Không khó để nhận ra rằng 25/2 là ngày của Samsung. Tại MWC 2018 đang diễn ra tại Barcelona, thế hệ Galaxy S thứ 9 đã ra mắt và nhanh chóng nhận được những phản hồi tích cực về camera kép, công nghệ "biến hình" DEX hay loa kép do AKG thiết kế.
Chính lúc này, một hãng smartphone Hàn Quốc khác có lẽ đang cảm thấy lạc lõng tại MWC. Để đối chọi với đồng hương, đối thủ xứ Hàn nọ chỉ có thể mang đến một phần cứng cập nhật "nhẹ" của một chiếc điện thoại đã ra mắt cùng thời điểm với Galaxy Note8.
Bản cập nhật mới có thêm 2GB RAM, có thêm công nghệ AI Cam (tự động thay đổi tùy chỉnh cho phù hợp với khung cảnh đã "học" từ 100 triệu bức ảnh), có khả năng nhận diện đồ vật và trên hết là có... một cái tên kì dị: V30S ThinQ.
Quá khứ, hiện tại
Bình cũ, rượu mới... hơn một chút.
Có vẻ như, tên gọi đang là nỗi trăn trở lớn nhất của LG. Nhiều tin đồn cho rằng mẫu đầu bảng kế tiếp sẽ không còn được mang tên gọi "G". Có nguồn tin còn khẳng định, chỉ vài tuần trước ngày ra mắt, chính lãnh đạo LG tuyên bố khai tử G7 và làm lại từ đầu. Chưa có một ngày công bố chính thức nào được công bố cả.
Việc LG chỉ ra mắt một bản nâng cấp kém ấn tượng mang tính chất "giữ chỗ" tại MWC như V30 ThinQ có lẽ đã nói lên phần nào tình cảnh của mảng smartphone lúc này. Và đó quả thật là một điều đau lòng nếu như các fan của Android vẫn còn nhớ về khung cảnh 4, 5 năm về trước: G2 gây ấn tượng mạnh nhờ khởi đầu trào lưu "pin trâu", còn G3 dù có màn hình xứng tầm phablet nhưng cả thân hình thì chỉ bằng smartphone đầu bảng thông thường. Xen giữa 2 chiếc đầu bảng cao cấp, LG còn đóng góp cho các fan Android một món quà đặc biệt: Nexus 4.
G3, chiếc smartphone đầu tiên có viền siêu mỏng.
Nhìn lại những năm vừa qua, bạn khó thể phủ nhận rằng LG là một trong những thương hiệu smartphone sáng tạo nhất thế giới. Với V10, hãng smartphone Hàn Quốc vừa đem đến màn hình phụ với các tính năng rất hợp lý, vừa đem đến tuyên ngôn âm thanh nhờ bộ DAC chất lượng cao dùng chip Sabre. Với G5, LG vượt mặt cả Google để đem đến người tiêu dùng chiếc smartphone module hoàn thiện đầu tiên trên thế giới. Với G6, LG mới là kẻ thực sự khai phá trào lưu màn hình 2:1.
Nhưng rõ ràng là lịch sử đã không đứng về phía LG. Những sáng tạo của hãng smartphone số 2 Hàn Quốc hoặc thất bại (module), hoặc chìm khuất trước bộ máy marketing quá lớn của Samsung và Apple (như 2:1). Sự trỗi dậy của các hãng Trung Quốc cùng thanh thế ngày một bành trướng của Apple trên phân khúc tầm cao khiến LG rối loạn trong chiến lược kinh doanh. Những câu chuyện "giời ơi đất hỡi" như Snapdragon 810, nguồn cung Snapdragon 835 hay đặc biệt là lỗi bootloop đã giết chết danh tiếng của LG.
Giờ đây, nhắc đến Android là nhắc đến Samsung, Huawei, Xiaomi hay thậm chí là Sony rồi mới đến LG. 5 năm trước, nhắc đến Android là nhắc đến Samsung và LG.
Ít ai nhớ rằng, sự kiện G5 ra mắt tại MWC 2016 đã khiến cho cả thế giới phải trầm trồ tán thưởng.
Đường đến tương lai
Theo nhiều cách, V30 ThinQ là sự lặp lại của các vấn đề nan giải của LG. Chiếc smartphone cao cấp đầu tiên được hãng điện thoại Hàn Quốc ra mắt trong năm nay vẫn không có chip Snapdragon mới nhất và vẫn chìm khuất về mặt marketing.
Thế nhưng, LG vẫn còn một cơ hội. Thị trường smartphone đã bão hòa, cuộc chơi đang chuyển hướng từ mua mới sang nâng cấp. Hãng điện tử Hàn Quốc vẫn đang làm chủ thị trường TV OLED toàn cầu, vẫn sở hữu một danh mục đồ gia dụng ấn tượng.
Cũng giống như Samsung, LG có cơ hội làm nên lịch sử, có lợi thế trong cuộc đua hợp nhất thế giới số. Khi thị trường đã bão hòa, LG cũng không cần phải theo đuổi cuộc chơi giá rẻ tàn khốc mà chỉ cần tung ra một chiếc đầu bảng thực sự ấn tượng, thực sự thuyết phục được người chơi phân khúc cao cấp.
Mảnh ghép cuối cùng còn thiếu cho tương lai của LG: một chiếc smartphone.
Để biến cơ hội ấy thành hiện thực, cái chết của G7 là hoàn toàn cần thiết. Song, cuộc chiến smartphone không thể được chinh phục bằng cách khai tử các sản phẩm cũ. Liệu thế hệ đầu bảng mới của LG có thể làm nên phép màu?
Hãy chờ xem.
Nguồn: Genk.vn