Những đồn đoán gần đây khẳng định, thế hệ iPhone tiếp theo sẽ trang bị màn hình OLED với viền cạnh cực nhỏ và loại bỏ nút Home truyền thống. Đó là thiết kế được mọi người chờ đón, đồng thời giúp công ty độc quyền trong việc sửa chữa màn hình.
***TOP việc làm IT hấp dẫn - Lương 30TR VND
Nguyên do bởi vì cảm biến vân tay Touch ID sẽ được tích hợp luôn vào màn hình. Trong khi Apple nắm giữ hệ thống mã hóa Secure Enclave để bảo vệ dữ liệu, bao gồm Touch ID, Apple Pay và các loại mật mã khác.
Với dữ liệu vân tay lưu trữ trên Secure Enclave, không có bất kỳ bên thứ ba nào đủ khả năng thay thế hoặc sửa chữa cảm biến Touch ID. Về cơ bản, hệ thống mới chỉ hoạt động khi kết hợp với bộ mã hóa của Apple.
Thêm một lần nữa, Apple rất biết cách "móc túi" người dùng.
Vậy Táo khuyết sẽ xử lý như thế nào nếu cảm biến trên màn hình iPhone không thể hoạt động? Theo nguồn tin nội bộ, công ty sử dụng một cỗ máy có khả năng hiệu chỉnh lại cảm biến tại các cửa hàng lớn. “Máy hiệu chuẩn là một thiết bị khá lớn, điện thoại đã thay màn hình sẽ được đưa vào đó để xử lý. Nó mất khoảng 10 phút cho mỗi chiếc iPhone. Thiết bị sẽ chạy thử nghiệm trước khi giao lại cho khách hàng”, một cựu nhân viên của Apple trả lời Motherboard cho biết.
Những chiếc máy này có giá khoảng 20.000 đến 60.000 USD. Táo khuyết giấu nhẹm thông tin, thậm chí rất khó để chụp một bức ảnh về chúng. “Lúc nào cũng có người theo dõi và camera được lắp ở khắp nơi chỉ trừ phòng tắm. Apple cẩn thận tới mức không muốn chúng tôi mặc áo công ty ra ngoài”, một nhân viên đang làm việc cho Táo khuyết tiết lộ.
Một số tiểu bang của Mỹ hiện đã thông qua dự luật về “Quyền sửa chữa” yêu cầu các nhà sản xuất như Apple cung cấp cho bên thứ ba và người dùng những công cụ cần thiết để khắc phục lỗi trên thiết bị. Tuy nhiên, với “chiêu bài” mới, Táo khuyết có thể “lách luật” để tiếp tục độc quyền trong việc sửa chữa iPhone. Người dùng nếu không muốn mất thêm tiền hãy cố gắng giữ gìn thiết bị của mình, đặc biệt là màn hình.
Nguồn: Genk.vn