Các công ty này hy vọng rằng công nghệ tự lái sẽ giúp giảm chi phí, giảm tai nạn giao thông và nâng cao hiệu quả tổng thể cho ngành công nghiệp vận tải đường bộ. Công nghệ tự lái giúp lái xe có thời gian nghỉ ngơi trong khi thực hiện các chuyến vận chuyển hàng hóa đường dài.
Ở châu Âu và Mỹ, Volvo, Daimler, Uber và những công ty khác cũng đã triển khai thử nghiệm xe tải tự lái dưới sự giám sát của các chuyên gia. Ở Trung Quốc, với sự cởi mở về mặt chính sách, quy định, các công ty đang phát triển xe tải tự lái sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc thử nghiệm và nhanh chóng đưa những chiếc xe này ra thị trường. Những chiếc xe tải tự lái hứa hẹn cải tạo lại toàn bộ ngành vận tải đang hỗn loạn của Trung Quốc.
"Vận tải hàng hóa liên tỉnh sẽ trở thành một thị trường khổng lồ ở Trung Quốc", Xiaodi Hou, CTO của TuSimple chia sẻ. Công ty có trụ sở tại San Diego và Bắc Kinh này hiện đang hợp tác phát triển nền tảng xe tải tự lái cùng với một hãng sản xuất xe tải lớn tại Trung Quốc. Hou cho rằng hiện tại ở Trung Quốc việc thử nghiệm xe tải tự lái rất hiệu quả bởi nó không phải chịu bất cứ giới hạn nào. Anh tin rằng chính phủ Trung Quốc sẽ hỗ trợ cho các dự án này bởi họ cũng mong muốn ngành công nghiệp vận tải đường bộ sẽ được cải thiện.
TuSimple hiện đang thu thập dữ liệu trên một số xe tải do lái xe điều khiển. Dự kiến công ty này sẽ trình diễn công nghệ tự lái của mình trong quý đầu tiên năm 2017 và thương mại hóa vào năm 2018.
Cách tiếp cận của TuSimple đặt biệt tiết kiệm chi phí. Nó phụ thuộc nhiều vào tầm nhìn máy và các thuật toán để hiệu chi tiết khung cảnh xung quanh xe, thu thập các dấu hiệu của các xe khác để dự đoán hành động tiếp theo mà chúng có thể thực hiện. "Tất cả mọi thứ đều được xử lý trong tầm nhìn máy với deep learning", Hou nói, đề cập tới một kiểu công nghệ machine learning có liên quan tới việc nhập vào hệ thống neural network khổng lồ một lượng lớn dữ liệu huấn luyện.
Hou đã nghiên cứu tầm nhìn máy trong nhiều năm. Trước đó anh lấy bằng tiến sĩ hệ thống thần kinh và tính toán tại Caltech dưới sự hướng dẫn của Christof Koch, một nhà thần kinh học nổi tiếng hiện đang công tác tại Viện Allen về Khoa học Não bộ.
Theo số liệu do TuSimle cung cấp, tính trên khắp đất nước Trung Quốc hiện có khoảng 7,2 triệu chiếc xe tải và khoảng 16 triệu lái xe đảm nhận công việc vận chuyển hàng hóa liên tỉnh. Ngành công nghiệp này trị giá khoảng 300 tỷ USD và lương và các khoản khác dành cho các lái xe chiếm khoảng 40% chi phí phát sinh của các công ty xe tải. Cần tới 2 hoặc 3 lái xe cho một vận chuyển hàng đường dài bằng xe tải. Xe tự lái giảm số lượng lái xe cần cho một chuyến vận chuyển đường dài xuống chỉ còn 1 và suốt khoảng thời gian chiếc xe tự lái trên đường cao tốc công việc của anh ta chỉ là ngủ mà thôi.
TuSimple không phải là công ty duy nhất nhìn thấy cơ hội phát triển cực kỳ lớn tại Trung Quốc. Baidu, công ty phát triển công cụ tìm kiếm nổi trội nhất đất nước tỷ dân, đang đầu tư rất mạnh mẽ vào xe tự lái và các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo khác. Hãng này đang hợp tác cùng với hãng sản xuất xe tải Foton, Bắc Kinh, và đã trình làng mẫu xe tải tự lái đầu tiên tại một triển lãm được tổ chức tại New International Expo Center, Thượng Hải trong tuần vừa rồi.
Ngành công nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng xe tải tại Mỹ thậm chí còn lớn hơn, với giá trị ước tính khoảng 700 tỷ USD. Uber, hãng cung cấp ứng dụng gọi xe và dịch vụ taxi tự lái, cũng đã tham gia thị trường xe tải tự lái bằng cách thâu tóm startup Otto. Hồi tháng trước, một mẫu xe tải tự lái của Otto đã thực hiện thành công chuyến giao hàng đầu tiên, chuyến hàng này gồm 50.000 chai bia.
Ng Yi Pin, một nhà đầu tư của Yunqi Partner, một hãng đầu tư mạo hiểm Trung Quốc, cho biết rằng cơ hội thương mại hóa của công nghệ xe tải tự lái là rất lớn. Ông cũng đồng ý với quan điểm rằng chính phủ Trung Quốc sẽ hỗ trợ các công ty phát triển công nghệ này mặc dù chính quyền địa phương sẽ phải đối phó với tình trạng thất nghiệp của các lái xe.
Các quy định liên quan tới xe tự lái ở Trung Quốc vẫn còn rất lỏng lẻo bởi chính phủ nước này đang cố gắng cân bằng giữa sự an toàn và các lo ngại của cộng đồng với mong muốn thúc đẩy sự đổi mới và thành công của công nghệ tự lái. Hồi tháng Bảy, cơ quan chức năng quản lý ô tô của Trung Quốc tuyên bố rằng đang soạn thảo một quy tắc liên quan tới những phương tiện tự lái và yêu cầu các công ty hạn chế thử nghiệm trước khi chính thức trình làng. Tuy nhiên, Hou, Ng và nhiều chuyên gia khác đều tin rằng chính phủ Trung Quốc sẽ lỏng tay với các thử nghiệm và hỗ trợ tối đa cho việc thương mại hóa xe tự lái.
Trong khi đó, tại Mỹ, hồi tháng Chín, các cơ quan chức năng đã ban hàn một loạt quy định liên quan tới xe tự lái, yêu cầu các hãng sản xuất xe tự lái phải đảm bảo rằng xe của họ an toàn. Đồng thời, Cục Quản lý An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NHTSA), phụ trách các vấn đề an toàn đường bộ, đã tiết lộ ý định cấm các hệ thống tự lái có dấu hiệu không đảm bảo an toàn hoặc mang quá nhiều tính thử nghiệm.
Theo MIT Technology Review
Nguồn: Genk.vn