Chỉ trong 6 tháng qua, Samsung liên tiếp rúng động bởi hai bê bối lớn, bao gồm việc thu hồi chưa từng có với toàn bộ sản phẩm Galaxy Note 7 sau sự cố nổ pin và Phó chủ tịch Jay Y. Lee bị bắt vì cáo buộc đưa hối lộ. Lee còn được biết tới với biệt danh “Thái tử Samsung”, người đang nắm quyền thừa kế và chèo lái hoạt động của tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc.
Cơ hội lớn để cải tổ gã khổng lồ
Các công tố viên buộc tội Lee trả 38 triệu USD cho một cố vấn của Tổng thống Park Geun-Hye nhằm đổi lại những hỗ trợ pháp lý để mua một trong những công ty con của hãng, động thái nhằm củng cố sự kiểm soát của gia đình Lee với tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc.
Đã từ lâu, các gia đình sở hữu những tập đoàn lớn nhất của nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, thường được biết tới với cái tên Chaebol. Tuy nhiên, chưa khi nào Chaebol lại gây nhiều nhức nhối như hiện nay. Việc các gia đình nỗ lực duy trì quyền kiểm soát các tập đoàn lớn gây ra nhiều tệ nạn, trong đó có tham nhũng, đưa và nhận hối lộ. Việc người thừa kế tập đoàn Samsung bị bắt có thể là bước tiến lớn hướng tới việc cải tổ triệt để các Chaebol ở Hàn Quốc.
Đây không phải điều gì đó xấu.
Daniel Gleeson, một nhà phân tích cấp cao tại Ovum, nhận định: “Lúc này, toàn bộ hệ thống đang được giám sát kỹ lưỡng, giúp Samsung nhận được sự tín nhiệm lớn hơn từ các cơ quan quản lý hoặc các nhà đầu tư, những người muốn thúc đẩy một cuộc cải tổ triệt để về cơ cấu của công ty. Đây là thời điểm thích hợp”.
Bê bối liên tiếp, cổ phiếu Samsung vẫn tăng nhanh gần gấp đôi Apple
Một lý do đây là thời điểm thích hợp là vì Samsung đã sẵn sàng thỏa thuận với cổ đông lớn là Quỹ đầu tư Elliott Management, được điều hành bởi tỷ phú Paul Singer – người luôn cho rằng Samsung nên chia thành 2 phần rõ rệt. Theo những lập luận của Elliott, một bên sẽ công ty mẹ theo dạng holding (là mô hình công ty có chức năng nắm giữ cổ phần của các công ty khác chứ không trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, chỉ đóng vai trò là cổ đông lớn tại các công ty con hoặc các công ty nắm sở hữu chứ không chỉ định kinh doanh hay điều phối hoạt động) và do gia đình nhà sáng lập quản lý. Phần còn lại sẽ là công ty phụ trách các hoạt động của tập đoàn, trong đó có hoạt động của Samsung Electronics, đơn vị đứng đằng sau mảng sản xuất và kinh doanh điện thoại Galaxy, chế tạo chip và các thành phần kinh doanh khác.
Theo tuyên bố của Elliott, động thái này sẽ mở khóa những giá trị đáng kể cho các cổ đông. Samsung cũng đã đồng ý xem xét lại chiến lược trong bối cảnh có sự chia rẽ. Gã khổng lồ của Hàn Quốc cũng đang trên lộ trình hướng tới các mối quan hệ đối tác tốt đẹp hơn với các nhà đầu tư. Khoảng một năm trước, công ty đã công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ khá có lợi cho các nhà đầu tư mà trong đó, điều quan trọng là Samsung sẽ hủy bỏ các cổ phiếu đã mua lại.
Theo chuyên gia phân tích cấp cao Richard Windsor của Edison Research, nhiều công ty sau khi mua lại cổ phiếu sẽ tiếp tục phát hành số cổ phiếu đó dưới dạng quyền chọn. Lựa chọn hủy bỏ của Samsung thể hiện cam kết vững chắc của tập đoàn với nhà đầu tư.
Dù vẫn miễn cưỡng trong việc giải quyết tranh cãi với Elliott, Samsung sẵn sàng đối xử với các cổ đông theo cách này chính là một trong những lý do giải thích vì sao cổ phiếu Samsung Electronics đã tăng lên hơn 60% trong năm qua. Nếu so sánh với đối thủ lớn nhất trong lĩnh vực điện thoại di động là Apple, cổ phiếu Samsung có tốc độ tăng trưởng gần gấp đôi khi táo khuyết chỉ tăng 35%.
Trong tháng trước, khi nhà chức trách Hàn Quốc cân nhắc việc bắt giữ Phó chủ tịch Jay Y. Lee, cổ phiếu Samsung vẫn tiếp tục tăng cao. Sau khi tòa thông báo Lee bị bắt hôm 16/2, cổ phiếu Samsung chỉ trượt giá 0,4% trong phiên giao dịch ngày hôm sau. Nó cho thấy sự ảnh hưởng nhẹ của vụ việc tới hoạt động của Samsung.
Giờ đây với cuộc điều tra triệt để nhằm vào bà Park Geun-hye, khả năng có một cuộc cải tổ ở Samsung càng gia tăng mạnh mẽ. Các doanh nghiệp khác nhau của Samsung, từ sản xuất điện thoại tới màn hình OLED hay chip, đủ độc lập để tác động với bộ máy lãnh đạo không gây quá nhiều ảnh hưởng tới hệ thống hay sự cố với đơn vị này không thể kéo theo sự sụt giảm của đơn vị khác.
Đây không phải lần đầu Samsung dính bê bối liên quan tới người đứng đầu. Năm 2008, cha của Jay Y. Lee, ông Kun-hee Lee, đã phải từ chức sau vụ bê bối liên quan tới quỹ đen. Dù đang nắm quyền điều hành tập đoàn nhưng trong trường hợp xấu nhất, Jay Y. Lee phải ngồi tù và không bao giờ trở thành lãnh đạo của Samsung Electronics. Điều gì diễn ra sau đó vẫn còn là dấu hỏi.
Nguồn: Genk.vn