Gã khổng lồ chip Mỹ, Intel, đã bước chân vào cuộc đua chip trạm gốc 5G với tham vọng to lớn trở thành kẻ dẫn đầu thị trường vào năm 2021, nhằm giúp đỡ nhà sản xuất trang thiết bị viễn thông và các đối tác chủ chốt khác đấu lại đối thủ đến từ Trung Quốc, Huawei Technologies.
Cụ thể, Intel hôm qua đã giới thiệu nền tảng chip 5G tích hợp đầu tiên của hãng - Atom P5900 - dùng trong các trạm gốc, xương sống của hạ tầng viễn thông không dây, cũng như một loạt các con chip tùy biến liên quan dùng cho công nghệ viễn thông thế hệ tiếp theo.
"Intel Atom P5900 sẽ bắt đầu được triển khai trong năm nay, là một linh kiện chủ chốt của các trạm gốc 5G" - Daniel Rodrigues, Phó chủ tịch Intel, cho biết. "Ericsson và ZTE đã công bố sẽ sử dụng Atom P5900 trong các trạm gốc của họ".
Vị lãnh đạo này nói rằng Intel hướng đến mục tiêu trở thành "kẻ dẫn đầu thị trường" với 40% thị phần thị trường chip trạm gốc vào năm 2021, sớm hơn một năm so với ước tính trước đây của công ty.
Động thái hăng hái bước chân vào thị trường chip trang thiết bị viễn thông của Intel được xem là một nỗ lực nhằm đảm bảo có được những nguồn tăng trưởng mới trong bối cảnh nhà sản xuất vi xử lý dành cho máy chủ và máy tính lớn nhất thế giới này đang tụt hậu lại đằng sau các nhà phát triển như ARM Holdings và Qualcomm trên lĩnh vực chip smartphone, và đã phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt đến từ đối thủ nhỏ hơn là Advanced Micro Devices (AMD) trong các mảng kinh doanh chủ chốt hiện nay.
Ngoài ra, động thái của Intel còn tiếp sức cho Mỹ trong việc xây dựng sức mạnh 5G - vốn là chiến trường chính trong cuộc chiến công nghệ giữa Washington với Bắc Kinh. Huawei - công ty mà chính phủ Mỹ liên tục khẳng định là một nguy cơ bảo mật - đã phát triển những con chip 5G của chính mình dành cho cả smartphone lẫn trang thiết bị mạng. Phía Mỹ thì không có công ty nào đủ khả năng để phát triển cả các thiết bị điện tử tiêu dùng tiên tiến và trang thiết bị viễn thông cốt lõi như Huawei.
Hồi đầu tháng này, Tổng chưởng lý Mỹ, William Barr, đã kêu gọi quốc gia phải nắm được cổ phần trong nhà sản xuất trang thiết bị viễn thông hàng đầu châu Âu là Ericsson và Nokia để cạnh tranh với "mưu đồ thống trị" của Huawei. Tuần trước, Huawei nói rằng hãng vẫn đang duy trì vị thế dẫn đầu trong sản xuất trang thiết bị viễn thông 5G và đã ký kết được hơn 90 hợp đồng thương mại 5G trên toàn cầu. Công ty Trung Quốc dự định vén màn chiếc smartphone màn hình gập 5G thế hệ 2 trong thời gian tới, mặc cho lệnh cấm vận của Mỹ đã khiến họ không thể sử dụng được Google Mobile Service.
"Rõ ràng là Intel đang giúp Mỹ tiến những bước nhất định trong cuộc cạnh tranh khốc liệt xoay quanh công nghệ 5G giữa các thế lực kinh tế lớn nhất thế giới" - Chiu Shih-fang, một nhà phân tích công nghệ kỳ cựu của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan nói.
"Chúng tôi nghĩ rằng 40% thị phần trên thị trường chip trạm gốc 5G vào năm sau là khá tham vọng. Nhưng nếu Intel thực sự có thể hợp tác với những nhà sản xuất trang thiết bị viễn thông trọng yếu như Ericsson, Nokia, và các nhà sản xuất khác để sử dụng chip của hãng, thì nó sẽ là một chiến lược kinh doanh hợp lý" - nhà phân tích nói.
Huawei nắm trong tay 31% thị trường trang thiết bị viễn thông trong năm 2018, trong khi Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan cùng nhau nắm gần 50%. Samsung Electronics nắm 5% thị phần trong cùng thời gian đó. Nhưng nếu công ty công nghệ Hàn Quốc luôn nằm ở chiếu dưới trong ngành công nghiệp trang thiết bị viễn thông, họ vẫn nổi lên như tay đua trong cuộc đua phát triển cơ sở hạ tàng 5G, thu về những bản hợp đồng từ các nhà mạng hàng đầu như AT&T và Verizon tại Mỹ, cũng như KDDI của Nhật và SK Telecom cũng như Korea Telecom ở thị trường quê nhà Hàn Quốc.
Cho đến lúc này, Ericsson và Nokia đều đã thiết kế những con chip "nhà làm" và cũng đã yêu cầu các nhà phát triển như Broadcom trợ giúp phát triển chip trạm gốc. Huawei thì đã thiết kế nên những con chip như vậy, và liên kết với TSMC để sản xuất chúng. Samsung, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, đã thiết kế và tự mình sản xuất chip trạm gốc 5G "chính phủ".
Intel cho biết những chi trạm gốc 5G tích hợp đầu tiên sẽ được sử dụng trên công nghệ sản xuất chip 10-nm tiên tiến của công ty và sẽ được tung ra thị trường trong năm nay. Tuy nhiên, Intel đã gặp phải tình hình khó khăn trong sản xuất kể từ nửa sau năm 2018 mà nguyên nhân là sự trì trệ trong công nghệ sản xuất chip 10-nm mới nhất của hãng, và thỏa thuận cung cấp chip modem cho iPhone. Nhiều nhà sản xuất máy tính như Asustek Computer và Acer đã gặp tình hình khan hiếm vi xử lý trung tam trong hơn một năm qua và buộc phải nhờ cậy đối thủ AMD để có chip xử lý.
CEO Intel, Bob Swan, hồi tháng 1 nói với các nhà đầu tư rằng hãng sẽ tiếp tục tăng cường vốn nhằm giải quyết tình trạng thiếu nguồn cùng. "Chúng tôi sẽ tăng cường sản xuất để không gặp khó khăn cho việc tăng trưởng... Thách thức ngắn hạn của chúng tôi là hợp tác với các khách hàng nhằm mang lại những tập hợp sản phẩm yêu thích cho họ" - Swan nói.
Năm ngoái, Intel đã bán bộ phận modem di động cho Apple với giá 1 tỷ USD và chính thức rời khỏi cuộc chơi modem di động.
Điều đó có nghĩa là lĩnh vực trang thiết bị mạng có thể sẽ là một trong những cơ hội cuối cùng để Intel có thể hòa mình vào trào lưu bùng nổ 5G. Tháng 11 năm ngoái, Intel đã hợp tác với MediaTek, nhà sản xuất chip di động lớn thứ 2 thế giới sau Qualcomm, để phát triển các laptop hỗ trợ 5G.
Tham khảo: Nikkei
Nguồn: Genk.vn