Chào bạn,

Đăng nhập xem việc làm phù hợp

Blog IT

Thương mại điện tử Việt Nam - Bài 1: Cuộc cạnh tranh của các nhà bán lẻ nội - ngoại

Thương mại điện tử Việt Nam - Bài 1: Cuộc cạnh tranh của các nhà bán lẻ nội - ngoại

Với quy mô thị trường lớn, số lượng người tiêu dùng trực tuyến tăng nhanh, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm... Theo số liệu của Statista, đến năm 2025, doanh thu bán hàng trực tuyến sẽ chiếm khoảng 1/10 tổng doanh thu bán lẻ của Việt Nam.

 

Thương mại điện tử Việt Nam - Bài 1: Cuộc cạnh tranh của các nhà bán lẻ nội - ngoại
Các sàn TMĐT tại Việt Nam ngày càng có nhiều nhà bán lẻ nước ngoài tham gia. Ảnh minh họa: Internet

 

Bài 1: Cuộc cạnh tranh của các nhà bán lẻ nội - ngoại

Trước sự tăng tốc của TMĐT tại Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài đã không ngần ngại tham gia vào thị phần này. Theo đó, các nhà bán lẻ trong nước không chỉ cạnh tranh lẫn nhau mà giờ đây còn cạnh tranh với cả các nhà bán lẻ ngoại. Nhờ vậy, mặt bằng giá trên các sàn TMĐT ngày càng gần giá sỉ, thậm chí còn rẻ hơn khi mua giá sỉ bên ngoài nhờ các voucher giảm giá vận chuyển, giảm giá các mặt hàng...

“Miếng bánh” hấp dẫn

Theo thống kê của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), số lượng người tiêu dùng trực tuyến của Việt Nam cũng tăng nhanh chóng. Năm 2017 chỉ chiếm khoảng 28% tổng số người tiêu dùng, nhưng đến năm 2020, số lượng người tiêu dùng trực tuyến đã chiếm gần 50%. Ước tính đến năm 2025, với dân số khoảng 100 triệu người, lượng người tiêu dùng trực tuyến của Việt Nam sẽ chiếm hơn 70%.

 

Thương mại điện tử Việt Nam - Bài 1: Cuộc cạnh tranh của các nhà bán lẻ nội - ngoại
Một số sàn TMĐT tại Việt Nam. Ảnh nguồn internet

 

Cũng theo số liệu này, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của Việt Nam đang nhanh chóng bắt nhịp và vượt qua các nước ASEAN khác. Hiện, Việt Nam đang tích cực hoàn thiện và phát triển TMĐT, với mục tiêu trở thành 1 trong 4 quốc gia lớn ở Đông Nam Á vào năm 2025; tiếp tục là một trong những lĩnh vực kinh tế sáng nhất, tăng trưởng nhanh và ổn định nhất. Ước tính năm 2023, TMĐT Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 20 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo đánh giá của VECOM, TMĐT Việt Nam dù phát triển với tốc độ cao nhưng mới chỉ ở giai đoạn đầu. Điều này khẳng định, tiềm năng cho sự phát triển TMĐT còn rất lớn. Đáng chú ý, sàn TMĐT “đi sau, đẻ muộn” chỉ mới hơn 1 năm qua đã dẫn đầu doanh số bán hàng trên các sàn TMĐT tại Việt Nam, đó là Tiktok Shop.

Theo CTCP Khoa học dữ liệu Metric, tổng doanh số của 4 sàn TMĐT hàng đầu cùng với Tiktok Shop lên tới 141.000 tỷ đồng (khoảng 6 tỷ USD). Trong đó, Shopee và Lazada là hai sàn TMĐT lớn nhất, tiếp đến là TikTok Shop - trở thành nền tảng TMĐT bán lẻ lớn thứ 3 tại Việt Nam.

Cụ thể, TikTok Shop đạt doanh thu 16.300 tỉ đồng với 117 triệu sản phẩm bán ra. Trong khi đó, Lazada đạt 15.700 tỉ đồng doanh thu với 117,5 triệu sản phẩm. Shopee ghi nhận tổng giá trị của tất cả các đơn hàng giao thành công đạt 59.000 tỉ đồng sau 6 tháng đầu năm 2023, với 667 triệu sản phẩm được bán ra.

Bên cạnh các nền tảng TMĐT, mô hình bán lẻ trên nền tảng công nghệ dữ liệu B2B, kết nối các nhà bán lẻ truyền thống quy mô nhỏ với các nhà sản xuất hoặc bán buôn trên nền tảng tập trung cũng thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, đem lại giá cả tốt hơn và nhiều sự lựa chọn hơn cho người tiêu dùng.

Điển hình trong đó là nền tảng hỗ trợ nhà bán lẻ quy mô nhỏ của Telio Việt Nam. Năm 2022, doanh số trên nền tảng này lên tới gần 300 triệu USD với tốc độ tăng trưởng 140% so với năm trước và có trên 40.000 khách hàng ở nhiều địa phương. Trong 3 tháng đầu năm 2023, doanh số và khách hàng của Telio tăng trưởng 120% và 25% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, tỷ lệ các doanh nghiệp có website và ứng dụng di động không thay đổi nhiều. Theo phân tích của các chuyên gia, một trong các nguyên nhân có thể là do số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể trong năm 2022 và kéo dài tới hết quý 1/2023 rất cao.

Cạnh tranh nội - ngoại

Theo báo cáo thương mại điện tử (eCommerce) nửa đầu năm 2023 vừa được Metric công bố, doanh thu NMV (Net Merchandised Value/tổng giá trị của tất cả các đơn hàng giao thành công) toàn thị trường đạt khoảng 93.000 tỷ đồng, tăng trưởng tới 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo dựa trên phân tích số liệu của 5 sàn TMĐT gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop. Doanh thu NMV quý 1 và quý 2/2023 lần lượt ghi nhận 43.000 và 50.000 tỷ đồng.

 

Thương mại điện tử Việt Nam - Bài 1: Cuộc cạnh tranh của các nhà bán lẻ nội - ngoại
Doanh thu các sàn TMĐT. Nguồn: Metric

 

Đáng chú ý, triển vọng phát triển rộng lớn của TMĐT Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, trong đó đầu tư nhiều nhất là các công ty, doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Đức, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Singapore. Có thể thấy, mới đây Tiki đã huy động thành công 130 triệu USD từ NorthStar Group, không chỉ thế các công ty như JD.com cũng đã rót vốn vào đó. Trong khi đó, Sendo.vn cũng đã hoàn tất thương vụ trị giá 51 triệu USD với SBI Holding của Nhật Bản.

Chưa kể, các sàn TMĐT nước ngoài cũng đang “bước chân” vào thị trường Việt Nam như Amazon, Alibaba, Shein… với mức giá bán lẻ gần như bán buôn, tiền vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam còn thấp hơn cả vận chuyển trong nước, mức ưu đãi được giảm theo từng bậc thang khiến đơn hàng đã rẻ càng thêm rẻ. Điều này khiến các nhà bán lẻ trong nước phải luôn cạnh tranh gay gắt với các các nhà bán lẻ ngoại để giữ thị phần. Theo đó, mức giá bán trên sàn TMĐT tại Việt Nam hầu như thấp hơn các bán lẻ tại các cửa hàng, siêu thị, chợ truyền thống.

Ngoài ra, Grab và Gojek, hai công ty khởi nghiệp có giá trị nhất của Việt Nam, đang đánh giá các điều khoản của một vụ sáp nhập tiềm năng. Khi việc sáp nhập thành công, nó sẽ có tác động lớn đến ngành TMĐT trên toàn thị trường Việt Nam.

Bên cạnh các vụ mua bán sáp nhập giữa các nền tảng TMĐT, dịch vụ logistics Việt Nam, đặc biệt là ngành vận tải biển quốc tế cũng sẽ phát triển theo. Chính vì vậy, những năm gần đây, các công ty logistics Hàn Quốc như Samsung SDS, Pantos, CJ GLS lần lượt gia nhập thị trường logistics Việt Nam và thu được lợi nhuận khá cao. Một số công ty thương mại điện tử của Việt Nam cũng đã bắt đầu nhận thấy nhu cầu cao của khách hàng về giao hàng nhanh và đang tăng tốc để tham gia vào lĩnh vực logistics TMĐT.

Hơn nữa, việc Chính phủ cam kết thúc đẩy chuyển đổi số nền kinh tế đã tạo đòn bẩy cho TMĐT phát triển, hấp dẫn đầu tư nước ngoài vào các chuỗi công nghiệp liên quan đến TMĐT. Cụ thể, từ ngày 10 - 12/8/2023 tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn sẽ diễn ra “Triển lãm Thương mại điện tử xuyên biên giới lần thứ nhất” tại Việt Nam năm 2023 (CBEE).

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đây không chỉ là triển lãm hàng hóa theo nghĩa truyền thống mà sẽ tích hợp kho hàng ở nước ngoài, vận chuyển logistics, phân phối nền tảng và hợp tác sâu rộng với các nền tảng TMĐT chính thống. Vì vậy, triển lãm chính là bước tiến mới để ngành TMĐT tại Việt Nam phát triển và thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Nếu các nhà bán lẻ nội không thay đổi cách nhìn, phương thức thì sẽ khó cạnh tranh và tồn tại trên các sàn TMĐT.

Bài cuối: Xây dựng cơ sở dữ liệu để phát triển minh bạch

Nguồn: GenK.

Bài viết tương tự