Chào bạn,

Đăng nhập xem việc làm phù hợp

Blog IT

Mảng di động của Sony: Chờ phép màu của ông trùm Nhật Bản

Mảng di động của Sony: Chờ phép màu của ông trùm Nhật Bản

Samsung có thể không bán nhiều Galaxy S9 như mong muốn nhưng tình trạng của họ không bi đát như những gì Sony trải qua. Báo cáo tài chính gần đây của Sony cho thấy chuyện gì xảy ra khi một công ty không biết làm gì với mảng smartphone trong bối cảnh hiện nay.

Sony chỉ bán được 2 triệu smartphone trong quý gần nhất, kết thúc vào tháng 7/2017, giảm 1,4 triệu máy so với một năm trước đó. Bạn không nhìn nhầm, trong một năm, mảng di động của Sony giảm gần một nửa doanh số.

Phản ứng trước doanh số đi xuống, công ty này đặt lại chỉ tiêu bán ra 10 triệu smartphone trong năm nay xuống còn 9 triệu máy. Để so sánh, những con số rò rỉ cho thấy Samsung “chỉ” bán được 9 triệu chiếc Galaxy S9 trong quý II/2018. Đó là doanh số một quý, không phải cả năm, và cũng chỉ dành cho một dòng máy.

Sony Xperia XZ2, XZ2 Compact có thiết kế đẹp nhưng giá bán chưa hợp lý.

Sony sở hữu nhiều model, bán ra toàn cầu với nhiều mức giá khác nhau nhưng công ty này rõ ràng đang gặp bất ổn lớn với mảng smartphone. Sony cần làm gì? Có phải họ đã lún quá sâu vào một cuộc khủng hoảng hay vẫn còn hy vọng?

Vấn đề về giá và sự bảo thủ

Bộ phận phát triển di động của Sony thực ra rất bận rộn trong suốt năm 2018, cho dù doanh số không ấn tượng. Tại CES 2018, họ ra mắt 3 mẫu di động tầm trung – Xperia XA2, XA2 Ultra và Xperia L2, sau đó là 2 mẫu cao cấp Xperia XZ2 và XZ2 Compact tại MWC. Những chiếc di động này hoàn hảo. Chúng được đánh giá rất cao trong những bài viết của hàng loạt trang công nghệ lớn.

Vậy vấn đề là gì? Câu trả lời khá dễ tìm. Hồi tháng 5, Sony thừa nhận không đạt chỉ tiêu doanh số do sáng tạo không đủ nhanh. Cụ thể, công ty này mất quá nhiều thời gian để nghiên cứu/thiết kế, dẫn đến chậm bắt nhịp với các xu hướng công nghệ. Ví dụ dễ thấy nhất là việc kể từ năm ngoái, các mẫu di động ồ ạt chuyển sang sử dụng màn hình tỷ lệ 18:9, gồm cả cao cấp và tầm trung nhưng Sony thờ ơ với trào lưu này mãi cho đến khi ra mắt Xperia XZ2 – tròn một năm sau khi chiếc máy màn hình tỷ lệ 18:9 đầu tiên xuất hiện.

Sony cũng chẳng tập trung vào thứ mà người dùng muốn. Đầu tiên, giá cả là vấn đề lớn. Họ vừa tung một chiếc smartphone giá 1.000 USD (Xperia XZ2 Premium) với màn hình 4K và giá 1.000 USD nhưng thực chất, màn hình 4K không giúp ích nhiều trong việc tạo ra khác biệt so với các sản phẩm đối thủ. Thiết bị này có màn hình 16:9, không giắc cắm tai nghe, viền màn hình cũng chẳng đủ mỏng. Về cơ bản, Sony hy vọng màn hình 4K sẽ đủ thuyết phục người dùng bỏ thêm một ít tiền vào sản phẩm của họ.

Tiếp theo là chiếc Xperia XZ2, model được đánh giá cao nhờ chất lượng âm thanh tuyệt vời và màn hình tốt. Tại Mỹ, chiếc máy này được bán với giá 800 USD, không hề dễ chịu với người dùng nước này. Thế nhưng, hãng còn quyết định đem nó đến Ấn Độ để bán với giá tương đương 1.062 USD.

 

 

Xperia XZ2 Compact cũng là chiếc di động Android nhỏ gọn hiếm hoi hiện nay trang bị cấu hình cao cấp nhưng mức giá 600 USD rõ ràng khiến nó mất đi lợi thế cạnh tranh. Ngay cả những model như Xperia XA2 Ultra hay XA2 Plus cũng được định giá ngang hàng với các model như OnePlus 5T hay Hon0 – 2 mẫu di động cấu hình rất mạnh với giá tầm trung.

Giá bán luôn là vấn đề với Sony, chưa kể đến việc họ thiếu các chương trình quảng bá kết hợp với nhà bán lẻ hoặc nhà mạng để tăng mức độ nhận diện thương hiệu. Nếu người dùng không biết bạn đang bán chiếc smartphone nào, nó có tốt đến mấy cũng vô dụng.

Chưa hết hy vọng

Không thể phủ nhận mảng smartphone của Sony đang gặp hàng loạt vấn đề. Tuy nhiên, họ vẫn nắm giữ nhiều lợi thế. Những chiếc smartphone gần đây của Sony đều rất đẹp. Họ cũng làm rất tốt ở khoản chụp ảnh. Sony vừa ra mắt cảm biến camera 48 megapixel, có thể xuất hiện trên các smartphone ra mắt năm sau.

Phần mềm của máy cũng rất tốt. Xperia XZ2 là một trong số ít smartphone không thuộc dòng Pixel hỗ trợ bản Android P developer preview.

Thực tế, Sony không coi smartphone là sản phẩm trọng điểm, mang đến nguồn thu chính cho hãng. Điều đó đồng nghĩa họ được phép “liều”, thứ mà nhiều hãng như Samsung, Apple có thể không dám làm.

 

Chuyện gì xảy ra nếu Sony tích hợp thương hiệu PlayStation vào trong các dòng smartphone? Một chiếc điện thoại mang thương hiệu PlayStation chẳng hạn. Với việc rất nhiều smartphone chuyên chơi game ra mắt gần đây, rõ ràng đó là ý tưởng không tệ.

So với nhiều hãng di động khác, lượng fan của Sony hiện vẫn rất đông đảo. Nhóm người dùng phổ thông, những người không có nhiều kiến thức về công nghệ, cũng có không ít người yêu thích cái tên Sony. Chỉ cần những chiếc smartphone của họ được biết đến rộng rãi hơn, giá bán cạnh tranh hơn, vấn đề có thể được giải quyết.

Vấn đề nằm ở chỗ, Sony có chịu chi không và quyết tâm ở mảng di động của họ lớn đến đâu.

Đặng Tân

 

Nguồn: Ictnews.vn

Bài viết tương tự