Qualcomm mới phát động chương trình hỗ trợ tài chính dự kiến lên đến 375.000 USD cùng nhiều hỗ trợ về công nghệ dành riêng cho các startup Việt Nam.
Chương trình "Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam 2022 - Qualcomm Vietnam Innovation Challenge 2022 - QVIC 2022" đã chính thức phát động với con số hỗ trợ tài chính dự kiến lên đến 375,000 USD cùng nhiều lợi ích về hỗ trợ nền tảng công nghệ và sở hữu trí tuệ dành cho các start-up.
Theo đó, QVIC khuyến khích các công ty khởi nghiệp Việt Nam tận dụng sự hỗ trợ về nền tảng công nghệ và tài chính của Qualcomm để tạo ra nhiều phát minh, sáng kiến cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam và trên toàn thế giới.
Là một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ di động, Qualcomm thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với hệ sinh thái không dây tại Việt Nam thông qua các nền tảng công nghệ như dữ liệu di động (5G, 4G, NB-IOT), máy học... cùng sáng kiến về phòng thí nghiệm, thiết kế hệ thống, module tham chiếu…
Bà Nguyễn Thanh Thảo – Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao của Qualcomm chia sẻ tại hội thảo
Tận dụng được hệ sinh thái công nghệ toàn cầu với đội ngũ kỹ sư hùng hậu và liên kết với các đối tác quốc tế, các chuyên gia đầu ngành để huấn luyện và cố vấn kinh doanh, kết nối nối thương mại, đối tác khách hàng và các quỹ đầu tư, Qualcomm trở thành cầu nối quan trọng đưa sáng tạo Việt vươn tầm thế giới.
Phát biểu tại Hội thảo trực tuyến với chủ đề "Qualcomm mang khởi nghiệp Việt chinh phục đẳng cấp quốc tế" diễn ra vào ngày 25/11 vừa qua, bà Nguyễn Thanh Thảo – Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao của Qualcomm, người trực tiếp vận hành QVIC tại Việt Nam, chia sẻ không có gì ý nghĩa hơn cho các startup khi phát minh của mình được ứng dụng cho hàng tỉ người trên thế giới sử dụng. Ở góc độ cá nhân, bà rất tự hào khi Việt Nam được chọn làm nước thứ 3 triển khai QVIC sau Ấn Độ và Đài Loan cho thấy khởi nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng tham gia cạnh tranh trên đấu trường quốc tế.
Ngày nay, sự cạnh tranh của startup không chỉ dừng lại ở công nghệ, sản phẩm, dịch vụ...mà đã chuyển qua giai đoạn cạnh tranh về sức mạnh mạng lưới quan hệ mà startup sở hữu. "Đứng trên vai người khổng lồ" - hợp tác với các tập đoàn lớn - chính là cách thông minh để xây dựng hệ sinh thái bao quanh startup, giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp chủ động tiếp cận, lựa chọn, tận dụng các nguồn lực phù hợp để xây dựng bệ phóng vững chắc.
Theo chia sẻ của bà Trương Lý Hoàng Phi, startup Việt cần mài sắc kỹ năng tìm kiếm, lựa chọn và tận dụng tối đa các nguồn lực từ các tập đoàn hàng đầu để phát triển công nghệ, mang sản phẩm sản xuất tại Việt Nam chinh phục thị trường quốc tế.
GenK