Khi Steve Jobs giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên vào năm 2007, tính năng hấp dẫn nhất của nó - thứ khiến iPhone tách biệt hoàn toàn so với những ông lớn ở thời điểm đó là BlackBerry và Nokia, thứ đã thay đổi hoàn toàn phương thức chúng ta tương tác với các thiết bị của mình - chính là màn hình cảm ứng. Tất cả những gì bạn cần làm là chạm nhẹ ngón tay vào một biểu tượng trên màn hình, và ứng dụng bạn chọn sẽ mở ra, giống như được chạm bởi một cây đũa phép vậy.
Kể từ đó, công nghệ màn hình cảm ứng đã trở thành một phần không thể tách rời khỏi hầu như mọi tương tác "thông minh". Chúng ta có màn hình cảm ứng tương tác trên laptop và TV, đồng hồ, hay cả tủ lạnh; ngay cả trẻ em cũng biết màn hình cảm ứng hoạt động ra sao, khi mà chúng thường xuyên nhấn ngón tay lên những vật thể tĩnh trên màn hình để xem có gì thú vị xảy ra hay không. Màn hình cảm ứng đã trở nên cực kỳ phổ biến, và đến thời điểm này, chẳng còn gì để nói về nó nữa.
Vậy nên, Google, trong quá trình phát triển chiếc điện thoại tiếp theo của mình, muốn giới thiệu một thứ gì đó mới mẻ, một đột phá lớn tiếp theo: họ muốn mang lại một cách để điều khiển màn hình điện thoại như thể một vị nhạc trưởng đang điều khiển dàn giao hưởng với một cây gậy vô hình vậy.
Khi chiếc smartphone flagship tiếp theo của Google, chiếc Pixel 4, ra mắt vào mùa thu năm nay, nó sẽ có khả năng phản ứng với một loạt các tương tác cử chỉ - một cú chụm ngón tay, hay một cái vẫy tay - mà không cần người dùng phải chạm vào màn hình. Google gọi kiểu điều khiển này là "Motion Sense". Một đoạn video họ tung ra gần đây cho thấy một người phụ nữ mở khóa màn hình chiếc Pixel mới với một cú nháy mắt, sau đó vẫy tay để lướt qua danh sách các bài hát đang chơi trên điện thoại của cô. Chỉ dài vài giây, nhưng đoạn video khiến người ta nhớ lại câu nói mà Steve Jobs đã dùng để miêu tả chiếc iPhone đầu tiên: "Nó như ma thuật vậy".
Điều khiển Pixel 4 bằng cử chỉ không chạm
Khi Pixel 4 xuất hiện, nó sẽ chỉ được tích hợp một vài thao tác điều khiển cử chỉ như hẹn giờ báo thức lần 2, bỏ qua các bài hát, hay tắt chuông cuộc gọi đến. Nhưng khi người dùng Pixel đã bắt đầu quen với việc chụm các ngón tay lại với nhau và xoay ngon tay cái trên những cần gạt vô hình, thì cũng là lúc họ được chứng kiến một sự thay đổi lớn đã và đang âm thầm diễn ra. Công nghệ cử chỉ sẽ biến các thiết bị của chúng ta thành những phần mở rộng của chính chúng ta, theo đúng nghĩa đen. Chúng ta di chuyển các ngón tay, sẽ có một điều gì đó hiển thị trên màn hình tương ứng với thao tác đó. Loại hình tương tác đó chắc chắn sẽ không chỉ áp dụng cho điện thoại. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ có thể điều khiển mọi màn hình trước mắt chỉ với một cú vung tay!
Công nghệ cử chỉ của Google chỉ là cú "nhá hàng" của một tương lai điều khiển không chạm mà thôi. Giống như iPhone đã dạy hàng triệu người tương tác với thế giới bằng cách chạm và vuốt, Pixel sẽ chỉ dẫn cho chúng ta một phương thức tương tác mới, thay đổi hoàn toàn cách chúng ta tương tác với tất cả các thiết bị từ nay trở về sau.
Không cần chạm
Ivan Poupyrev, lãnh đạo các dự án kỹ thuật tại bộ phận Advanced Technology and Projects của Google, đã nghiên cứu tương lai đó trong nhiều năm qua. Năm năm trước, Poupyrev thành lập Project Soli, một phòng thí nghiệm tại Google nhằm phát minh ra phương thức điều khiển cử chỉ tiên tiến hơn bằng cách tận dụng công nghệ radar siêu nhỏ. Nhóm của ông đã phát triển một con chip nhỏ hơn kích thước của một đồng xu và tích hợp bên trong nó là các cảm biến. Các cảm biến này phát ra sóng điện từ với khả năng phát hiện chuyển động, sau đó diễn dịch chuyển động thành dữ liệu. Google cho biết công nghệ này hoạt động tốt hơn các camera 3D nhằm bắt những chuyển động chính xác hơn, như chụm 2 ngón tay lại với nhau để "nhấn" một nút bấm trên màn hình.
Điều khiển cử chỉ không chạm của Google
Vào tháng 1 vừa qua, Ủy ban Truyền thông Liên bang đã chấp thuận cho phát triển công nghệ này, nói rằng chip Soli "sẽ phục vụ lợi ích cộng đồng thông qua cung cấp những tính năng điều khiển thiết bị tiên tiến sử dụng công nghệ cử chỉ tay không chạm". Pixel 4, dự kiến ra mắt vào tháng 10, sẽ là thiết bị thương mại đầu tiên sử dụng công nghệ này.
Google tất nhiên không phải là công ty duy nhất kỳ vọng sẽ phát triển thành công công nghệ điều khiển cử chỉ. Tương tác không chạm đã giải phóng các game thủ khỏi những chiếc tay cầm, mang đến sự linh hoạt trong thế giới thực tại ảo, cho phép chúng ta điều khiển những con drone mà không cần dùng đến điều khiển từ xa. Một số hãng sản xuất xe hơi, như BMW, đã tích hợp những thao tác điều khiển cử chỉ cơ bản vào xe hơi để tài xế có thể điều chỉnh âm lượng hoặc trả lời điện thoại trong khi đang lái xe bằng cách vẫy tay. Ngay cả Apple cũng có hứng thú với công nghệ này: trên Apple Watch, bạn có thể tắt âm thông báo bằng cách đặt lòng bàn tay ngay phía trên màn hình.
Nhưng tầm nhìn của Google không chỉ gói gọn trong những tiện ích tiêu dùng thông thường. Theo những gì mà Brandon Barbello, một nhà quản lý sản phẩm cho dự án Pixel, đã đăng tải trên blog, những gì bạn thấy trên Motion Sense ở thời điểm ra mắt "chỉ là sự khởi đầu mà thôi". Poupyrev hiện đã tập trung phát triển các loại vải dệt có khả năng kết nối, như áo khoác denim cho phép bạn trả lời điện thoại với một cú vuốt vào tay áo. Và chip Soli có thể dễ dàng được tích hợp vào nút vặn của một chiếc smartwatch, hay phần màn hình của một thiết bị đeo VR, hay bảng điều khiển của một chiếc xe hơi thông minh.
Nếu Google đi đúng hướng, Pixel 4 sẽ không chỉ là một chiếc smartphone phổ biến. Nó sẽ là khởi đầu cho một phương thức tương tác mới giữa người dùng với thiết bị - một phương thức, giống như màn hình cảm ứng đầu tiên, mang lại cảm giác không phải công nghệ mà như một phép màu vậy.
Tham khảo: Wired
Nguồn: Genk.vn
Nhân viên Digital Marketing - Google
CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN CÔNG NGHỆ OMMANI
Địa điểm: Hà Nội
Lương: 10 Tr - 15 Tr VND