*Bài viết thể hiện quan điểm của riêng tác giả
Truyền thống đáng chê trách
Là ông chủ của hai hệ điều hành phổ biến bậc nhất thế giới, thật trớ trêu Microsoft và Google cũng lại là hai hãng phần cứng… tệ nhất thế giới. Nhiều người vẫn còn nhớ đến những thảm họa thực sự như Flickergate (màn hình nhấp nháy) của Surface Pro 4, màn hình xanh của Surface Book hay màn hình mờ nhòe của Pixel 2 XL. Danh sách lỗi thậm chí còn bao gồm cả những lỗi ngớ ngẩn như Pixel bán ra… chưa cài Android hay Surface Laptop bị nứt vỡ màn hình do để lọt hạt bụi vào bên trong thân máy.
Bước sang thập niên mới cùng những thế hệ Surface và Pixel mới, hai ông lớn phần mềm có vẻ vẫn quyết tâm duy trì truyền thống chất lượng kém cỏi của mình. Theo thông tin mới nhất từ các diễn đàn và trang tin Android, Pixel 5 dù có tuổi đời chưa đầy một tháng nhưng đã liên tiếp gặp hiện tượng có khe hở giữa màn hình và thân máy. Không hiểu vì lý do gì mà màn hình trên những chiếc smartphone Google đã cong vênh ra khỏi thân máy, vốn là hiện tượng chưa bao giờ thấy trên bất kỳ mẫu smartphone nào khác.
Trên chiếc smartphone cao cấp nhất của Google trong năm nay, màn hình gặp lỗi vênh ra khỏi thân máy.
Microsoft thì sao? Chiếc Surface đáng chú ý nhất của năm nay không chạy Windows, nhưng những vấn đề chất lượng thì vẫn còn nguyên như Surface Pro hay Surface Book. Chỉ vài tuần sau khi ra mắt, người dùng đã báo lỗi Surface Duo gặp hiện tượng nứt vỡ xung quanh cổng USB-C, vốn cũng lại là lỗi chưa từng có trên bất kỳ thiết bị nào cả. Ở mức giá siêu đắt đỏ là 1400 USD, Duo cũng được trang bị một lớp vỏ dễ bám bẩn và… dễ ngả vàng.
Không chỉ là chất lượng
Bên cạnh những sự cố về chất lượng, Surface Duo còn tồn tại một vấn đề lớn hơn rất nhiều: lý do tồn tại của chiếc điện thoại này là gì? Trở lại thị trường smartphone sau 5 năm và sử dụng một hệ điều hành vốn không thuộc về mình, Microsoft đã quyết định "chơi trội" khi dùng kiểu dáng 2 màn hình vốn chưa được bất kỳ nhà sản xuất Android nào khai thác thành công. Gã khổng lồ xứ Redmond cũng tối ưu Android cho màn hình kép, mở ra một trải nghiệm sử dụng rất khác so với Android truyền thống.
Nhưng mức giá cho trải nghiệm này lại là 1400 USD, tức là ngang ngửa với những chiếc Android đầu bảng như Galaxy S20 Ultra hay Note 20 Ultra. Ở mức giá "siêu cấp", Microsoft chọn màn hình kép làm tính năng "đỉnh" duy nhất, cùng lúc vẫn giữ lại con chip Snapdragon 855 của năm ngoái và cũng chỉ trang bị cho Duo vỏn vẹn một camera. Trải nghiệm của Surface Duo tuy có phần khác biệt nhưng cũng vẫn chỉ là một trải nghiệm hạng hai khi so sánh với Galaxy Fold hay Galaxy Z Fold 2, vốn là những thiết bị có màn hình thường đi kèm với màn hình gập cỡ lớn. Trở lại thị trường smartphone sau 5 năm, Microsoft vẫn thể hiện khả năng "đọc" người dùng rất, rất kém.
Surface Duo: Smartphone 1400 USD với một camera và chip của năm ngoái.
Surface Pro X 2020: Laptop 1500 USD với vô số vấn đề tương thích.
Không chỉ có Surface Duo, năm nay Microsoft còn ra mắt một thiết bị Surface khác cũng khó hiểu không kém. Nếu như mọi năm Microsoft thường dùng tháng 10 để ra mắt Surface Pro, Book, Laptop hay Studio mới thì năm nay vinh dự này được dành duy nhất cho thế hệ Pro X thứ hai. Khởi điểm ở mức giá 1500 USD, Surface Pro X được trang bị vi xử lý SQ2 mới do Microsoft và Qualcomm phối hợp phát triển.
Vấn đề là ở chỗ với vi xử lý của Qualcomm, Pro X vẫn là một cỗ máy Windows chạy trên chip ARM. Chiếc Pro X của năm ngoái khi ra mắt đã phải nhận rất nhiều chỉ trích về vấn đề tương thích ứng dụng và hiệu năng, và năm nay Microsoft/Qualcomm dù có nỗ lực đến mấy chắc chắn cũng không thể tạo ra hiệu năng ngang ngửa với chip Intel Core 10th Gen hay Ryzen 5000 Series, vốn đều ra mắt gần với ngày vén màn Pro X. Ở mức giá 1500 USD - vốn là giá dành cho những chiếc laptop đắt đỏ nhất, lá bài chủ lực duy nhất của Microsoft sẽ lại là một trải nghiệm hạng ba, hạng tư, thua kém cả những con chip Core M hay Ryzen 3.
Những trải nghiệm hạng hai
Với Pixel 5, Google đã trở thành người bạn "ý tưởng lớn gặp nhau" của Microsoft. Ra mắt với mức giá 700 USD, Pixel 5 chỉ được trang bị chip tầm trung Snapdragon 765G thay vì Snapdragon 865 như hầu hết các mẫu smartphone Android khác trong năm nay. Do hiệu năng của Snapdragon 765G thậm chí còn thua cả Snapdragon 855 của năm 2018, chiếc smartphone cao cấp nhất của Google trong năm nay không còn mang trong mình trải nghiệm hạng nhất, cũng chẳng phải hạng hai, mà là hạng ba, hạng tư.
Thiết bị đại diện cho Android-của-Google sẽ sử dụng con chip Snapdragon 765G, vốn yếu hơn cả Snapdragon 855 của năm ngoái.
Ở cùng một mức giá, Samsung vẫn bán ra Galaxy S20 FE với Snapdragon 865. OnePlus 8T dùng Snapdragon 865 cũng có giá chỉ 750 USD, chênh lệch 50 USD so với Pixel 5. Thế giới Android vốn là thế giới của Google, nhưng với Pixel 5, Google đã thực sự thách thức tình cảm của các tín đồ Android vốn luôn đặt cấu hình lên trên tất cả.
Điều gì đang thực sự xảy ra tại bộ phận phát triển phần cứng của Microsoft và Google? Không chỉ thất bại trong việc ngăn chặn các vấn đề chất lượng, hai ông lớn công nghệ này thậm chí còn đang tạo ra những thiết bị thách thức tình cảm của người hâm mộ. Đến bao giờ tiềm năng của các thiết bị do chính các ông chủ nền tảng mới có thể được phát huy, nếu Microsoft và Google vẫn đang đồng hành ở vị thế là những kẻ làm phần cứng... tệ nhất thế giới như thế này?
Nguồn: Genk.vn
Application Engineer (Microsoft Dynamics 365 and Power Platform)
Địa điểm: Hồ Chí Minh
Lương: Cạnh Tranh
Địa điểm: Hồ Chí Minh
Lương: Cạnh Tranh
Nhân viên Digital Marketing - Google
CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN CÔNG NGHỆ OMMANI
Địa điểm: Hà Nội
Lương: 10 Tr - 15 Tr VND