Sáng nay ngày 6 tháng Bảy năm 2020, nhân dịp Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức triển lãm các Nền tảng số Make in Vietnam. Đây cũng là dịp cho thấy những thành quả của quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Hành trình chuyển đổi số của Việt Nam đã trải qua nửa năm đầu 2020 đầy sóng gió trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành. Tuy vậy, các biện pháp nhằm ngăn ngừa đại dịch này cũng mang lại cơ hội to lớn để thúc đẩy nỗ lực chuyển đổi số trên toàn quốc. Do vậy, buổi triển lãm này cũng là dịp cho các hãng công nghệ trong nước trình diễn các thành tựu công nghệ số đã được phát triển trong thời gian qua.
Tham gia vào buổi triển lãm này là hàng loạt giải pháp công nghệ số mới phù hợp với nhu cầu mùa dịch như các nền tảng giáo dục trực tuyến của Viettel Study và VNPT, các nền tảng về khám chữa bệnh từ xa TeleHealth của Viettel hay tư vấn sức khỏe từ xa của Bacsi24 của VOV, cũng như chatbot nCov của Zalo.
Cùng với đó là các nền tảng về họp trực tuyến của CoMeet và ZaVi. Tất cả các giải pháp này đều nỗ lực đáp ứng nhu cầu về họp từ xa trong nước, không chỉ vào giai đoạn mùa dịch mà còn cả trong tương lai.
Bên cạnh đó, còn có giải pháp nền tảng xử lý giọng nói tiếng Việt dựa trên trí tuệ nhân tạo của VAIS. Ngoài ra không thể không kể đến sự góp mặt của các nhà cung cấp giải pháp điện toán đám mây trong nước, những nền tảng quan trọng cho các giải pháp công nghệ hữu ích bên trên.
Trong đó, đơn vị cung cấp dịch vụ đám mây BizFly của công ty VCCorp tham gia triển lãm với tư cách là một trong bốn đơn vị Điện toán Đám mây hàng đầu của Việt Nam hiện nay. Bên cạnh các giải pháp quen thuộc như Cloud Server, CDN hay Business Email tốc độ cao, giải pháp đám mây của BizFly cũng hỗ trợ Kubernetes, một nền tảng quan trọng giúp các nhà phát triển tăng tốc triển khai ứng dụng của mình.
Không những vậy, các công nghệ khác được tích hợp trong BizFly như IMS và Anti-DDoS không chỉ giúp các nội dung số nhanh chóng đưa nội dung của mình lên website mà còn bảo vệ website của họ an toàn trước các cuộc tấn công DDoS hung hãn trên môi trường internet.
Một điểm nhấn khác của triển lãm hôm nay là sự xuất hiện của các bộ thu phát sóng 5G đến từ Viettel và Vsmart. Đây là một thành tích đáng nể khi nó là dấu hiệu cho thấy, Việt Nam có thể làm chủ công nghệ mạng không dây thế hệ mới nhất hiện nay.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tham quan gian hàng trải nghiệm công nghệ 5G của Việt Nam
Các thiết bị 5G của nhà mạng Viettel và Vsmart.
Không chỉ vậy, buổi triển lãm còn có sự xuất hiện của một smartphone 5G mang thương hiệu Vsmart (được biết với tên Vsmart Arix). Các thử nghiệm tại buổi triển lãm cho thấy tốc độ 5G của mạng Viettel trên chiếc Vsmart mới đạt tốc độ download lên đến hơn 400Mbps, nhanh gấp gần 10 lần so với tốc độ 4G tại cùng địa điểm.
Nguồn: Genk.vn