Hồi đầu tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Vingroup đã đưa ra thông báo sẽ rút khỏi mảng smartphone và TV để tập trung toàn lực cho VinFast. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ không có thêm bất cứ mẫu smartphone Vsmart mới nào được ra mắt nữa, và các mẫu máy hiện tại sẽ tiếp tục được bán cho đến hết vòng đời.
Vấn đề hiển nhiên đối với một thương hiệu sắp rời khỏi thị trường chính là hàng tồn kho. Không chỉ những sản phẩm đã hoàn thiện, VinSmart hẳn sẽ còn một lượng lớn các linh kiện mà hãng này không thể tái sử dụng cho các dự án tương lai.
Chính vì vậy, không lâu sau khi công bố rút khỏi mảng smartphone và TV, tập đoàn Vingroup đã tiến hành "thanh lý" các sản phẩm của mình với mức giá cực sốc dành cho nhân viên. Ví dụ, chiếc Vsmart Aris Pro với công nghệ camera ẩn dưới màn hình tiên tiến, từng có giá niêm yết 9.9 triệu đồng ở thời điểm ra mắt, nay chỉ còn 3.4 triệu đồng. Các model smartphone tầm trung và giá rẻ thuộc dòng Star, Joy, Live cũng có giá dao động chỉ trong khoảng 1-2 triệu đồng. Không chỉ smartphone, mà TV và máy lọc không khí mang thương hiệu Vsmart cũng được "sale" với mức giá rẻ hơn từ 50 đến 70% so với giá gốc.
Một số sản phẩm Vsmart được bán trên website nội bộ của Vingroup dành cho nhân viên
Như đã nói ở trên, chỉ nhân viên của Vingroup mới được hưởng mức giá ưu đãi này thông qua một website mua sắm nội bộ của tập đoàn. Thế nhưng, thông tin về chương trình này lộ ra ngoài đã khiến cho nhiều người dùng cũng muốn có nhu cầu sở hữu chúng. Ngoài ra, nhiều nhân viên Vingroup cũng đã nhân cơ hội này để "gom hàng" bán ra ngoài, khiến cho thị trường các sản phẩm Vsmart "hàng nội bộ" càng trở nên sôi động.
Tuy nhiên, lợi dụng tâm lý ham rẻ của người dùng, một số đối tượng đã nhân cơ hội này để thực hiện các hành vi lừa đảo qua mạng. Các đối tượng này đăng tải các bài đăng rao bán các sản phẩm Vsmart lên mạng xã hội với mức giá rẻ. Để trở nên thuyết phục hơn, một số đối tượng còn tự nhận mình là nhân viên của Vingroup.
Khi người mua liên hệ, họ sẽ được yêu cầu cọc 100.000 đến 200.000 đồng qua thẻ điện thoại do sản phẩm không có sẵn. Khi nhận được mã thẻ và nạp thành công, đối tượng xấu sẽ tiến hành chặn (block) liên lạc với người mua. Những đối tượng này luôn tìm mọi cách để từ chối giao dịch trực tiếp. Thậm chí, đối tượng dưới đây còn lấy lý do... khu mình sống ở có ca F1.
Một đối tượng lừa đảo bị nhiều thành viên trong cộng đồng sử dụng Vsmart "tố" (ảnh: Vsmart Fans Club)
Thực tế, mô típ lừa đảo này đã xuất hiện nhiều lần trước đây, chủ yếu đánh vào sự ham rẻ của người dùng. Các đối tượng thường sử dụng thẻ điện thoại làm hình thức thanh toán, do chúng có giá trị nhỏ, chưa đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, khác với số tài khoản ngân hàng, người bị lừa cũng không thể xác định được danh tính của kẻ xấu thông qua thẻ điện thoại.
Hiện tại, do tất cả các giao dịch mua bán sản phẩm Vsmart hàng nội bộ đều qua các kênh không chính thức (diễn đàn, mạng xã hội), vì vậy phía người mua đang phải chấp nhận nhiều rủi ro. Người mua được khuyến cáo nên giao dịch trực tiếp thay vì qua mạng để tăng tính đảm bảo.
Nguồn: Genk.vn