Hiện Google đã kích hoạt con chip này lên thông qua một bản cập nhật phần mềm, và nếu bạn đang sở hữu một chiếc Pixel 2, bạn sẽ thấy chất lượng hình ảnh chụp bởi các ứng dụng bên thứ 3 được nâng cấp đáng kể. Một vài trong số chúng có thể kể đến như Instagram, WhatsApp, Snapchat...và còn nhiều ứng dụng chụp ảnh khác nữa.
Vậy chip đồng xử lý (coprocessor) là gì?
Coprocessor là một con chip phụ thêm, được tích hợp trên một thiết bị nhằm trợ giúp chip chính thực hiện một số chức năng nhất định. Trên Pixel 2 và 2 XL, coprocessor giúp quá trình xử lý ảnh thông minh hơn và trợ giúp machine learning đứng đằng sau công nghệ HDR+ của Pixel 2.
Chiếc Galaxy S9 sắp ra mắt của Samsung cũng được cho là sẽ tích hợp một neural engine - là coprocessor hỗ trợ các tính năng AI - tương tự các neural engine từng xuất hiện trên các thiết bị của Huawei và Apple.
Trên các thiết bị Apple cũng có một con chip coprocessor tên mã M (mới nhất là M11) đảm nhiệm chức năng xử lý dữ liệu thu được từ các cảm biến như gia tốc kế, con quay hồi chuyển và la bàn, giúp giảm bớt gánh nặng cho CPU chính, từ đó giảm điện năng tiêu thụ. Chip coprocessor M thường được sử dụng cho các ứng dụng fitness (thể dục, thể thao) đòi hỏi phải phân tích xem người dùng điện thoại đang thực hiện loại hình thể thao nào ngay cả khi không bật màn hình máy.
Google cho biết coprocessor của mình "được thiết kế từ gốc để mang lại hiệu năng tối đa mà vẫn sử dụng ít năng lượng". Theo đó, chip Visual Core nhanh gấp 5 lần CPU chính của Pixel 2, trong khi chỉ sử dụng khoảng 1/10 năng lượng so với CPU này.
Pixel Visual Core có gì?
Xử lý ảnh bằng phần mềm là một phần cốt lõi đóng vai trò quan trọng mang lại chất lượng hình ảnh tuyệt vời trên Pixel 2, và mới đây, sức mạnh này còn tăng lên gấp bội khi Google kích hoạt chip Pixel Visual Core.
Rõ ràng, Google đã hợp tác cùng Intel để sản xuất Pixel Visual Core, nhưng đây lại chính là con chip di động đầu tiên do Google tự tay mình thiết kế ra.
Điện thoại Pixel nổi tiếng bởi những bức ảnh chụp có chất lượng cực cao, và trái tim của công nghệ chụp ảnh đó chính là Pixel Visual Core - một con chip với 8 lõi đơn vị xử lý hình ảnh (IPU), mỗi lõi có 512 đơn vị số học logic (ARU). Theo Google, Pixel Visual Core có hiệu năng lên đến hơn 3 nghìn tỷ tác vụ mỗi giây.
Google cho biết, "thành tố quan trọng đối với tính hiệu quả của IPU" là mối liên kết chặt chẽ giữa phần cứng và phần mềm, bởi phần mềm do chính họ tự thiết kế có thể kiểm soát "nhiều chi tiết phần cứng hơn" là trên một con chip xử lý thông thường. Kiểm soát mọi thứ thông qua phần mềm có nghĩa là phần cứng có thể được thiết kế đơn giản hơn và do đó tiết kiệm điện hơn.
Giống như mọi con chip di động khác, Pixel Visual Core có một số thiết kế từ ARM, với chip Cortex-A53 mà bạn có thể thấy ở góc trên bên trái của hình trên.
HDR cho phép bạn chụp những bức ảnh cân bằng sáng tối trong những hoàn cảnh mà nếu chụp theo kiểu thông thường, ảnh sẽ bị tối, hoặc không cân bằng sáng tối, tức những vùng sáng thì quá sáng, còn những vùng tối thì tối đen như mực.
Giống như camera chính của Pixel, Pixel Visual Core cũng chạy RAISR, nghĩa là những bức ảnh zoom cận cảnh trông sẽ sắc nét và chi tiết tốt hơn nhờ được xử lý qua machine learning.
Pixel Visual Core còn được thiết kế để giảm thiểu nguy cơ bị đứng hình khi chụp, và theo Google thì do con chip này có thể lập trình được, nên trong thời gian đến, hãng sẽ dần dần thêm vào các tính năng mới cho Pixel Visual Core để hỗ trợ tốt hơn cho việc chụp ảnh của người dùng.
Tham khảo: Pocket-Lint
Nguồn: Genk.vn