Chào bạn,

Đăng nhập xem việc làm phù hợp

Blog IT

Thực tế ảo và những đột phá lớn trong y khoa

Thực tế ảo và những đột phá lớn trong y khoa

Từ trước tới giờ, chúng ta đều sử dụng thực tế ảo như một cách để thỏa mãn những nhu cầu giải trí. Khi đang có một ngày không thể tệ hơn, chẳng phải sẽ thật tuyệt sao, khi bạn đeo chiếc kính VR thực tế ảo và bỗng nhiên được đến một bãi biển đầy nắng, ngồi nhâm nhi một ly cocktail với những cô gái xinh đẹp trong bộ bikini nằm vây quanh.

Thực tế ảo, ngoài việc chắn chắn sẽ thỏa mãn mọi thứ trong trí tưởng tượng của bạn, còn rất có ích trong việc điều trị các bệnh tâm thần cũng như các vấn đề về thể chất. Hãy cùng khám phá những công dụng cụ thể của nó qua bài viết dưới đây.

Giảm đau

Các nhà khoa học tại Đại học Washington đã và đang nghiên cứu về tác dụng giảm đau cho các bệnh nhân ghép da sau bỏng nặng. Và kết quả không làm họ thất vọng. Chương trình thực tế ảo không chỉ giúp các bệnh nhân giảm đau mà còn đóng vai trò như một liều thuốc an thần, giúp họ quên phần nào sự lo sợ khi nghĩ tới tai nạn của mình.

Chương trình có tên là SnowWorld. Trong chương trình này, bệnh nhân sử dụng kính thực tế ảo đến với thiên đường mùa đông, chơi với chim cánh cụt và ném bóng tuyết với người tuyết thân thiện.

Chống lại nỗi sợ

Tất cả chúng ta đều có một danh sách dài dằng dặc những nỗi sợ không rõ lí do: sợ độ cao, sợ phát biểu trước đám đông, sợ gián, sợ bóng tối… Và đôi khi, những nỗi sợ này biến thành những nỗi ám ảnh thực sự, khiến chúng ta chẳng thể làm những việc thông thường như leo cầu thang, gắng sức trong công việc hay thậm chí đi bất cứ đâu khi trời đã xẩm tối.

Thực tế ảo sẽ trở thành một công cụ an toàn giúp bạn vượt qua nỗi sợ của bản thân. SpiderWorld, tên của một chương trình thực tế ảo, đã được nghiên cứu để sử dụng trong điều trị hội chứng sợ nhện. Bệnh nhân sẽ được đưa vào căn phòng ảo có chứa loài nhện lông lá Tarantula, và phải bước đến chỗ con nhện gần nhất có thể. Sau đó, với bộ cảm biến gắn trên tay, bệnh nhân sẽ phải chạm vào con nhện trong căn phòng đó, và để làm gia tăng tính chân thực, các nhà nghiên cứu sẽ cho họ chạm vào một chú nhện nhồi bông thật. Các nhà khoa học thậm chí còn sử dụng nhạc nền “Psycho” để tăng thêm sự rùng rợn trong quá trình nghiên cứu.

Bệnh nhân sẽ phải tiến hành quá trình này nhiều lần cho đến khi bản thân cảm thấy bớt lo sợ hơn.

Rối loạn stress sau sang chấn tâm lý

Rối loạn stress sau một sang chấn tinh thần có thể làm thay đổi hành vi, tính cách của bệnh nhân. Những bệnh nhân này có thể có những biểu hiện như sợ tiếp xúc, luôn luôn trong tình trạng lo âu sợ hãi, hay có phản ứng quá khích với những sự việc thường ngày.

Thực tế ảo đã được sử dụng để xoá bỏ những biểu hiện sau sang chấn và giúp bệnh nhân duy trì cuộc sống của mình. Đằng sau kết quả tuyệt vời của quá trình điều trị, phương pháp này vấp phải không ít khó khăn, đó là khi các nhà nghiên cứu buộc phải tái hiện lại những thảm kịch trong quá khứ, nhằm tìm rõ nguồn gốc sang chấn tinh thần của bệnh nhân.

Với các chương trình thực tế ảo, bệnh nhân vẫn sẽ cảm thấy an toàn khi phải chứng kiến lại tai nạn mà mình đã trải qua. Có vẻ như đây là một phương pháp điều trị kỳ dị, khi nó bắt buộc người bệnh phải trải nghiệm lại những tai nạn thảm khốc nhiều lần. Nhưng thực tế, khi đã làm quen dần, nỗi sợ sẽ giảm dần, bệnh nhân qua đó từ từ học cách đối mặt với ký ức kinh hoàng của mình.

Điều trị tâm thần phân liệt

Một ứng dụng khác của các chương trình thực tế ảo là nghiên cứu và điều trị tâm thần phân liệt. Có thể bạn đang nghĩ rằng, để bệnh nhân tâm thần phân liệt lạc vào thế giới ảo quả là một điều điên rồ. Nhưng hãy nhớ rằng, một trong những lợi thế nổi trội nhất của thực tế ảo là môi trường tiếp xúc an toàn cho cả người sử dụng lẫn những người xung quanh.

Đầu tiên, người ta có thể đánh giá chính xác mức độ tâm thần phân liệt khi sử dụng các chương trình thực tế ảo. Giống như các bệnh lý tâm thần khác, tâm thần phân liệt cần phải được đặt trong bối cảnh chung về hoàn cảnh tâm lý và xã hội của bệnh nhân. Cần phải hiểu rõ hoàn cảnh tại thời điểm xuất hiện và lí do gây khởi phát căn bệnh này tâm thần phân liệt. Nhưng điều này rất nguy hiểm ở chỗ, nó sẽ đặt bệnh nhân tâm thần phân liệt vào môi trường gây lo âu hoặc kích thích các hành động nguy hiểm. Chính vì vậy, các chương trình thực tế ảo đã được đưa vào áp dụng trong nghiên cứu căn bệnh này.

Các nhà nghiên cứu có thể lập một chương trình mô phỏng lại một hoàn cảnh cụ thể và theo dõi triệu chứng và phản ứng của bệnh nhân. Chẳng hạn như nếu bệnh nhân tin rằng nhân vật ảo đang nói về mình, những phản ứng này sẽ giúp bác sĩ lâm sàng đánh giá mức độ hoang tưởng của bệnh nhân.

Các chương trình thực tế ảo cũng có thể giúp ích trong vấn đề điều trị bệnh tâm thần phân liệt. Các bác sĩ có thể mô phỏng cơ thể khi dùng thuốc và khi không dùng thuốc, khiến bệnh nhân nhận thấy sự cần thiết của việc tuân thủ điều trị.

Phục hồi chức năng và giúp tái hòa nhập cộng đồng

Ngoài những ứng dụng trong nghiên cứu và điều trị các bệnh tâm thần, các chương trình thực tế ảo còn được ứng dụng trong quá trình phục hồi chức năng cho bệnh nhân. Chương trình thực tế ảo đã được áp dụng trên các bệnh nhân đột quỵ nhằm tăng khả năng phục hồi vận động ở các vùng chi thể bị liệt.

Trong nghiên cứu này, bệnh nhân phải đeo găng tay phản hồi lực kích thích sự phản kháng của các cơ, rồi sau đó được yêu cầu thực hiện chuyển động tay và ngón tay. Kết quả của nghiên cứu cho thấy, cơ lực có sự cải thiện rõ rệt. Rõ ràng, các chương trình thực tế ảo đã tạo một môi trường phục hồi tuyệt vời nhằm giúp bệnh nhân nhanh chóng hoàn thành liệu trình điều trị và quay về với cuộc sống bình thường một cách sớm nhất có thể.

Tham khảo: Howstuffworks

Nguồn: Genk.vn

Bài viết tương tự

Bài viết nổi bật

Công việc liên quan