Sự sụp đổ của SQUID là một ví dụ điển hình của chiêu "Kéo thảm" (Rug Pull) - thuật ngữ đề cập đến hành động rút toàn bộ vốn của các nhà đầu tư và bỏ trốn.
Thời gian gần đây, sự xuất hiện của SQUID - một đồng token ăn theo TV series đình đám Squid Game của Netflix đang thu hút sự chú ý của cộng đồng tiền điện tử thế giới. Mặc dù mới xuất hiện được hơn 10 ngày, đồng token này đã có sự tăng trưởng phi mã về giá trị, với mức tăng lên tới 260000% (2600 lần) tính đến hết ngày hôm qua.
Đặc biệt, vào 16h30 chiều nay 1/11 (giờ Việt Nam), SQUID thậm chí đã được mức giá được đánh giá là không tưởng, khi leo đến ngưỡng 2856 USD từ mức sàn 0,01282 USD – tức tăng đến 222.776 lần. Theo đó, hiệu ứng FOMO tạo ra từ truyền thông kết hợp với việc người dùng chỉ có thể mua vào (nhưng không thể bán ra) đã liên tục đưa SQUID phá các kỉ lục về giá. Tuy nhiên, đây có thể coi là đợt ‘hồi quang phản chiếu’ cuối cùng của SQUID. Chỉ trong vòng có 5 phút sau khi lên đỉnh, đồng token này sụp đổ hoàn toàn 99,999% giá trị.
Biểu đồ giá của SQUID: Sau khi lên đỉnh được vài phút, đồng token lập tức sập mạnh về giá trị với mức giảm ''đi vào lòng đất''. (Ảnh: Coinmarketcap)
Theo số liệu của Coinmarketcap, từ mức giá đỉnh cao đến chóng mặt, SQUID đã giảm tới 3,6 triệu lần, từ 2856 USD xuống mức 0,0007926 USD vào 16h40 (giờ việt Nam). Ở thời điểm viết bài, SQUID hiện có giá trị khoảng 0.002532 USD, tức ‘đi vào lòng đất’ theo đúng nghĩa đen.
Theo Cointelegraph, sự sụp đổ của SQUID diễn ra ngay sau khi Twitter gắn cờ các tài khoản "chính thức" của SQUID, vốn có khoảng 70 nghìn người theo dõi, vào diện đáng ngờ. Sau khi tài khoản này bị hạn chế, nhóm phát triển đứng sau token SQUID đã cố gắng chuyển sang các tài khoản khác để đăng bài. Tuy nhiên, những tài khoản này cũng sớm bị Twitter khóa ngay sau đó.
Theo nhiều chuyên gia tiền điện tử, những gì diễn ra với SQUID chính là một ví dụ điển hình của chiêu thức "Rug Pull". Trong thị trường tiền điện tử, Rug Pull (hay Kéo thảm) là một thuật ngữ đề cập đến hành động nhóm phát triển coin / token rút toàn bộ vốn của các nhà đầu tư và bỏ trốn. Hành động này thường xảy ra trên các nền tảng phi tập trung, khi token nào đó bị rút hết thanh khoản và không còn giá trị để trao đổi, gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư đã mua token trước đó.
Cũng phải nói thêm, những gì xảy ra với SQUID hoàn toàn không gây bất ngờ. Thực tế cho thấy, sự tăng trưởng quá nóng của SQUID cũng như các tin tức về việc người dùng không thể bán đồng token này đã kéo theo một loạt nghi vấn từ phía cộng đồng tiền điện tử từ nhiều ngày nay.
Sự sụp đổ của SQUID là một ví dụ điển hình của chiêu "Kéo thảm" (Rug Pull) - thuật ngữ đề cập đến hành động rút toàn bộ vốn của các nhà đầu tư và bỏ trốn.
Theo đó, không ít nhà đầu tư đã cho rằng SQUID có thể là một dự án lừa đảo, khi danh tính đội nhóm sáng lập của SQUID cực kỳ mờ ám. Một số nhà đầu tư cũng chỉ ra các vấn đề trong sách trắng của SQUID, bao gồm sai ngữ pháp, lỗi chính tả và các tuyên bố "không thể xác minh". Theo trang web kiểm tra độ uy tín website phổ biến Scamadviser, trang web của SQUID được xếp vào dạng "đáng ngờ", với điểm tin cậy là 45 trên 100.
Thậm chí, trang web theo dõi tiền điện tử CoinGecko đã thẳng thừng cảnh báo người dùng cần tránh xa SQUID vì "đây có thể là một trò lừa đảo". Trong khi đó, Netflix cũng khẳng định mình không liên quan tới SQUID và yêu cầu người dùng cần tuyệt đối cẩn thận khi đầu tư vào đồng token này.
GenK