2018 là một năm đánh dấu những tiến bộ quan trọng của các nhà sản xuất smartphone đến từ Trung Quốc. Từ camera được cải tiến, công nghệ sạc nhanh mới, cho đến cảm biến vân tay dưới màn hình và những thiết kế táo bạo giúp màn hình hiển thị chiếm gần như 100% mặt trước.
Trong khi những Apple, Samsung hay Google vẫn lặp lại các thiết kế cũ của mình. Những chiếc smartphone đến từ Trung Quốc như Oppo Find X, Huawei P20 Pro hay Vivo NEX đã cho thấy sự khác biệt, sáng tạo và vô cùng đột phá.
Tuy nhiên điều đó cũng không đồng nghĩa với việc smartphone Trung Quốc sẽ đem đến trải nghiệm sử dụng tuyệt vời nhất. Nhiều người dùng, đặc biệt là tại thị trường Mỹ và Châu Âu, cảm thấy những chiếc smartphone Trung Quốc có một rào cản rất lớn. Đó chính là phần mềm.
Mặc dù vẫn là hệ điều hành Android, nhưng các hãng smartphone đã tùy chỉnh theo ý riêng của mình. Giao diện người dùng cũng hoàn toàn khác, khiến cho việc sử dụng có thể khó khăn hơn so với hệ điều hành Android gốc. Đó cũng là lý do vì sao những chiếc smartphone của Samsung hay HTC vẫn nhận được nhiều đánh giá tích cực của người dùng.
Mùa hè năm 2013 với Samsung Galaxy S4 và HTC One
Biên tập viên Sam Byford của The Verge đã từng trải qua mùa hè nóng nực của năm 2013 với một niềm phấn khích hơn bao giờ hết, khi có trên tay hai chiếc smartphone Samsung Galaxy S4 và HTC One được phát hành qua Google Play Store. Đây là những chiếc smartphone được cài đặt hệ điều hành Android nguyên gốc và không có chỉnh sửa gì từ nhà sản xuất.
Một số người gọi nó là hệ điều hành “stock Android”, có nghĩa là Android do chính Google thiết kế. Tuy nhiên lý do mà Android trở nên phổ biến, là vì các nhà sản xuất có thể sử dụng nó miễn phí và tùy chỉnh theo ý thích của mình. Google cho rằng đây là một lợi thế lớn so với các hệ điều hành khác như iOS hay Windows Phone.
Chính vì vậy mà các giao diện người dùng như TouchWiz của Samsung hay Sense của HTC cũng ra đời. Chúng khiến cho chiếc smartphone Android mang phong cách riêng của nhà sản xuất. Nhưng đồng thời cũng khiến cho thiết bị chậm hơn, hiệu năng sụt giảm và có nhiều tính năng dư thừa.
Tuy nhiên đó chưa phải là vấn đề lớn. Đối với các nhà sản xuất tại Trung Quốc, việc sử dụng hệ điều hành mã nguồn mở Android và các ứng dụng như Google Play Store còn là vấn đề lớn hơn rất nhiều. Bởi vì hầu hết các ứng dụng của Google không hoạt động được tại Trung Quốc.
Những chiếc smartphone Trung Quốc không sử dụng giao diện người dùng riêng, mà được cài đặt một hệ điều hành hoàn toàn mới hỗ trợ ứng dụng Android. Hệ điều hành này được xây dựng trên mã nguồn mở Android, sau đó nhà sản xuất sẽ phát triển các tính năng và cửa hàng ứng dụng riêng. Công ty đầu tiên thực sự tạo ra một hệ điều hành như vậy chính là Xiaomi.
Nếu phần cứng là không gian, phần mềm chính là thời gian
Nếu bước vào một trung tâm thương mại cỡ trung bình tại một thành phố cũng cỡ trung bình ở Trung Quốc, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy một cửa hàng Mi Home. Những cửa hàng bán lẻ của Xiaomi cũng được trang trí rất đẹp mắt, bày biện nhiều thiết bị công nghệ thông minh, từ phụ kiện smartphone cho đến máy hút bụi.
Một cửa hàng Mi Home tại Bắc Kinh.
Nhưng ít ai biết rằng Xiaomi đặt những viên gạch đầu tiên cho hệ sinh thái phần cứng này chính bằng phần mềm. MIUI là phiên bản Android của Xiaomi, lần đầu tiên ra mắt vào năm 2010. MIUI nhanh chóng thu hút được sự chú ý của các nhà phát triển, trong bối cảnh có rất nhiều loại ROM Android khác nhau. Một năm sau đó, Xiaomi mới ra mắt chiếc smartphone đầu tiên.
“Tầm nhìn của MIUI giống như của Xiaomi, đó là giúp người sử dụng trải nghiệm những niềm vui của công nghệ”, một nhà thiết kế của dự án MIUI tại Xiaomi có tên tiếng Anh là Robin cho biết.
“Khi nói đến việc tạo ra một chiếc smartphone, việc thiết kế phần cứng rất khác so với thiết kế phần mềm. Khi chúng tôi thiết kế Mi MIX 2 với màn hình lớn, chúng tôi luôn nghĩ đến việc tăng thêm không gian và giảm bớt khối lượng, bằng cách làm cho màn hình mỏng đi 0,1mm.
Do đó, thiết kế phần cứng là vấn đề về không gian. Trong khi đó, thiết kế phần mềm là vấn đề về thời gian. Bạn sẽ phải để ý đến trải nghiệm của người dùng, những thứ rất đơn giản nhưng được làm đi làm lại trong một khoảng thời gian dài. Bản phải đảm bảo rằng trải nghiệm đó vẫn tốt sau từng ấy thời gian”.
Các nhà thiết kế của Xiaomi (từ trái sang phải): Gary, Robin và Wang Qian.
Giám đốc thiết kế MIUI, ông Gary chia sẻ: “Điều làm cho MIUI trở nên đặc biệt đó là chúng tôi tập trung vào người dùng ngay từ ngày đầu. Chúng tôi có những diễn đàn, cộng đồng người dùng smartphone Xiaomi, để thảo luận và tiếp thu những ý kiến đóng góp. Chúng tôi biết họ muốn gì, họ ghét gì, và chúng tôi sẽ thay đổi MIUI theo hướng họ thích”.
Cho dù bạn có thích MIUI của Xiaomi hay không, thì thực tế phải thừa nhận rằng đây là một bước tiến rất dài của nhà sản xuất smartphone Trung Quốc. MIUI vẫn là một hệ điều hành đáng tin cậy để sử dụng.
Có thể hệ điều hành Android gốc của Google vẫn sẽ được đánh giá cao hơn, nhưng điều đó khó có thể xảy ra tại Trung Quốc - nơi mà hầu hết người dùng smartphone đều không thể tiếp cận với Play Store.
Tại Trung Quốc, sao chép iPhone cũng là một cách sáng tạo
Không phải nhà sản xuất nào cũng có cách sáng tạo lại smartphone Android giống như Xiaomi. Vivo là một ví dụ điển hình với hệ điều hành Funtouch OS, hiện đã ra tới phiên bản thứ 4. Chúng ta vẫn thường nói Xiaomi hay sao chép thiết kế iPhone, còn Funtouch OS là kẻ sao chép iOS.
Từ cách hiển thị thông báo, trung tâm điều khiển cho đến ứng dụng camera đều rất quen thuộc với những người đã từng sử dụng iPhone. Đó không phải là ý tưởng điên rồ, ngay cả khi có hàng trăm triệu người đang sử dụng iPhone tại Trung Quốc.
Funtouch OS 4.0 trên Vivo NEX.
Bởi tại đất nước này, iMessage không còn trở nên quá quan trọng, tất cả mọi người đều sử dụng WeChat. Và bạn hoàn toàn có thể thiết kế một hệ điều hành giống iOS, không cần iMessage và không lo ngại các vấn đề bản quyền hay bằng sáng chế. Apple và Samsung đã từng kiện nhau chỉ vì giống một vài tính năng trong phần mềm, nhưng đó là ở ngoài Trung Quốc.
Funtouch OS đơn giản, dễ sử dụng đúng như iOS. Nhưng không giống MIUI của Xiaomi, Vivo rất ít khi nói về các tính năng và cách hoạt động của Funtouch OS như thế nào. Thay vào đó, Vivo quảng bá những đột phá về phần cứng, như camera thò thụt hay cảm biến vân tay dưới màn hình.
Một nhà quản lý của Vivo cho biết triết lý đặc biệt của công ty: “Chúng tôi không đổi mới chỉ vì một lợi ích đơn thuần. Thay vào đó, chúng tôi tập trung vào nâng cao những trải nghiệm cơ bản của người dùng. Đó là những ứng dụng quen thuộc, nhưng cách điều khiển đơn giản để bạn có thể vào WeChat, duyệt web, nghe nhạc hay chụp ảnh”.
Có một hãng smartphone Trung Quốc đứng ngoài cuộc
Trong khi các hãng smartphone Trung Quốc cố gắng thay đổi Android, để phù hợp với người dùng trong nước. Có một hãng smartphone Trung Quốc khác hoàn toàn đứng ngoài cuộc, đó chính là OnePlus. Những chiếc smartphone OnePlus được cài đặt hệ điều hành Oxygen OS với trải nghiệm gần như Android gốc của Google.
CEO Pete Lau đã từng nói rằng: “Trọng tâm của chúng tôi là mang đến trải nghiệm càng gần với những gì trực quan, tối giản, nhẹ nhàng, mượt mà và liền mạch trong phần mềm. Chúng tôi chỉ thêm các tính năng mới khi chắc chắn rằng chúng mang lại trải nghiệm tốt hơn. Các tính năng dư thừa sẽ không bao giờ xuất hiện”.
CEO Pete Lau của OnePlus, được chụp trên OnePlus 6.
Có thể chúng ta đều biết OnePlus thực chất là một công ty con của Oppo, vì vậy mà những chiếc smartphone của hai hãng này có thể được chia sẻ nguồn lực từ các chuỗi cung ứng giống nhau. Nhưng khi nói về phần mềm, đó là một sự khác biệt lớn.
Trong khi Color OS của Oppo khá giống với Funtouch OS của Vivo, thì Oxygen OS của OnePlus lại mang đến sự tối giản và hiệu suất ấn tượng. Có thể nói rằng ngoài Pixel của Google, thì OnePlus là hãng điện thoại duy nhất có thể giúp Android gần chạm đến iPhone về độ mượt mà khi trải nghiệm.
Các nhà thiết kế Oxygen OS của OnePlus cho biết một trong những nguyên nhân quan trọng giúp họ làm được điều đó, chính là chiến lược ra mắt mỗi năm chỉ 2 mẫu smartphone mới. Nhờ đó, các nhà thiết kế có thể tối ưu hóa phần mềm của họ trên các bộ vi xử lý Qualcomm mạnh nhất tại thời điểm ra mắt. Khác với các nhà sản xuất khác, thường ra mắt rất nhiều smartphone từ tầm trung tới cao cấp, khiến cho hệ điều hành của họ khó tương thích với tất cả các phần cứng.
Ngoài hệ điều hành Oxygen OS, OnePlus cũng phát triển một hệ điều hành cho thị trường Trung Quốc có tên Hydrogen OS. Hệ điều hành này có giao diện người dùng tương tự, nhưng các phần mềm của Google được thay thế bằng các phần mềm và kho ứng dụng phù hợp với thị trường Trung Quốc.
“Thoải mái là tất cả những gì khách hàng phản hồi khi sử dụng hệ điều hành của chúng tôi so với hãng khác. Tôi nhận thấy những sự thay đổi, khi mà người dùng đều muốn sử dụng phần mềm nhanh và mượt mà. Danh sách dài những tính năng mới thừa thãi, sẽ được thay thế bằng một cái gì đó tối giản hơn. Đây là giai đoạn chuyển tiếp và sẽ mất một khoảng thời gian nữa”, ông Lau cho biết.
Smartphone Trung Quốc cần tiếp tục thay đổi
Các hãng smartphone Trung Quốc đã thay đổi và sáng tạo lại nền tảng Android theo nhiều cách khác nhau, và rất riêng của mình. Cho đến khi Google vẫn chưa thể hiện diện tại Trung Quốc, đó là cách duy nhất mà các nhà sản xuất smartphone có thể làm.
Color OS của Oppo, MIUI của Xiaomi và Funtouch OS của Vivo.
Tuy nhiên sự thay đổi đó không phải hoàn toàn xấu, chỉ là chúng chưa được hoàn thiện theo một cách tốt nhất. Nhưng xu hướng của người dùng đang dần thay đổi, họ muốn phần mềm đơn giản, mượt mà và không có những tính năng dư thừa.
Thị trường smartphone Trung Quốc là một thị trường khổng lồ, liên tục đổi mới một cách táo bạo, không giống như những gì chúng ta từng thấy. Nhưng có một điều sẽ không thay đổi, đó là muốn bước vào cuộc chơi phần cứng, bạn cần phải làm chủ phần mềm trước đã.
Smartphone Android Trung Quốc hứa hẹn sẽ tiếp tục có những thay đổi lớn, hướng đến sự hoàn thiện. Vấn đề có lẽ như CEO OnPlus đã nói, đó chính là thời gian.
Nguồn: GenK.vn
Middle/ Senior NodeJS Developer
CÔNG TY CỔ PHẦN HASAKI BEAUTY & CLINIC
Địa điểm: Hồ Chí Minh
Lương: Cạnh Tranh
FrontEnd Developer (ReactJS, VueJS, HTML)
Địa điểm: Hồ Chí Minh
Lương: 10 Tr - 16 Tr VND
Tổng công ty Xây dựng số 1 – CTCP
Địa điểm: Hồ Chí Minh
Lương: Cạnh Tranh
Mobile Developer Junior (Mạnh Flutter)
Công Ty Cổ Phần Phương Tiện Điện Thông Minh Selex
Địa điểm: Hà Nội
Lương: 800 - 1,500 USD
Junior Mobile Developer (Flutter)
Công Ty Cổ Phần Phương Tiện Điện Thông Minh Selex
Địa điểm: Hà Nội
Lương: 1,000 - 1,500 USD
Địa điểm: Bình Dương
Lương: 15 Tr - 23 Tr VND
Senior Frontend Developer (React)
Địa điểm: Hồ Chí Minh
Lương: 1,000 - 3,000 USD
Địa điểm: Hồ Chí Minh
Lương: 20 Tr - 35 Tr VND
Lập trình viên Java Backend - Backend Developer (Java) - Khối Ngân hàng số (HO24.293)
Địa điểm: Hà Nội
Lương: Cạnh Tranh
Senior Android Developer - TA160
Ngân Hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBANK
Địa điểm: Hà Nội
Lương: Cạnh Tranh