Chào bạn,

Đăng nhập xem việc làm phù hợp

Blog IT

Giám đốc Visa dùng nhẫn đeo tay để trả tiền tại Việt Nam

Giám đốc Visa dùng nhẫn đeo tay để trả tiền tại Việt Nam

Trong một sự kiện được Visa tổ chức cuối tuần này, ông Sean Preston, Giám đốc Visa tại Việt Nam, Campuchia và Lào đã thử nghiệm một tính năng khá thú vị. Ông dùng một chiếc nhẫn đeo trên tay và đưa nó đến gần một máy tính tiền (POS) di động. Sau khi bấm số tiền cần thanh toán, hóa đơn lập tức xuất ra, cho thấy quá trình thanh toán thành công.

Ông Sean Preston dùng nhẫn đeo trên tay để thanh toán tiền tại máy POS - Ảnh: H.Đ

Giám đốc Visa cho biết đây là một tính năng thử nghiệm. Hóa đơn từ máy POS ghi Sacombank, cho thấy dường như ngân hàng này đang thử nghiệm các tính năng mới sắp phát hành tại Việt Nam của Visa. 

Việc thanh toán bằng nhẫn đeo tay khá độc đáo, tuy nhiên nó đã được một doanh nghiệp Việt Nam thử nghiệm mà ICTnews đã đưa tin trước đó. Đây là hình thức thanh toán không tiếp xúc nhằm gia tăng bảo mật, trong đó các thiết bị giao tiếp với máy POS thông qua kết nối NFC. Do đó chiếc nhẫn chỉ là một thiết bị trung gian, bất kỳ thiết bị nào - như smartphone, ví tiền, một mảnh giấy,... có tích hợp vi xử lý bên trong - đều có thể thanh toán không tiếp xúc tại máy POS.

Thực tế có thể dùng bất cứ vật trung gian nào gán thẻ NFC là có thể thanh toán tại máy POS - Ảnh: H.Đ


Trước đó, ông Sean Preston cũng minh họa tính năng Visa payWave, cho phép người dùng chỉ cần dùng thẻ và vẫy qua chiếc máy POS để tính tiền. Việc này không tốn thời gian thu ngân phải "quẹt" thẻ. Người dùng cũng không phải đưa thẻ cho người thứ 3 khiến thông tin thẻ bị lộ. Tính năng này ông Sean Preston cho biết đã triển khai tại New Zealand và vài quốc gia khác. Tính năng này cũng thử nghiệm trên máy POS có hóa đơn của Sacombank.

Giám đốc Visa khu vực Đông Dương trình diễn tính năng payWave - vẫy thẻ sát máy POS để tính tiền.

 

Người Việt bắt đầu thích dùng thanh toán điện tử

Người Việt Nam ngày càng ưa chuộng hình thức thanh toán điện tử so với thanh toán bằng tiền mặt. Theo kết quả Khảo sát về Thái độ thanh toán của người tiêu dùng do Visa thực hiện, được công bố tại sự kiện nói trên, 62% người tham gia khảo sát trả lời họ thích thanh toán điện tử hơn cách thức truyền thống thông thường. Mức độ tin dùng thanh toán điện tử tại Việt Nam đã tăng 8% so với năm 2015.

Bên cạnh đó, khảo sát cũng cho thấy người Việt Nam có xu hướng mang ít tiền mặt trong ví hơn. 29% người trả lời cho biết họ mang tiền mặt trong người ít hơn 5 năm về trước. Khi được hỏi nguyên nhân, đa số câu trả lời là do họ sử dụng thẻ nhiều hơn (59%) và lo lắng về vấn đề an toàn khi mang tiền mặt (56%).

Các kết quả nghiên cứu này được đưa ra sau khi chính phủ Việt Nam phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020. Theo đó, mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.

“Khi chuyển phần lớn giao dịch sang thanh toán điện tử, chính phủ sẽ tăng khả năng kiểm soát lượng tiền trong nền kinh tế, điều này rất tốt cho việc duy trì doanh thu đến từ thuế, điều tiết lượng cung tiền cho phù hợp, đồng thời phòng chống tham nhũng và tội phạm kinh tế. Hơn nữa, trong bối cảnh ngày càng nhiều khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, sự phát triển của thanh toán điện tử sẽ khuyến khích họ mạnh dạn chi tiêu, từ đó gia tăng lợi ích của ngành du lịch đối với toàn bộ nền kinh tế”, ông Sean Preston cho biết.

Cuộc khảo sát của Visa cũng cho thấy nhiều tín hiệu tích cực đối với việc xây dựng nền kinh tế phi tiền mặt. 83% người tham gia khảo sát trả lời họ mua sắm online ít nhất một lần mỗi tháng (tăng 11% so với năm 2015). Người tiêu dùng cho biết hành vi mua sắm của họ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi việc đọc nhận xét, bình luận trên mạng xã hội (73%), và kế đó là các chương trình khuyến mãi (53%).

Sự phủ sóng rộng rãi của smartphone tại Việt Nam cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại điện tử và thương mại di động. Khoảng 70% người tiêu dùng mua hàng một lần mỗi tháng bằng smartphone, chiếm 73% thế hệ Y (từ 18-36 tuổi) và 63% thế hệ X (từ 37-51 tuổi).

Đầu năm 2017, Visa cho biết sẽ phổ biến mVisa - dịch vụ thanh toán dựa trên mã QR, tới các nhà bán lẻ và người tiêu dùng tại 10 quốc gia trong đó có Việt Nam. mVisa cung cấp một mã QR code cho nhà bán hàng, khách khi mua hàng sử dụng smartphone cài đặt phần mềm và quét lên mã đó để tính tiền. Phương pháp này còn giúp người bán không cần đầu tư cơ sở vật chất đắt đỏ tại điểm bán.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy nhiều điểm tích cực ở những khía cạnh ít được thảo luận trong thanh toán điện tử. Ví dụ có 77% người tham gia khảo sát ưu tiên sử dụng các dịch vụ cho phép thanh toán tự động, bỏ qua quá trình thanh toán truyền thống, ví dụ như cách mà cước phí của Uber và một số ứng dụng taxi khác được thanh toán tự động trên thẻ của hành khách vào cuối mỗi chuyến đi. Hơn nữa, 72% người tham gia khảo sát đồng ý sử dụng công nghệ sinh trắc học như dấu vân tay và nhận diện khuôn mặt để xác thực thanh toán.

Hải Đăng

Nguồn: Ictnews.vn

Bài viết tương tự

Bài viết nổi bật