Chào bạn,

Đăng nhập xem việc làm phù hợp

Blog IT

Muốn thành công, điện thoại màn hình gập phải mở ra thành màn hình ngang

Muốn thành công, điện thoại màn hình gập phải mở ra thành màn hình ngang

Các thiết bị màn hình gập sẽ là một phần rất thú vị trong tương lai ngành công nghiệp di động nói riêng, và trong cuộc sống của chúng ta nói chung. Nhưng qua những sự kiện đã diễn ra trong năm 2019, chúng ta rút ra được một điều: chúng vẫn chưa sẵn sàng để trở thành một phần của hiện tại.

Royole FlexPai có chất lượng cực tệ, Galaxy Fold dễ hư hỏng, Huawei Mate X trễ hẹn, còn các điện thoại màn hình gập của Xiaomi và Oppo mới chỉ xuất hiện dưới dạng những hình ảnh dựng ban đầu. Ngay cả LG, công ty luôn đi đầu trong những ý tưởng kỳ quái, cũng tỏ ra ngần ngại khi nhắc đến điện thoại màn hình gập, nói rằng họ vẫn chưa đưa ra được một thiết kế nào đủ sức thuyết phục người tiêu dùng. Có lẽ LG đúng, bởi tất cả các hãng đã từng công bố chiếc điện thoại màn hình gập của mình cho đến thời điểm này đều đang đi sai đường. Không ai trong số họ đưa ra được một thiết kế đúng đắn cho loại thiết bị của tương lai này.

Muốn thành công, điện thoại màn hình gập phải mở ra thành màn hình ngang - Ảnh 1.

Hầu hết thiết kế điện thoại màn hình gập của mọi công ty đều có hình dạng gập lại ban đầu như một chiếc smartphone thông thường, và chính vì lẽ đó, khi mở ra, kết quả không thể tránh khỏi là một chiếc tablet với màn hình tỉ lệ khá vuông vức.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trên lĩnh vực di động sau khi được trên tay Huawei Mate X, Royole FlexPai, và một vài bản mẫu của điện thoại màn hình gập TCL, đã đưa ra kết luận rằng thiết bị khi mở ra, dù màn hình kích cỡ bao nhiêu đi chăng nữa, cũng nên có tỉ lệ màn hình ngang. Với một thiết bị màn hình gập, thứ quan trọng hơn chính là thiết bị khi được mở ra, không phải khi gập lại - hay nói cách khác, trạng thái ban đầu của một chiếc điện thoại màn hình gập nên là trạng thái tablet, không phải trạng thái smartphone như hiện nay.

Có rất ít những trường hợp chúng ta cảm thấy kích cỡ của màn hình điện thoại ngày nay là chưa "đủ đô", như xem video, duyệt ảnh, và lướt những website được thiết kế cho desktop. Đó đều là những trường hợp mà bạn sẽ thấy tuyệt vời biết bao nếu sử dụng một màn hình ngang (widescreen).

Ngay cả những thứ chúng ta sử dụng thường ngày trên điện thoại, như lướt mạng xã hội hoặc chơi game di động, cũng sẽ tiện lợi hơn nhiều nếu hiển thị trên màn hình ngang đó. Chiếc điện thoại mới ra mắt của Sony, Xperia 1, dù nhận được nhiều ý kiến trái chiều, nhưng có một điểm mà mọi người đều thích thú là tỉ lệ màn hình 21:9 đặc trưng. Kể từ khi điện thoại bắt đầu rời bỏ tỉ lệ 16:9 truyền thống và tiến tới tỉ lệ màn hình dài hơn vào năm 2017, các ứng dụng di động, game, và các dịch vụ liên quan cũng dần được thay đổi giao diện để phù hợp với xu thế thiết kế phần cứng mới.

Ở thời điểm hiện tại, chẳng mấy ai lại đi viết phần mềm cho màn hình vuông cả, và tại MWC hồi tháng 2 năm nay, nhiều người khi chứng kiến chiếc Huawei Mate X phát video YouTube cũng cảm thấy hai dải đen trên và dưới video là một sự phí phạm về không gian không đáng có. Phần không gian trống màu đen đó có chiều cao...gần bằng chiều cao của video đang phát. Mate X là một thiết bị đẹp, nhưng tỉ lệ màn hình của nó cho thấy các nhà thiết kế dường như chưa cân nhắc kỹ về cách thức mọi người sẽ sử dụng một thiết bị như vậy.

Nếu thiết kế màn hình thiết bị với tỉ lệ 16:9 trong trạng thái mở ra, thì khi gập lại, nó sẽ hiển thị hoàn hảo video YouTube và đại đa số các nội dung stream cũng như game. Với việc 5G đang dần được triển khai rộng rãi, đặc biệt trong năm sau, các dịch vụ stream sẽ bùng nổ, và dù bạn chơi game trên Google Stadia hay xem phim trên HBO Max, màn hình rộng sẽ luôn là một sự lựa chọn lý tưởng.

Muốn thành công, điện thoại màn hình gập phải mở ra thành màn hình ngang - Ảnh 2.

TCL DragonHinge

Làm sao để hình dáng của các thiết bị màn hình gập chạy Android phù hợp với các ứng dụng được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là điều tối quan trọng, bởi trải nghiệm Android trên tablet từ lâu đã luôn bị chê bai.

Nếu bạn là Samsung hay Huawei, và bạn cố quảng bá chiếc điện thoại màn hình gập của mình như một thiết bị phục vụ công việc, bạn nắm chắc một suất thất bại. iPad đang nắm thế thượng phong trên lĩnh vực này, và nếu bạn muốn một chiếc tablet kích cỡ 10-inch trở lên, thì tỉ lệ màn hình vuông lại là lựa chọn tốt hơn. Nhưng đây là Android, một hệ điều hành chưa được tối ưu hóa cho tablet và chỉ thể hiện được sức mạnh của nó trên các màn hình nhỏ hơn, nên các nhà sản xuất thiết bị màn hình gập Android sẽ phải tập trung làm cách nào đó để video và game - những thứ hầu như đã được chuẩn hóa xoay quanh tỉ lệ màn hình ngang 16:9 - hiển thị ở trạng thái tốt nhất.

Nói đi cũng phải nói lại, thiết kế được một thiết bị như vậy là một thách thức, bởi khi bạn chọn tỉ lệ màn hình 16:9 ở trạng thái mở, bạn sẽ phái chấp nhận tỉ lệ màn hình 16:4.5 hoặc 8:9 ở trạng thái gập, tùy thuộc vào vị trí của bản lề. Có lẽ giải pháp ở đây là sử dụng 2 bản lề như chiếc điện thoại màn hình gập của Xiaomi, hay một phiên bản gọn gàng hơn của chiếc Mate X chẳng hạn. Hoặc có lẽ thế hệ điện thoại màn hình gập đầu tiên sẽ phải chấp nhận rằng chúng không thể có được một thiết kế smartphone hoàn hảo - một điều mà các nhà thiết kế Samsung đã phải thừa nhận khi tạo ra phần viền máy khá dày của chiếc Galaxy Fold.

Muốn thành công, điện thoại màn hình gập phải mở ra thành màn hình ngang - Ảnh 3.

Cũng dễ hiểu tại sao các công ty lại cảm thấy áp lực phải thử và mang đến cho người dùng một chiếc smartphone không điểm trừ kết hợp cùng một chiếc tablet hoàn hảo trên cùng một thiết bị: người tiêu dùng luôn là những vị khách đòi hỏi rất nhiều.

Những thiết bị tốt nhất của thời đại smartphone hiện nay luôn là những thiết bị có hiệu năng tốt nhất và thiết kế hoàn hảo nhất. Những chiếc điện thoại với cụm camera khổng lồ, như Nokia 808 PureView hay Lumia 1020, dù tạo ra những bức ảnh tuyệt đỉnh, nhưng lại không được số đông chấp nhận.

Khi Avenir Telecom công bố chiến dịch gây quỹ để sản xuất một chiếc điện thoại với pin khủng 18.000mAh, họ chỉ đạt được đúng 1% mục tiêu đề ra. Dù chúng ta khẳng định có thể bỏ qua một số nhược điểm về ngoại hình để đổi lấy một lợi thế trong sử dụng thực tế, thì khi nhìn qua những mẫu siêu flagship ngày càng mỏng, ngày càng mong manh dễ vỡ của hiện nay, có thể thấy rằng cuối cùng thì người tiêu dùng vẫn mong muốn có một thiết bị duy nhất vừa đẹp, vừa mạnh, lại vừa đủ chức năng.

Một thiết bị có kích cỡ như Google Pixel bản thường, với chiều dày lớn hơn một chút, có thể mở ra thành một chiếc tablet mini để chỉnh sửa hình ảnh, sẽ là một thiết bị tuyệt vời cho tương lai. Và sẽ tuyệt vời hơn nữa nếu thiết bị đó không có những dải đen khi xem video (và không tai thỏ nữa). Có nghĩa là bạn sẽ phải hi sinh khả năng sử dụng của thiết bị khi ở trạng thái gập - giống chiếc điện thoại gập tin đồn Motorola RAZR vậy. Mua một thiết bị như vậy, tức bạn sẽ mua một thiết bị màn hình gập vì những tính năng của nó khi mở ra, không phải khi gập lại. Có lẽ bớt đi một màn hình ngoài để chúng ta không phải phân tâm khi có thông báo đến lại hay hơn chăng?

Muốn thành công, điện thoại màn hình gập phải mở ra thành màn hình ngang - Ảnh 4.

Bằng sáng chế Motorola RAZR màn hình gập

Mọi thứ chúng ta từng thấy từ Samsung, Huawei, Royole, TCL...cho thấy các nhà thiết kế thiết bị màn hình gập vẫn chưa chắc chắn nên chọn lựa hình dáng thiết bị ra sao. Có lẽ việc quá chú trọng vào cơ chế bản lề, và làm sao để tạo ra một màn hình mở ra - gập vào liên tục mà không dễ hỏng, đã khiến mọi thứ khác bị lu mờ.

Nhưng trải nghiệm người dùng không phải là một vấn đề có thể xem nhẹ - nó phải được đặt lên hàng đầu. Và để tạo ra một dạng thức máy và trải nghiệm người dùng mới, các công ty phải nghĩ khác đi. Rất nhiều hãng đã thất bại vì tìm cách thiết kế smartwatch như thể chúng là những chiếc smartphone thu nhỏ, tận dụng những thành phần lấy từ những chiếc smartphone của chính mình. Để tạo ra chiếc điện thoại màn hình gập của tương lai, các nhà thiết kế và kỹ sư phải bắt đầu từ con số 0. Và điều đầu tiên họ nên chú ý là nó phải có tỉ lệ màn hình 16:9.

Tham khảo: TheVerge

Nguồn: Genk.vn

Bài viết tương tự