Tháng 8/2020, Apple đạt một cột mốc đặc biệt: trị giá của công ty đã lên đến mức 2 nghìn tỷ USD. Cách đây chỉ vỏn vẹn 2 năm, Apple cũng là gã khổng lồ công nghệ đầu tiên chạm ngưỡng 1 nghìn tỷ. Như nhiều iFan chắc chắn vẫn nhớ, ldo giúp cho công ty của Tim Cook tạo lập được kỳ tích vào 2 năm trước là iPhone X, chiếc smartphone nghìn đô đầu tiên trong lịch sử Nhà Táo.
Quả thật, thành công của iPhone X khi đó đã khiến cho cả thế giới công nghệ phải ngỡ ngàng. Khi doanh số smartphone toàn cầu rõ ràng đã bão hòa, Apple vẫn sẵn sàng đẩy giá đầu bảng của mình lên 1000 USD, đắt hơn hẳn mức 650/750 USD thường được sử dụng cho các thế hệ trước đó. Trong cùng một năm, Apple còn phải đối mặt với những sản phẩm vô cùng ấn tượng của nhà Android - đặc biệt là Galaxy S8 và Note8. Ấy thế mà trong suốt 3 quý kể từ ngày ra mắt đến khi bị khai tử, iPhone X vẫn liên tục giữ vững ngôi vị là chiếc điện thoại bán chạy nhất thế giới.
Bước chuyển đặc biệt: Ngay sau "siêu thành công" của iPhone X ở khúc giá nghìn đô, Apple quay sang tập trung vào phân khúc đầu bảng "thường".
Rõ ràng, iPhone X đã khẳng định vị thế áp đảo tuyệt đối của Apple trên chiến trường cao cấp. Không mấy ngạc nhiên, một năm sau Apple nối tiếp dòng đầu bảng này bằng chiếc iPhone XS giá 1000 USD và chiếc XS Max đắt hơn nữa.
Điều đáng ngạc nhiên là bên cạnh 2 mẫu XS, Apple còn vén màn cả iPhone XR với giá rẻ hơn hẳn, bị cắt bỏ nhiều tính năng: màn hình LCD thay vì OLED, dung lượng RAM thấp hơn, vỏn vẹn 1 camera khi các đối thủ đã có 3 camera. Là chiếc iPhone kém hấp dẫn nhất trong danh mục iPhone 2018, cuối cùng iPhone XR vẫn giữ vị thế là smartphone bán chạy nhất thế giới trong suốt 1 năm kể từ ngày ra mắt.
Kẻ phế truất iPhone XR là iPhone 11. Lên kệ vào tháng 9 năm ngoái, iPhone 11 nhanh chóng phế truất đàn anh để chiếm ngôi vị số 1 thế giới cho đến hiện tại. Mang cùng một triết lý với XR, iPhone 11 cũng thua kém hẳn những chiếc 11 Pro Max - màn hình, RAM, camera lại là 3 tính năng bị cắt giảm rõ rệt nhất. Song, ngay cả sự cắt giảm nặng tay ấy cũng không thể ngăn iPhone 11 chạm doanh số 37,7 triệu máy trong 6 tháng đầu năm, cao gấp 3 lần đối thủ đứng ở vị trí thứ 2 là Galaxy A51 của Samsung.
Tiếp theo iPhone XR, iPhone 11 và iPhone SE thể hiện sự tập trung ngày một rõ rệt của Tim Cook vào phân khúc giá rẻ.
Nhưng nói đến cắt giảm thì iPhone SE mới là chiếc iPhone thiếu tính năng nhất của Apple. Thật khó tin, năm 2020 mà Apple vẫn ra mắt smartphone có pin vỏn vẹn 1800mAh. Màn hình của chiếc iPhone này có kích cỡ 4.7 inch, độ phân giải 1334 x 750 pixel, tức là không khác gì so với iPhone 6 của… 6 năm trước.
Ấy thế mà trong danh mục iPhone, SE 2020 cũng chỉ thua kém duy nhất iPhone 11 về doanh số trong 6 tháng đầu năm. Đứng ngay sau chiếc iPhone này là iPhone XR với doanh số vừa đủ để vượt mặt 11 Pro Max, mẫu smartphone mác Táo cao cấp nhất hiện nay.
iPhone SE, iPhone 11 và iPhone XR nằm chung trong một danh sách: chúng là những bước đi đặc biệt của Tim Cook. Ngay sau khi vươn lên đỉnh cao thế giới, nhà lãnh đạo Táo đã không chọn smartphone nghìn đô làm vũ khí chủ lực mà quay sang tập trung vào những chiếc iPhone có giá càng ngày càng "mềm" hơn. iPhone 11 khi ra mắt có giá 700 USD, rẻ hơn 50 USD so với giá khởi điểm của XR trong năm đầu tiên. iPhone SE có giá 400 USD, rẻ nhất trong lịch sử Apple.
iPhone 11, iPhone SE và iPhone XR giúp Apple giữ vững vị thế trong top smartphone bán chạy nhất thế giới.
Và cả 3 đều là những bước đi tài tình của Tim Cook. Ngay sau khi đạt thành công khổng lồ cùng iPhone X, vị CEO của Apple vẫn thừa hiểu rằng công ty của ông phải trở lại với các mức giá thực tế hơn. Thị trường càng suy thoái thì Apple càng chạm tay xuống càng mức giá dễ chịu hơn, cho phép Apple cân bằng doanh số để giữ vững lợi nhuận qua từng năm.
Bán iPhone giá mềm, Apple phải chấp nhận tỷ suất lợi nhuận thấp hơn. Nhưng Tim Cook cũng đủ khôn ngoan để biến thử thách này thành cơ hội phát triển 2 mảng kinh doanh trọng yếu khác. iPhone bán càng rẻ thì người dùng Apple càng tăng, mang đến tiềm năng tăng trưởng khổng lồ cho Apple Music, Apple TV+, Apple News hay Apple Arcade. Từ năm ngoái, dịch vụ đã vươn lên tầm vóc 10 tỷ đô mỗi quý, trở thành nguồn thu thứ hai của nhà Táo chỉ sau iPhone. Các thiết bị như AirPods và Apple Watch cũng tăng trưởng mạnh và thường xuyên vượt mặt Mac hay iPad về doanh thu. AirPods hiện vẫn đứng đầu thị trường True Wireless, Apple Watch không chỉ thống trị smartwatch mà còn vượt mặt cả đồng hồ Thụy Sĩ.
Quý 2 vừa qua, dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, Apple vẫn dễ dàng lập kỷ lục doanh thu. Ngay cả iPhone cũng tăng trưởng so với cùng kỳ 2019. Trong danh sách top 10 thế giới của nửa đầu năm, chỉ duy nhất những chiếc smartphone có giá rất, rất rẻ là có thể sánh ngang với những đại diện của nhà Táo.
Nhờ có Tim Cook, Apple vừa duy trì được vị thế thống trị trong phân khúc cao cấp, vừa giữ vững được doanh thu bất chấp cả Covid-19.
Bảo sao các nhà đầu tư lại "cuồng" Apple tới vậy. Công ty đứng đầu thế giới về trị giá vốn hóa đang được lãnh đạo bởi một vị CEO rất biết "đọc" thị trường để thích ứng với thời thế, để tiếp tục thành công bất chấp nghịch cảnh. Sắp tới đây, iPhone 12 được kỳ vọng sẽ ra mắt ở mức giá chỉ từ 550 USD, thấp hơn iPhone 11 tới 150 USD. Và vị thế của Apple trên phân khúc cao cấp sẽ càng được củng cố hơn nữa.
Nguồn: Genk.vn