Chào bạn,

Đăng nhập xem việc làm phù hợp

Blog IT

Không chỉ bạn nhìn thấy quảng cáo, quảng cáo cũng đang nhìn thấy bạn!

Không chỉ bạn nhìn thấy quảng cáo, quảng cáo cũng đang nhìn thấy bạn!

 

Khi xét đến những rủi ro thường trực mà quảng cáo online mang tới cho người dùng Internet phổ thông, có thể bạn sẽ nhẹ nhõm hơn khi biết rằng đối với những công ty khổng lồ như Pepsi hay Nike, bạn chỉ như một trong hàng triệu điểm dữ liệu.

Nhưng tại sao một thương hiệu nước giải khát như Pepsi lại quan tâm đến thông tin cá nhân của người dùng? Theo một nghiên cứu gần đây, quảng cáo cá nhân hóa (ad-targeting) không chỉ có thể theo dõi người dùng ở cấp độ đặc biệt cá nhân mà bản thân việc thiết lập những quảng cáo đó cũng không tiêu tốn quá nhiều tài nguyên kinh tế của một công ty - tất cả những gì cần bỏ ra là thời gian, quyết tâm theo đuổi dai dẳng và khoảng 1.000 USD tiền đặt cọc.

Nghiên cứu có tên “Sử dụng Ad Targeting để Theo dõi với Túi tiền khiêm tốn” - sẽ được công bố tại hội thảo WPES 2017 diễn ra tại Dallas cuối tháng này - có đoạn viết: “Những người bình thường, hay chính xác hơn là bất kỳ ai muốn kinh doanh hay bất kỳ mạng lưới quảng cáo nào cũng có thể khai thác hệ sinh thái quảng cáo trực tuyến để trích xuất nhiều thông tin riêng tư về người khác”.

Thật vậy, các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington không tìm ra lỗ hổng bảo mật hay bug nào cả. Họ chỉ đơn giản là tái hiện lại động cơ cũng như tài nguyên kinh tế của một người kinh doanh mua quảng cáo online để biểu diễn cách mà những tính năng theo dõi có mục đích của mạng lưới này cho phép thực hiện hoạt động gián điệp có tính cá nhân hóa cao với số tiền bỏ ra không nhiều.

Đội nghiên cứu đã dùng 10 điện thoại Android Moto G, một banner quảng cáo di động họ tự thiết kế cùng một website an toàn dùng làm điểm đến khi người dùng click vào quảng cáo. Tiếp đến họ bỏ ra khoản tiền đặt cọc tối thiểu 1000 USD với một nền tảng mua quảng cáo tự động DSP - có thể là của Google, Facebook, AdWords, MediaMath, Centro, Simpli.fi... cho phép chỉ ra cụ thể các yếu tố về quảng cáo như nơi xuất hiện, xuất hiện trên loại điện thoại nào và trong ứng dụng nào. Và các nhà nghiên cứu sử dụng DSP đó thiết lập một mạng lưới địa lý targeted ad trong bán kính 3 dặm tại thành phố Seattle, chọn đưa quảng cáo lên một ứng dụng hỗ trợ quảng cáo rất tốt có tên Talkatone.

 

Sau đó, mỗi lần một điện thoại thí nghiệm mở ứng dụng Talkatone lên ở gần một trong những địa điểm các nhà nghiên cứu đã thiết lập, quảng cáo sẽ hiện ra trên smartphone đó và người mua phải trả 2 cent, đồng thời nhận được thông báo xác nhận tương đối từ DSP về địa điểm, thời gian và trên điện thoại nào quảng cáo đã được xuất hiện. Với phương pháp này, bất kể khi nào người dùng để ứng dụng bật tại một địa điểm trong khoảng thời gian 4 phút hoặc mở lại ứng dụng 2 lần tại cùng một ví trí trong khoảng thời gian nói trên - người mua quảng cáo sẽ theo dõi được vị trí của điện thoại trong khoảng bán kính 7,6m. Các nhà nghiên cứu ghi nhận chỉ 6 phút trễ trên báo cáo mạng lưới quảng cáo trong thời gian thực. Theo dõi một đối tượng tình nguyện thử nghiệm trong 7 ngày, các nhà khoa học đã có thể dễ dàng xác định địa chỉ nhà cũng như nơi làm việc của anh, chỉ dựa trên những nơi anh dừng lại.

Thêm vào đó, họ nói thêm rằng DSP được sử dụng chưa bao giờ đánh dấu hành vi người mua là bất thường, cũng như chưa bao giờ cấm tài khoản của họ vì lý do cố gắng theo dõi khách hàng ở cấp độ cụ thể.

Tại Việt Nam, một vài nền tảng quảng cáo trực tuyến phổ biến nhất có thể kể đến là Ad Exchange của Google và FAN (Facebook Audience Network) của Facebook. Ngoài ra, người dùng còn có thể bắt gặp quảng cáo trong ứng dụng di động bên thứ ba dưới rất nhiều hình thức như pop-up mỗi khi mở ứng dụng, trong lúc đang dùng ứng dụng hoặc quảng cáo dạng tưởng thưởng (cho phép người dùng chọn xem video hoặc xem quảng cáo để đổi lấy tiền hoặc vật phẩm giá trị trong game).

Tất cả đều xem chừng như vô hại, nhưng cũng rất có thể nhà phát triển ứng dụng hoặc đơn vị đăng ký quảng cáo đang ngày đêm theo dõi thói quen sử dụng người dùng, dù là để phục vụ cho mục đích thương mại chân chính hay giúp ứng dụng tiếp tục miễn phí, việc thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng vẫn gây tranh cãi và người dùng không nên lơ là trong việc bảo vệ thông tin cá nhân của mình.

Người dùng nên hạn chế sử dụng những ứng dụng kém phổ biến, những ứng dụng ít lượt tải về, sử dụng các phần mềm chặn quảng cáo trên trình duyệt. Thêm vào đó, có lẽ trả tiền cho ứng dụng ưa thích của bạn để loại bỏ hoàn toàn quảng cáo không hẳn là một quyết định tồi. Bởi sau cùng, mỗi banner quảng cáo bạn nhìn thấy trên điện thoại, theo một khía cạnh nào đó, cũng đang nhìn thấy bạn - không chỉ quảng cáo đó mà còn là cá nhân hay tập thể đứng đằng sau trả tiền cho nó nữa.

Công Minh (Theo Wired)

Nguồn: Ictnews.vn

Bài viết tương tự

Bài viết nổi bật

Công việc liên quan