Chào bạn,

Đăng nhập xem việc làm phù hợp

Blog IT

Một thời cạnh tranh màn hình gập với Samsung, giờ đây công ty Trung Quốc này còn không đủ tiền trả lương nhân viên

Một thời cạnh tranh màn hình gập với Samsung, giờ đây công ty Trung Quốc này còn không đủ tiền trả lương nhân viên

Nhiều nhân viên Royole cho biết, họ đã không nhận được lương từ tháng 10 cho đến nay.

Là công ty giới thiệu thiết bị màn hình gập đầu tiên trên thế giới và từng được xem như đối thủ tiềm tàng của Samsung trong lĩnh vực này, thế nhưng một báo cáo mới đây cho thấy, hãng Royole Corporation của Trung Quốc đang gặp vấn đề nghiêm trọng về tiền mặt đến mức chậm trả lương cho nhân viên từ nhiều tháng nay.

Báo cáo mới đây của Caixin Global cho biết, nhiều nhân viên của Royole còn chưa nhận được lương từ tháng 10 đến nay. Điều này xảy ra chỉ vài tháng sau khi công ty từ bỏ quá trình IPO lên sàn chứng khoán STAR của Thượng Hải vào tháng Hai năm nay.

Tuy nhiên, phản hồi lại báo cáo này, Royole cho biết hiện công ty vẫn đang hoạt động bình thường, còn những nhân viên bị chậm lương sẽ được đền bù bằng một khoản tiền tương ứng cùng quyền chọn cổ phiếu.

Các chuyên gia trong ngành cho biết, dù là hãng đầu tiên giới thiệu các sản phẩm màn hình gập, nhưng tình hình tài chính nghèo nàn, mức độ hữu dụng thấp cũng như rủi ro không tiêu thụ được sản phẩm đang trở thành mối đe dọa cho Royole.

Nhiều nhân viên công ty tiết lộ rằng, Royole mới chỉ trả một nửa lương của họ trong tháng Chín và việc thanh toán lương đã bị dừng lại hoàn toàn từ tháng 10. Cho dù vậy, Royole cũng không đề cập đến việc sa thải nhân viên, thay vào đó, các báo cáo cho biết, công ty chỉ đang cố gắng tìm kiếm thêm nguồn vốn mới.


Chiếc Royole Flexpai, điện thoại màn hình gập đầu tiên trên thế giới

Các nhà đầu tư chính của Royole bao gồm các cái tên như IDG Capital Partners, Alpha Wealth, Jack & Fisher Investment và CITIC Capital. Từ năm 2017, Royole đã thực hiện 7 vòng gọi vốn đầu tư khác nhau với tổng cộng 21 cổ đông.

"Nhà sáng lập của Royole là người chuyên về kỹ thuật. Cả nhóm có kỹ năng công nghệ tốt nhưng lại thiếu khả năng thương mại hóa để định hướng." Zhang Xiaorong, giám đốc Viện Nghiên cứu Công nghệ Cao tại Bắc Kinh cho biết.

"Vấn đề đặc thù của Royole là thiếu khả năng thương mại hóa và mở rộng thị trường kém hiệu quả. Từ góc độ trong ngành, các sản phẩm màn hình dẻo đi trước quá xa và thiếu các kịch bản ứng dụng đủ tốt. Có công nghệ nhưng không có thị trường khiến Royole phụ thuộc vào tài chính để sống sót. Giờ đây tài chính đã hết, dòng tiền mặt cũng cạn kiệt." Zhang cho biết.

Nhiều người trong ngành cũng cho rằng công nghệ độc đáo của Royole dẫn đến việc họ phải xây dựng một hệ sinh thái khép kín và ảnh hưởng xấu đến việc mở rộng thị trường khi khách hàng phải chấp nhận một đường hướng công nghệ khác với các doanh nghiệp khác. Trong khi đó, cách làm này cũng buộc Royole phải xây dựng toàn bộ chuỗi cung ứng và ứng dụng cho nó, khiến gánh nặng ngày càng đè nặng lên công ty.

Trên thực tế, Royole đã gặp vấn đề về tiền mặt trong một thời gian dài. Họ dự định huy động khoảng 14,34 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 2,27 tỷ USD) trong đợt IPO lên sàn Chứng khoán Thượng Hải vào ngày 31 tháng 12 năm 2020. Tuy nhiên, sau đó đợt IPO này bị hủy bỏ khiến vấn đề tiền mặt của công ty càng trở nên trầm trọng.

Theo dữ liệu công ty, khoản lỗ lũy kế của Royole từ năm 2017 đến nửa đầu 2020 đã đạt mức 502 triệu USD, trong khi tổng doanh thu trong thời kỳ này chỉ đạt 81 triệu USD. Công ty cho biết, lý do của khoản lỗ này là vì sản phẩm được bán ở quy mô nhỏ và đầu tư lớn vào R&D cho sản phẩm mới. Dự báo việc thua lỗ sẽ được tiếp tục trong tương lai.

Sản phẩm điện thoại màn hình gập của Royole mới chỉ bán được 11 chiếc trên trang thương mại điện tử Tmall trong khi các sản phẩm khác đều không có quá 30 đơn hàng.

GenK

Bài viết tương tự