lý do: Không thể bán..
SQUID đã có sự tăng trưởng cực nhanh về giá trị, với mức tăng lên tới 45000% (450 lần) chỉ trong thời gian ngắn,
"Chúng tôi đã nhận được nhiều báo cáo rằng người dùng không thể bán mã token này trên sàn PancakeSwap.Vui lòng thận trọng khi giao dịch", Coinmarketcap cảnh báo người dùng về đồng SQUID. Mặc dù Coinmarketcap không nêu rõ lý do vì sao nhiều nhà đầu tư này không thể bán SQUID, bản thân sách trắng của đồng token này đã đề cập đến việc SQUID "tích hợp cơ chế chống bán phá giá" nhằm ngăn các nhà đầu tư bán tháo tài sản đầu tư của mình nếu không đáp ứng các điều kiện nhất định.
Bên cạnh đó, sách trắng của SQUID cũng ghi rõ việc những người tham gia đợt presale (với giá mua rất ưu đãi) sẽ không thể bán SQUID trong vòng 3 năm tới. Điều này có nghĩa, nhiều nhà đầu tư phải chờ tới tận 20/10/2024 mới có thể bán được đồng SQUID.
Tăng trưởng hàng đầu nhưng có dấu hiệu lừa đảo?
Trong bối cảnh SQUID đang có mức tăng trưởng đáng kinh ngạc, các tin tức về việc người dùng không thể bán đồng token này đã làm dấy lên nhiều nghi vấn từ phía cộng đồng tiền điện tử. Theo đó, không ít nhà đầu tư đã cho rằng SQUID có thể là một âm mưu lừa đảo.
Theo đó, một người dùng Twitter có tên Crypto Tyrion đã phát hiện danh tính đội nhóm sáng lập của SQUID cực kỳ mờ ám. Những người này thậm chí còn không có tài khoản trên mạng xã hội LinkedIn. Thông thường, hồ sơ trên LinkedIN cho phép các nhà đầu tư có thể ‘soi’ được lí lịch của nhóm phát triển, từ đó đánh giá mức độ uy tín của dự án. Cũng theo Crypto Tyrion, đội nhóm đứng sau SQUID còn chặn các bình luận trên Twitter.
"Pull Rug 100%", Crypto Tyrion khẳng định. Trong thị trường tiền điện tử, Rug Pull là một thuật ngữ đề cập đến hành động rút toàn bộ vốn của các nhà đầu tư và bỏ trốn. Hành động này thường xảy ra trên các nền tảng phi tập trung khi token nào đó bị rút hết thanh khoản và không còn giá trị để trao đổi, gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư đã mua token trước đó.
Một số nhà đầu tư cũng chỉ ra các vấn đề trong sách trắng của SQUID, bao gồm sai ngữ pháp, lỗi chính tả và các tuyên bố "không thể xác minh". Theo trang web kiểm tra độ uy tín website phổ biến Scamadviser, trang web của SQUID được xếp vào dạng "đáng ngờ", với điểm tin cậy là 45 trên 100.
Biểu đồ giá của đồng SQUID. Nguồn: Coinmarketcap
Đáng chú ý, trang web theo dõi tiền điện tử CoinGecko đã thẳng thừng cảnh báo người dùng cần tránh xa SQUID.
"Token này không đáp ứng các tiêu chí niêm yết của chúng tôi, do đó nó sẽ không được liệt kê trên CoinGecko. Rất có thể đó là một trò lừa đảo ", đồng sáng lập CoinGecko, Bobby Ong, nói với Cointelegraph. Ông cũng nhấn mạnh rằng CoinGecko không phải là đối tác của token Squid Game, như đã đề cập trên trang web của họ: "Điều này chắc chắn không đúng và chúng tôi không phải là đối tác cũng như không liên quan với Squid Game.".
Bản thân Netflix cũng khẳng định mình không liên quan tới SQUID và yêu cầu người dùng cần tuyệt đối cẩn thận khi đầu tư vào đồng token này.
Trong khi đó, Bài viết cảnh báo được Coinmarketcap đăng tải hôm 29/10 nhấn mạnh sự tăng trưởng quá nhanh của SQUID có thể dẫn đến tình trạng người tham gia tựa game Play-to-Earn khó có thể đáp ứng được yêu cầu phải nắm giữ tối thiểu một lượng token nhất định. Chẳng hạn, ở màn chơi cuối cùng, người chơi muốn tham gia buộc phải nắm giữ tối thiểu 15000 token SQUID, tức hơn 525.000 USD vào thời điểm viết bài – một con số ít nhà đầu tư có thể kham được.
GenK