Hôm 23/10, trong ngày đầu tiên chính thức xuất xưởng loạt iPhone 12 tại Trung Quốc, đã có hàng dài người xếp hàng ở lối vào của các Apple Store để tranh nhau cơ hội là người đầu tiên được tận tay trải nghiệm sản phẩm mới này. Thậm chí, một số người tiêu dùng tại đây còn sẵn sàng chọn cách mua lại hàng chưa mở hộp với mức giá bị đội lên, thậm chí phiên bản iPhone 12 Pro có thời điểm tăng hơn 1.500 NDT (khoảng 5 triệu đồng).
Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày sau khi ra mắt, giá iPhone 12 đã giảm mạnh, thậm chí một số người bán còn đưa ra mức giá thanh lý thấp hơn cả trên website chính thức. Và chỉ 1 tuần sau lễ ra mắt flagship của Apple, Huawei Mate 40 phiên bản National Bank Edition cũng đã chính thức ra mắt vào ngày 30/10.
Hashtag #iPhone12 rất thịnh hành trên Weibo, đạt hơn sáu tỷ lượt xem, nhưng nhiều cư dân mạng hoặc chỉ trích chiếc điện thoại này vì mức giá cao, không bao gồm phụ kiện hoặc so sánh tiêu cực nó với các đối thủ trong nước là Huawei và Xiaomi. Người tiêu dùng Trung Quốc cũng nghi ngờ góc độ môi trường mà Apple đã thúc đẩy.
Và theo nhiều cư dân mạng, một trong các lý do khiến họ thất vọng và "suy sụp" về iPhone 12 chính là phiên bản màu xanh dương của nó. Cụ thể, màu sắc từ các hình ảnh được người dùng chia sẻ trên tay khá khác so với ảnh trên trang web chính thức, do chất liệu kính ở mặt sau phản chiếu ánh sáng tạo thành một màu rất đậm. Màu sắc này bị nhiều người dùng chê là quá "thô tục" và hơi "phèn", khiến không ít người đã đăng ký mua cũng bắt đầu ngần ngại trả lại sản phẩm.
Màu sắc xanh dương của iPhone 12 bị người dùng ở Trung Quốc ví như màu thùng rác, quần lót hay cái cọ bồn cầu.
Bên cạnh đó là vấn đề quá nhiệt của sản phẩm khi sử dụng, đặc biệt là lúc chơi game. Trên thực tế, vấn đề nằm ở chỗ không phải nhiệt độ của những chiếc iPhone mới tăng quá cao, mà là việc phân tán nhiệt khiến cho khu vực cạnh rìa của thiết bị tăng cao hơn phần trung tâm. Cùng với đó là thiết kế phẳng mới khiến tăng diện tích tiếp xúc với tay, tạo nên cảm giác "ấm nóng" hơn bình thường.
Thông tin iPhone 12 quá nóng khi sử dụng lan truyền mạnh trên mạng xã hội Weibo, càng khiến nhiều người dùng tiềm năng e ngại.
Cùng với đó là vấn đề không bán kèm cục sạc cùng thời lượng pin của iPhone 12 cũng kém hơn so với các sản phẩm khác khi so sánh trực tiếp. Một thử nghiệm trực tiếp cho thấy khi bật chất lượng hình ảnh cao nhất và thực hiện thử nghiệm chơi game kéo dài nửa giờ, lượng pin của iPhone 12 Pro giảm từ 53% xuống 38%, so với mức 15% của iPhone 11 Pro, khiến sự chênh lệch càng lộ rõ khiến người dùng e ngại nâng cấp.
Hình ảnh chiếc iPhone 12 bị bong tróc do cầm nắm nhiều tại một Apple Store tại Trung Quốc cũng lan truyền rất mạnh trên Weibo.
Trên thực tế, ngoài các vấn đề trên, có thể nói việc "vỡ trận" của iPhone 12 đã phản ánh phần nào mức độ phổ biến của thương hiệu Mỹ trên thị trường smartphone Trung Quốc ở một mức độ nhất định. Báo cáo phân tích phát triển ngành Internet di động tại Trung Quốc quý III của Trustdata Big Data, được công bố vào ngày 29/10 cho thấy doanh số bán điện thoại di động của Huawei tiếp tục dẫn đầu thị trường Trung Quốc đại lục. Xếp thứ hai và ba là Vivo và Oppo, còn Apple bị bỏ rơi khá xa trên bảng xếp hạng.
iPhone của Apple đã từng là một biểu tượng cho địa vị và sự xa xỉ ở thị trường Trung Quốc, nhưng điều đó đang thay đổi. Công nghệ tốt hơn, tiếp thị tốt hơn và ý thức dân tộc ngày càng cao đang thúc đẩy người mua Trung Quốc hướng tới các thương hiệu nội địa.
Trong quý I và II, doanh số iPhone đã tăng trưởng nhanh chóng tại Trung Quốc, một phần do mẫu iPhone SE rẻ hơn và các chính sách giảm giá để thúc đẩy chi tiêu trong các lễ hội mua sắm giữa năm và các ngày lễ quốc gia.
Nhưng, sự đón nhận các sản phẩm mới ra mắt của Apple đã giảm dần trong những năm qua và sự thèm muốn của người Trung Quốc đối với sự cường điệu của Apple đã giảm dần. Điều này đặc biệt đúng trong hai năm qua khi thương hiệu Mỹ thiếu tính năng hỗ trợ 5G, không giống như các thương hiệu trong nước. Căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gia tăng và các nỗ lực cấm WeChat ở Mỹ gần đây cũng đã khiến nhiều người dùng Trung Quốc phản cảm với Apple như một loại phản ứng, từ đó thúc đẩy lòng yêu nước và sự ủng hộ đối với các thương hiệu trong nước.
Những người từng tôn thờ nhưng hiện lại quay lưng tẩy chay các thương hiệu phương Tây, phản ánh phần nào chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy của đất nước này. Và ngay cả khi giá của các thương hiệu nước ngoài khác thấp hơn nhiều so với các thương hiệu trong nước, sự gia tăng của chất lượng của các sản phẩm nội địa như Huawei, Oppo, OnePlus, Xiaomi... đã được coi là quan trọng hơn trong tâm trí người tiêu dùng Trung Quốc.
Và cho dù đặt lòng yêu nước sang một bên, các thương hiệu nội địa Trung cũng đã dần bắt kịp bằng cách cải thiện thương hiệu và trải nghiệm người dùng, bổ sung các tính năng nâng cao mà người tiêu dùng Trung Quốc ưa thích, chẳng hạn như 5G và camera tốt hơn.
Chưa kể, Apple cũng đang mất dần chỗ đứng vì các thương hiệu Trung Quốc đã đưa ra các kỹ thuật tiếp thị mới phù hợp hơn với người tiêu dùng Trung Quốc. Cụ thể, người dùng ở thị trường này có cái nhìn tích cực về KOL và đại sứ, một chiêu tiếp thị mà Apple luôn tránh. Ví dụ Oppo đã rất xuất sắc trong việc tận dụng KOL, hay Huawei khéo léo trong việc hợp tác với các hãng thời trang. Huawei cũng đang mang đến những trải nghiệm cải tiến cho khách hàng đến trải nghiệm, từ các bài giảng và lớp học nghệ thuật đến các kinh nghiệm về cách mua sắm tốt nhất trong hệ thống sản phẩm của mình.
Tất cả những điều này cho thấy rằng nếu Apple muốn quay trở lại thời kỳ vinh quang trước đây tại thị trường Trung Quốc, hãng công nghệ Mỹ không còn có thể phụ thuộc vào vị thế trong quá khứ như một biểu tượng của địa vị và sự sang trọng. Rõ ràng hơn, Apple sẽ phải cung cấp những gì người tiêu dùng Trung Quốc thực sự cần và muốn sở hữu.
Nguồn: Genk.vn