Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh Chinhphu.vn |
Trao đổi về chủ trương xây dựng đô thị thông minh trong chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV chiều ngày 18/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là xu thế của thế giới.
Mục tiêu của đô thị thông minh là nâng cao hiệu quả quản trị công, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; bảo vệ môi trường; xây dựng chính quyền kiến tạo vì dân, sát dân...
Hiện nay trong nước có một số địa phương đã triển khai như TP.HCM, Bình Dương... Thủ tướng hoan nghênh các địa phương đã mạnh dạn xây dựng nhưng đồng thời cũng cảnh báo việc xây dựng đô thị thông minh cần tiến hành một cách bài bản, có hệ thống, phải có công nghệ, nguồn lực về con người..., nếu không sẽ thất bại.
Trong thực tế thời gian qua, định hướng phát triển thành phố thông minh đã được Đảng, Nhà nước đề cập.
Cụ thể, chủ trương cao nhất là tại Nghị quyết 05 ngày 1/11/2016 Hội nghị Trung ương khóa XII, nội dung về “Một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế” đã đề cập đến một nội dung “ưu tiên phát triển một số đô thị thông minh tại Việt Nam”.
Tại Quyết định 1819 ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, đã đặt ra một mục tiêu cụ thể là phát triển tối thiểu 3 đô thị thông minh tại Việt Nam.
Tại văn bản này, Thủ tướng yêu cầu việc xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam phải có sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương tới địa phương, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới và điều kiện của Việt Nam để đảm bảo phát triển bền vững, tránh đầu tư chồng chéo.
Thủ tướng đã giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh và hướng dẫn các địa phương thực hiện, bảo đảm việc đầu tư thiết thực, hiệu quả, phù hợp với khả năng cân đối vốn và điều kiện của từng địa phương, tránh đầu tư theo phong trào, lãng phí, thất thoát.
Hiện nay, một số địa phương trong nước đã có kết quả triển khai bước đầu trong xây dựng đô thị thông minh.
Như Vĩnh Phúc, Bình Dương, Bắc Ninh đã phê duyệt đề án tổng thể, một số địa phương đã thành lập được Ban chỉ đạo, Ban điều hành. Xây dựng đô thị thông minh được gắn với cơ sở triển khai chính phủ điện tử, một số ứng dụng thông minh ngành dọc đã được trển khai như giao thông, môi trường, y tế, giáo dục, an toàn thực phẩm, quản trị chính quyền.
Cùng đó, hiện các nhà mạng viễn thông lớn đã tích cực tham gia ký biên bản ghi nhớ hợp tác với khoảng gần 20 tỉnh, thành phố về xây dựng đô thị thông minh.
Tuy nhiên không ít dự án được đánh giá là triển khai còn manh mún do thiếu kế hoạch tổng thế và sự phối hợp liên ngành, liên vùng, thiếu sự tham gia của người dân, cách thức tổ chức triển khai và mô hình huy động tài chính hiệu quả.
Chính vì thế, phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV chiều ngày 18/11 là lời cảnh báo để các địa phương, doanh nghiệp… cùng nhìn lại thực trạng, từ đó rút kinh nghiệm trong triển khai, tạo đà phát triển đô thị thông minh một cách bền vững.
P.V
Nguồn: Ictnews.vn