Chào bạn,

Đăng nhập xem việc làm phù hợp

Blog IT

Nhìn lại lịch sử hàng loạt những cổng kết nối xấu số bị Apple "giết chết" khi lần lượt ra mắt thế hệ thiết bị mới của mình

Nhìn lại lịch sử hàng loạt những cổng kết nối xấu số bị Apple "giết chết" khi lần lượt ra mắt thế hệ thiết bị mới của mình

MacBook Pro 2016 đã được ra mắt, đi cùng với những điểm cải tiến và thay đổi táo bạo của Apple đối với thiết kế cổng cắm ngoại vi của mình. Cụ thể, loại hình USB-A, cổng HDMI hay khe cắm thẻ nhớ truyền thống đều bị lược bỏ hoàn toàn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn bắt buộc phải mua thêm những bộ chuyển đổi hoặc cáp cắm tương thích thì mới có thể kết nối với các thiết bị khác.

Điều đáng nói ở đây là động thái trên tạo ra không ít nỗi khó chịu và bất ngờ cho chính cộng đồng người dùng trung thành của Apple, khi chỉ vừa một thời gian ngắn trước đó, họ cũng làm điều tương tự cho jack cắm headphone trên iPhone 7.

 

Dù sao thì chúng ta cũng vẫn phải thừa nhận một sự thật rằng kể cả khi Apple lựa chọn những bước đi đột ngột như vậy, xuyên suốt từ quá khứ đến nay, vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, thì họ vẫn trụ vững và trở thành một tượng đài công nghệ trên thế giới.

Hãy cùng điểm lại những quyết định tương tự của Apple trong những năm vừa qua:


Thiết bị từng mang lại luồng sinh khí hồi sinh mới cho công ty cũng chính là cái tên đi kèm với nhiều cải tiến đáng chú ý nhất: iMac G3. Đây là sản phẩm máy tính All-in-one (AIO) đột phá thời bấy giờ, chính thức loại bỏ khe cắm đĩa mềm và cổng SCSI cùng ADB vào năm 1998 - vốn là những giải pháp truyền thống cho máy tính Mac để kết nối chuột, bàn phím, ổ cứng.

 

Trước đó, những thập niên 80, Apple hợp tác cùng Sony đã thay đổi bộ mặt của nền công nghiệp sản xuất đĩa mềm khi phát triển, giới thiệu đĩa mềm cỡ 3,5 inch thay vì 5 inch.


Sau khi đưa lên thiết kế mới, Apple thay thế bằng những cổng USB - mở đầu cho một tiêu chuẩn mới cho cả một thời kỳ khoa học công nghệ nở rộ sau này.

 

2008 là năm Apple thu được thành công vang dội với bộ ba thiết bị MacBook "sát thủ" của mình, bao gồm cà MacBook Air thế hệ đầu tiên. Độ mỏng và gọn nhẹ của nó đã gây được tiếng vang lớn, nhưng đi kèm với đó là sự biến mất của cổng Ethernet và ổ đĩa CD/DVD.

 

Ngày nay điều đó cũng khá đúng so với nhu cầu hiện tại, khi mà con người không cần sử dụng nhiều đến ổ đĩa quang nữa. Chính những động thái từ các thương hiệu khác liên tục học tập thiết kế Ultrabook của MacBook Air đã chứng tỏ điều đó.

 

Tuy nhiên, nếu là một người hoài cổ hoặc vẫn giữ lại thứ gì đó cho mình lúc cần đến, một bộ tích hợp ổ đĩa DVD có giá 99 USD sẽ là biện pháp phù hợp.

 

Một trong những đặc điểm nổi bật trên cả phiên bản MacBook thông thường và MacBook Air năm đó là không còn chỗ cho cổng cắm FireWire (MacBook Pro vẫn được giữ lại nhưng giảm xuống còn 1). Đây là giao thức USB tương thích tốc độ cao của Apple, từng là đặc trưng của thế hệ iPod đầu tiên nhưng đã dần bị thay thế bởi USB 3.0 và Thunderbolt. Năm 2013 đánh dấu sự ra đi vĩnh viễn của cổng kết nối này trên Mac.

 

Năm 2012, iPhone 5 tiếp tục khiến cộng đồng người dùng một phen sửng sốt khi loại bỏ hoàn toàn cổng kết nối truyền thống dành cho sạc và đồng bộ thiết bị, thay vào đó là cổng Lightning độc quyền. Sự nhỏ gọn của nó là một ưu thế khá tích cực, nhưng tính đến hiện tại thì có vẻ như cổng Lightning đang dần bị... lạm dụng quá đà cho chiến thuật khai thác mảng kinh doanh bộ chuyển đổi cổng cắm của mình.

 

Dưới đây là ví dụ tiêu biểu về sản phẩm chuyển đổi cổng kết nối từ Lightning sang chân cắm 30 cạnh truyền thống trên iPhone 4 trở về trước.

 

Nhiều câu hỏi vẫn được dấy lên tiếp diễn về thiết kế MacBook tiếp theo sẽ mang trên mình đặc điểm như thế nào về khía cạnh kết nối ngoại vi, và quả thực đúng như dự đoán, Apple khi ấy đã quyết định học tập MacBook Air - chỉ có duy nhất một cổng USB-C mỏng manh, không USB 3.1, Thunderbolt hay HDMI...

 

Tất nhiên, không thể thiếu được những khuyến nghị đầy "hấp dẫn" từ công ty về các phụ kiện chuyển đổi kết nối, trải dài từ mức giá 19 USD cho một chiếc USB-adapter, lên tới 79 USD cho các loại hình nhu cầu phức tạp hơn.

 

Tiếp tục, lại một lần nữa Apple lại khiến người dùng của họ phải một phen toát mồ hôi khi loại bỏ jack cắm headphone 3,5mm trên iPhone 7, theo đuổi mục tiêu "không dây hóa" các thiết bị đi kèm. Chúng ta vẫn cần thêm thời gian để kiểm chứng tính hiệu quả và đúng đắn của quyết định này.

 

Không giống như những trường hợp trước, lần này không ai dám chắc lựa chọn kết nối không dây có thực sự đánh bại được truyền thống trước đó hay không.

Bluetooth vẫn còn dính dáng đến một số vấn đề chưa giải quyết được triệt để về khía cạnh kết nối và chất lượng dữ liệu truyền tải. Thậm chí nhiều người cho rằng bỏ cổng tai nghe 3,5mm không thực sự cần thiết để cho ra mắt một sản phẩm mỏng hơn, vì thực tế, độ dày của iPhone 7 cũng không đột phá hơn các thế hệ trước là bao.


Gương mặt cuối cùng của chúng ta là MacBook Pro 2016. Apple đã chính thức bỏ qua mọi hình thức và tiêu chuẩn kết nối ngoại vi khác, trừ loại hình USB-C.

 

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc đánh đổi lấy độ mỏng của MacBook Pro nhưng lại phải mang theo hàng tá adapter chuyển đổi khác cũng chẳng dễ chịu hơn là mấy. Dù sao thì nó hiện vẫn đang là một cái tên đáng chú ý nhất trong làng laptop của thế giới, xét trên cả thiết kế và hiệu năng đi kèm.

Tham khảo: Business Insider


Nguồn: Genk.vn

Bài viết tương tự