Tại sự kiện ra mắt chiếc iPhone X kỷ niệm 10 năm vào tháng 9/2017, Apple đã công bố một chiếc đế sạc không dây hoàn toàn mới, được thiết kế để có thể sạc được 3 thiết bị cùng một lúc bao gồm iPhone, Apple Watch và AirPods thế hệ mới (cũng vừa mới được ra mắt). Và sau hơn 1 năm với hàng loạt các tin đồn cũng như hình ảnh rò rỉ, cuối cùng vào ngày 31/3 vừa qua, Apple đã chính thức “khai tử” đế sạc AirPower này ngay cả khi nó còn chưa được bán ra chính thức.
Đây chẳng phải trò đùa “Cá tháng Tư” gì sớm cả, AirPower thực sự đã “chết”, và lý do nằm ở việc Apple không thể đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn về chất lượng cho một thiết bị với tính năng như vậy.
Apple khai tử AirPower khi phụ kiện này còn chưa cả được bán ra chính thức
Tất nhiên, đây là một cú sốc đối với những fan của Táo, đặc biệt là những người đã "dành cả thanh xuân" để chờ đợi AirPower được bán ra chính thức. Mặc dù vậy thì việc hủy bỏ AirPower không phải là điều gì quá to tát, với nhiều người dùng, AirPower chỉ đơn giản như một món phụ kiện “có cũng được và không có thì cũng chả sao”. Những ai thực sự quan tâm tới vấn đề sạc không dây trên các thiết bị của họ hầu như đều đã chuyển qua sử dụng các giải pháp tới từ các nhà sản xuất khác.
Về phía Apple, câu chuyện cũng không khác nhau là mấy: AirPower chưa bao giờ được coi là một dòng sản phẩm thiết yếu quyết định tới doanh số bán hàng của Apple. Với mức giá rơi vào khoảng 150 đô và được cho là đắt hơn so với các phụ kiện tương tự khác, nhưng AirPower sẽ không thể ảnh hưởng một cách mạnh mẽ tới lợi nhuận khi gần 3/4 doanh thu của Táo tới từ việc bán iPhone và các dịch vụ trực tuyến.
Tuy nhiên, vẫn còn ít nhất 3 thứ mà Apple hiện đang phải đối mặt, và những vấn đề này sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng cho Apple trong tương lai nếu Tim Cook không sớm giải quyết.
Apple đang tụt lại phía sau của Google và Huawei về các công nghệ camera
Nếu Apple vẫn theo đúng lịch trình ra mắt điện thoại hàng năm thì chúng ta sẽ được chứng kiến các thiết bị iPhone mới vào tháng 9 tới, tức là chỉ còn chưa tới 6 tháng nữa. Và trong khi những thiết bị iPhone hiện tại vẫn còn đang là 2 trong số các mẫu smartphone tốt nhất mà người dùng có thế tìm kiếm ở thời điểm hiện tại, vẫn còn 1 yếu tố mà Apple thực sự chưa làm tốt, đó là về camera.
Với Google, bộ đôi Pixel 3 đã gây ấn tượng người dùng bởi khả năng zoom và khả năng chụp trong điều kiện thiếu sáng cực kỳ xuất sắc (Night Sight). Còn về phía Huawei, bất chấp các vấn đề pháp lý và lệnh trừng phạt mà công ty này đang phải đối mặt tại Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới, hãng vẫn tiếp tục tạo ra các thiết bị smartphone có chất lượng tuyệt vời. Phải kể đến bộ đôi Huawei P30 và P30 Pro vừa mới được ra mắt cách đây không lâu, sở hữu khả năng zoom kết hợp đỉnh cao từ 5x cho tới 50x mà vẫn giữ được độ chi tiết cao, hay thậm chí P30/P30 Pro cũng có tính năng chụp thiếu sáng ấn tượng tương tự như Pixel 3 của Google.
Huawei P30 Pro ra mắt với khả năng zoom kết hợp 50x đỉnh cao
Google đã đạt được những thành công nhất định nhờ vào tuyên bố phần mềm quyết định gần như mọi thứ, khi mà các thiết bị Pixel từ lâu vẫn chỉ có 1 camera đơn duy nhất, trong khi đó Huawei lại có thiết kế phần cứng tốt nhờ vào camera kính tiềm vọng trên bộ đôi P30. Vậy còn Apple thì sao?
Gần đây, chắc hẳn nếu theo dõi các diễn biến công nghệ thì chúng ta ít nhiều đã để ý tới các tin đồn về việc sẽ có ít nhất một chiếc iPhone năm nay sở hữu cụm 3 camera với thiết kế gần giống chiếc Mate 20 Pro của Huawei. Tuy nhiên, khi mà các nhà sản xuất đối thủ khác đang cạnh tranh gay gắt, Apple không thể chỉ thêm vào 1 ống kính góc siêu rộng và không có bất kỳ nâng cấp nào khác, đặc biệt là trên những chiếc iPhone đắt đỏ hiện nay có giá lên tới hàng ngàn đô.
Chắc các bạn còn nhớ ảnh rò rỉ về camera trên iPhone 2019 mới chứ?
Apple thực sự cần phải làm một điều gì đó với mảng camera trên các thiết bị iPhone của mình. Nếu iPhone 2019 năm nay ra mắt mà vẫn không có quá nhiều thay đổi so với các thiết bị tiền nhiệm, Apple chắc hẳn sẽ tụt lại về phía đằng sau và người dùng có thể sẽ quay lưng lại với Apple.
MacBook cần phải được làm lại
Apple vào năm 2016 đã giới thiệu một thiết kế mới trên dòng MacBook Pro. Dòng 2016 Pro bao gồm một phiên bản có Touch Bar, một màn hình nhỏ dài được ra mắt để thay thế các phím chức năng. Đây chính xác là một phiên bản nâng cấp của chiếc MacBook 12 inch 2015 với thiết kế bàn phím “lẫy bướm” mới, phẳng hơn và hành trình phím ngắn hơn. Tất nhiên, giá của phiên bản nâng cấp này cũng đắt hơn từ 200 cho tới 500 đô, để sở hữu thêm phần thiết kế Touch Bar mới.
Màn hình Touch Bar trên các thiết bị MacBook Pro 2016
Vậy Touch Bar làm được những gì? Đây là một câu hỏi lớn được người dùng đặt ra về tính thực tiễn của nó. Với các nhà phát triển, lập trình viên hay nhà thiết kế, họ có thể khai thác tối đa lợi ích mà màn hình Touch Bar đem lại. Nhưng với người dùng, hầu như chẳng ai thích Touch Bar cả. Họ cảm thấy bực bội vì phải trả thêm tiền cho một thứ mà họ chẳng bao giờ dùng tới, cũng chẳng cần nó làm gì cả.
Touch Bar có thể không phải là vấn đề gì đó quá lớn, nhưng về phần bàn phím, thiết kế lẫy bướm mới thay thế cho thiết kế phím truyền thống đã gây nên nhiều tranh cãi, đặc biệt là khi thiết kế mới này dẫn đến một loạt trở ngại cho người dùng như khó vệ sinh, hay thậm chí là gây nên cả lỗi không thể bấm được, chỉ cần 1 hạt bụi nhỏ thôi cũng đủ để làm bàn phím của máy trở nên không thể sử dụng được.
Thiết kế bàn phím lẫy bướm mới khiến người dùng gặp phải nhiều vấn đề trầm trọng
Apple ngay sau vụ scandal về bàn phím lẫy bướm đã phải tung ra chương trình chăm sóc và thay thế cho những người dùng gặp phải tình trạng trên, nhưng kể cả sau khi được thay bàn phím mới, nhiều người dùng báo cáo hiện tượng hỏng hóc vẫn tiếp tục xảy ra.
“Tôi thực sự sợ phải dùng chiếc laptop của mình trong nhiều điều kiện bởi tôi biết bàn phím của máy tôi mỏng mạnh như thế nào.” Marco Arment, một lập trình viên iOS cho biết.
Và tới thế hệ bàn phím thứ 3, được Apple giới thiệu trên chiếc MacBook Air mới cũng mới được ra mắt vào cuối năm ngoái, dường như thiết kế lần này trên các thiết bị MacBook cũng không được cải thiện quá nhiều. Sau nhiều báo cáo và phàn nàn tới từ phía người dùng, Apple vào tuần trước đã chính thức phải lên tiếng xin lỗi tới các khách hàng của mình, nhưng chỉ đối với “một bộ phận nhỏ khách hàng”, Apple tuyên bố phần lớn người dùng Mac vẫn đang có những trải nghiệm tích cực đối với thiết kế bàn phím mới. John Gruber, một tay viết có tiếng cũng như một nhà phát triển, đã phải mô tả loại bàn phím này như là một sản phẩm tệ nhất mà Apple từng sản xuất.
Kể cả thế hệ bàn phím thứ 3 xuất hiện trên MacBook Air mới cũng không giải quyết được vấn đề
Tất nhiên, các thiết bị MacBook vẫn còn có nhiều điểm tích cực như các công nghệ ấn tượng đi kèm, màn hình Retina xuất sắc hay được trang bị con chip T2 giúp mã hóa và đảm nhiệm các chức vụ về bảo mật… Mặc dù vậy các tính năng này cũng không thể giúp Apple “trốn tránh” khỏi sự thật rằng bàn phím mà họ thiết kế trên các thiết bị MacBook thực sự tệ, và Apple sẽ cần phải làm điều gì đó để cải thiện điều này, hoặc thậm chí là bỏ luôn màn hình Touch Bar đi cũng được.
Siri không thực sự tốt và phổ biến như Alexa hay Google Assistant
Apple lần đầu giới thiệu trợ lý ảo Siri của mình trên chiếc iPhone 4S vào năm 2011. Nhưng qua từng năm, Siri vẫn chưa thể tìm được tiếng nói của mình, ngay cả khi Alexa và Google Assistant đã vượt mặt Siri về cả tính hiệu quả lẫn sự phổ biến. Tất nhiên, cuộc chiến giữa các trợ lý ảo hiện tại mới chỉ bắt đầu, nhưng với việc Amazon đang dẫn đầu thị trường smart home và các khả năng tương thích, cũng như Google cung cấp hàng loạt các thiết bị thông minh hơn được tích hợp Google Assistant, thì về phía Apple, mặc dù sở hữu hàng trăm triệu thiết bị iPhone, iPad và Mac trên thị trường, Siri vẫn chưa thể phát triển một cách vượt bậc so với các đối thủ của mình.
Siri thông minh, nhưng không phổ biến
Apple cũng đã có những nước đi tích cực cho việc phát triển trợ lý ảo Siri của mình. Năm ngoái, công ty đã thuê John Giannandrea, từng làm việc tại Google, về phát triển mảng trí tuệ nhân tạo. Giờ đây các nhà phát triển bên thứ 3 có thể tạo ra các thiết bị tích hợp có khả năng phản hồi các lệnh của Siri (bên cạnh Alexa và Google Assistant), ví dụ điển hình như chiếc ổ cắm thông minh WeMo của Belkin có giá chỉ 25 đô.
Tuy vậy, hiện tại, thiết bị duy nhất được tích hợp Siri mà không phải iPhone, iPad hay Mac lại chỉ là chiếc loa thông minh HomePod. Và theo như một báo cáo gần đây thì số lượng HomePod đang được sử dụng tại Mỹ chỉ chiếm 6%, so với con số 70% của Alexa và 24% của Google Home. Việc doanh số bán hàng không đạt được như dự kiến đã khiến Apple phải giảm giá mẫu HomePod của mình 50 đô, xuống còn 299 đô ở thời điểm hiện tại.
Loa thông minh HomePod của Apple
Vấn đề nằm ở đây chính là nếu Apple vẫn cứ độc quyền Siri trên các thiết bị Apple có giá đắt đỏ, thì thật khó để Siri trở nên phổ biến, kể cả khi nó trở nên thông minh hơn cả Alexa hay Google Assistant.
Tiếp tục chờ đợi cho tới “Big thing” tiếp theo
Apple hiện vẫn đang kiếm được hàng tỷ đô mỗi quý, và hầu như không gặp khó khăn chút nào. Các dòng sản phẩm phổ biến như Apple Watch, iPad hay AirPods đều đang đứng top mảng sản phẩm tương ứng và thu về cho Apple một lợi nhuận không hề nhỏ.
AirPods gần đây đã độc chiếm thị trường tai nghe không dây với 60% thị phần
Nhưng chúng ta cũng cần nhớ câu nói của Bill Gates, đồng sáng lập Microsoft: “Trong việc kinh doanh, cho tới khi bạn nhận ra mình đang gặp rắc rối, thì đã quá muộn để tự cứu lấy bản thân rồi.”
Apple biết điều này, Tim Cook và đội ngũ nhân viên của ông đã nỗ lực để bước chân vào các mảng công nghệ khác nhau từ AR/VR, xe tự lái, thẻ tín dụng, mảng dịch vụ cung cấp game hay TV trực tuyến, tất cả đều nhằm tạo ra doanh thu và lợi nhuận thay thế cho mảng bán iPhone của Apple.
Apple đang dần chuyển hướng sang trở thành nhà cung cấp dịch vụ
Đó chính cũng chính là lý do mà Tim Cook cần phải giải quyết ngay các vấn đề hiện thời còn đang xuất hiện trên chính các dòng sản phẩm chủ lực của mình trước khi quá muộn: Apple cần mảng kinh doanh iPhone và Mac tăng trưởng đều, nếu không, Siri sẽ phải là nhân tố để thu hút người dùng ở mảng smart home còn vẫn còn đang ở giai đoạn đầu phát triển. Và trong lúc đó, Apple sẽ vẫn cần phải tiếp tục nỗ lực để tìm kiếm và tạo ra thứ được gọi là “big thing” tiếp theo, trước khi có ai đó chiếm mất vị trí này của Apple.
Nguồn: Genk.vn