Năm ngoái, Samsung đã có những bước nhảy vọt về thiết kế dành cho bộ 3 Galaxy S10 với màn hình 'đục lỗ' tràn viền, cảm biến dưới màn hình và hệ thống camera đa dụng đặt theo chiều ngang.
Rất khó có thể tưởng tượng được Galaxy S20 sẽ có thể làm được gì để tiếp tục nâng cấp thiết kế mà nhiều người đã cho là rất 'đẹp' đó. Sau khi sản phẩm này ra mắt ta mới thấy được: những thay đổi dành cho bộ sản phẩm này không hiện ngay ra trước mắt trong lần nhìn đầu tiên, nhưng đều là những điều người dùng đã mong mỏi bấy lâu và làm trải nghiệm sử dụng thực tế tốt hơn.
Ta sẽ bắt đầu ở mặt lưng với cụm camera được thiết kế lại. Chắc chắn không phải nói ai cũng biết rằng hệ thống camera của Galaxy S20 đã theo xu hướng mới khi đặt tất cả camera vào một 'cụm' hình chữ nhật đặt bên cạnh trái máy.
Tùy vào mắt nhìn sẽ có người cho đây là đẹp, có người lại không thấy hợp mắt, song điểm nâng cấp về sử dụng đó là khi cầm máy trên tay, các ngón tay của người dùng sẽ ít khi chạm vào camera hơn so với hệ thống 'dàn hàng ngang' của S10.
Phiên bản S20 Ultra cao cấp nhất vì thêm ống kính gập (folded lens) nên mặt lưng được làm dày hơn, các cạnh viền mặt sau cũng cong hơn nên cho cảm giác cầm chắc chắn, khó rơi - đặc biệt cần thiết vì đây cũng là chiếc máy nặng nhất trong bộ 3 sản phẩm! Và nếu có rơi, mặt lưng Galaxy S20 cũng sẽ khó vỡ hơn khi đã được sử dụng Gorilla Glass 6, với độ cứng cao hơn 2 lần Gorilla Glass 5 sử dụng ở mặt lưng S10.
Lắng nghe ý kiến của người dùng, Samsung cũng đã 'khai tử' nút bấm Bixby riêng biệt đã xuất hiện trên dòng Galaxy S trước đây, thay vào đó cho phép người dùng nhấn giữ nút nguồn để kích hoạt. Tất cả các nút điều khiển của S20 đã được đặt ở cạnh trái máy, 'kéo' xuống gần với tay người dùng, dễ bấm hơn rất nhiều so với nút nguồn bị đặt rất cao ở S10.
Những nâng cấp lớn vẫn sẽ nằm ở mặt trước. Với S10, Samsung lần đầu tiên khám phá kiểu màn hình Infinity-O giúp màn hình tràn được tới tất cả các viền, và đến S20 hãng tiếp tục hoàn thiện thiết kế này. Các viền của S20 thậm chí còn mỏng hơn nữa, màn hình cũng bo tròn hơn ở các cạnh giúp tạo thiết kế mềm mại.
Là một người dùng S10+, tôi cảm thấy việc thêm một camera đo chiều sâu ở mặt trước máy là một điều thừa thãi, vì tính năng này có thể được thực hiện đủ tốt bằng phần mềm. Samsung có lẽ cũng hiểu được điều này, nên ở tất cả bộ 3 dòng S20 từ nhỏ tới lớn đều chỉ có một camera selfie nhỏ duy nhất, được đặt ở chính giữa viền trên giống với Note 10.
Điểm thiết kế gây tranh cãi nhất của những chiếc Galaxy S và Note đó là cạnh bên cong! Có những người cho đây là đẹp, là 'nét riêng' của dòng máy cao cấp từ Samsung. Ngược lại, đa phần mọi người vẫn cho đây là chi tiết không cần thiết, gây cản trở trong quá trình sử dụng thực tế (gõ phím khó hơn, xem phim bị méo viền, tạo đường viền sáng ở một số trường hợp...) nên với Galaxy S20, hãng quyết định làm màn hình ít cong hơn.
Đúng vậy, Galaxy S20 có màn hình 'ít cong' chứ không phẳng hoàn toàn, nhưng độ cong của màn hình bạn phải soi thật kỹ mới thấy được, nhờ đó vẫn đem lại sự khác biệt nho nhỏ về mặt thẩm mỹ so với những dòng máy tầm trung, ngược lại thì các vấn đề thao tác với máy, hiển thị đã được giải quyết.
Nằm dưới màn hình là một cảm biến vân tay siêu âm, cũng lần đầu tiên được Samsung khám phá ở phiên bản tiền nhiệm S10. Ở Galaxy S20, hãng đã đặt cảm biến này cao hơn vì không ít người dùng phàn nàn cảm biến vân tay của S10 đặt quá thấp, bắt ngón cái phải di chuyển thiếu tự nhiên, thậm chí có thể gây rơi máy với những ai có bàn tay bé.
Thử nghiệm tốc độ cảm biến vân tay của S20
Nâng cấp cuối cùng nhưng lớn nhất đó là màn hình với tần số làm tươi được tăng lên 120Hz, tần số lấy mẫu 240Hz. Trong thời điểm hiện nay, đa phần màn hình trên máy tính, smartphone vẫn dừng lại ở mức tiêu chuẩn 60Hz, và bất cứ ai đã từng được thử những loại màn hình với tần số làm tươi cao hơn sẽ hiểu được tại sao đây lại trở thành xu hướng của 2020.
Tất cả mọi thứ đều 'mượt' hơn, các ký tự trên màn hình vẫn có thể đọc được một cách rõ ràng kể cả khi người dùng đang lướt nhanh. Sau khi đã quen với màn hình 120Hz của Galaxy S20, tôi cảm thấy tất cả những màn hình khác trong nhà như đang chuyển động theo dạng slo-mo vậy!
So sánh màn hình 120Hz (S20 Ultra) và màn hình 60Hz thông thường (S10+) khi quay chậm
Hiện tại người dùng chỉ thấy được lợi ích của màn hình với tần số làm tươi cao ở những thao tác giao diện và lướt web vì đa phần game vẫn chưa được cập nhật để tận dụng được nó. Trong tương lai khi Samsung và những hãng khác ra mắt nhiều dòng máy có tính năng này hơn, chắc chắn các nhà làm game cũng sẽ phải nhanh chóng theo sau.
Nguồn: Genk.vn