Giới thiệu tổng quan
Tác giả cuốn sách là Uncle Bob, một cây đa cây đề trong làng Software Engineering. Ông từng viết một cuốn sách rất hay mang tên Clean Code (Mình từng review ở đây).
Cuốn sách mang tên The Clean Coder, đọc cũng giông giống Clean Code. Tuy nhiên, có một điều thú vị là nội dung hai cuốn sách lại… hoàn toàn trái ngược nhau!
Trong khi Clean Code tập trung vào khía cạnh kĩ thuật: hướng dẫn lập trình viên cách tổ chức code và viết code sạch (như mục chuyện coding của blog mình); The Clean Coder lại tập trung vào khía cạnh nghề nghiệp: thái độ với công việc, cách làm việc nhóm, quản lý thời gian (tương tự mục chuyện nghề nghiệp của blog).
Trong The Clean Coder, Uncle Bob nói về nhiều khía cạnh: đạo đức nghề lập trình, ứng phó với áp lực công việc, rèn luyện làm mới kĩ năng, làm việc nhóm… Mỗi khía cạnh đều đi kèm với những trải nghiệm quí giá của chính tác giả qua hơn 42 năm tuổi nghề với đủ mọi vị trí từ dev, manager, PM cho tới CEO.
Giới thiệu vậy là đủ rồi! Nếu muốn tìm hiểu thêm, các bạn tự tìm sách mà đọc nhé.
Những bài học rút ra
Sách gồm 14 chương, mỗi chương lại có nhiều bài học khác nhau. Mình chỉ tóm tắt những bài học mình thấy hay và chí lí rút ra từ sách.
- Là một developer “có tâm”, bạn phải có trách nhiệm. Trách nhiệm ở đây không chỉ là với code mình viết ra, mà còn là trách nhiệm với những thoả thuận với khách hàng.
- Do vậy, cần biết nói KHÔNG trước những yêu cầu hay deadline vô lý của cấp trên hoặc khách hàng. Hãy sử dụng khả năng của mình để đưa ra cách giải quyết hợp lý cho cả hai bên.
- Có trách nhiệm với lời hứa của mình, một khi đã hứa thì phải hoàn thành công việc đúng hạn. Đây là vấn đề liên quan đến danh tiếng và thương hiệu của bạn.
- Đừng quá tập trung vào technical, mà hãy quan tâm đến sản phẩm và giá trị mà nó tạo ra, tầm quan trọng của nó trong công ty.
- Ăn ngủ điều độ, giữ cho bản thân khoẻ mạnh để code có chất lượng. Hạn chế OT vì OT nhiều sẽ ảnh hưởng sức khoẻ, làm giảm năng suất và chất lượng code.
- Thường xuyên sử dụng Coding Dojo để mài dũa khả năng code, khả năng tư duy. Tìm học nhiều ngôn ngữ, công nghệ để có cái nhìn thoáng và rộng mở hơn.
- Phân bố thời gian làm việc hợp lý, hạn chế chat chit và … meeting. Có thể sử dụng phương pháp Pomodoro để hạn chế xao nhãng (Cái này khá hay, mình cũng đang dùng).
- Bình tĩnh, giữ vững bản thân khi đối mặt với deadline, áp lực. Áp lực càng lớn, ta càng phải tuân thủ qui tắc, code đúng chứ đừng vì … vội quá mà làm ẩu.
- Lập trình là một con đường dài. Ở giai đoạn đầu, ta cần học hỏi từ người khác. Khi đã có trình độ và kiến thức, chính chúng ta phải dùng kiến thức của mình để giúp đỡ, dạy dỗ những người mới hơn.
Tất nhiên, những dòng này không thể truyền tải hết được những điều tác giả muốn nói. Do vậy, mình khuyên các bạn nên trực tiếp đọc cuốn sách. Biết đâu bản thân các bạn sẽ rút ra được nhiều điều “hay ho” không kém cho bản thân mình thì sao!
Nhận xét
Sách hầu như không có code, chỉ có kể chuyện và chia sẻ, do đó khá dễ đọc. Mình vừa đọc vừa nghiền ngẫm cuốn sách mất khoảng 3-4 ngày.
Giọng văn trong sách không màu mè hoa mĩ, mà đơn giản thấm thía như những lời răn dạy của một ông bác già trải bao cay đắng cuộc đời. Mình ấn tượng nhất với một câu chuyện khi Uncle Bob còn trẻ.
Khi đó, ông chỉ lo tập trung vào technical mà… quên mất team và công ty. Sáng thứ 2 team có demo với khách hàng nhưng ông không thèm quan tâm. Ông “lỡ” submit code vào chiều thứ 6 làm hệ thống không build được. Sáng thứ 2, ông lại “vô ý” đến muộn. Kết thúc câu chuyện ra sao hẳn các bạn cũng đoán được đôi phần!
Mặt khác, đôi chỗ mình thấy đôi lúc tác giả có phần hơi “cực đoan” khi chê việc OT là “không chuyên nghiệp”, đồng thời chỉ trích các hành động “anh hùng”, “thức đêm”, “gánh team” của dev.
Theo tác giả, code cần sự chuyên nghiệp. Với coder chuyên nghiệp, tất cả là công việc, nhiệm vụ của coder là hoàn thành đúng chức trách. Trong công việc, không có chỗ cho những sự “anh hùng”, những màn “bốc đồng”.
Đánh giá: 8.8/10
Kết luận
Nếu bạn là sinh viên mới ra trường, mình khuyên bạn nên đọc cuốn này cùng với cuốn Clean Code. Không hiểu hết cũng không sao! Sau 1,2 năm đi làm, có chút kinh nghiệm, hãy đọc lại hai cuốn này. Chúng sẽ giúp bạn có một mindset và định hướng khá tốt trên bước đường lập trình sau này.
Tóm lại, The Clean Coder là một cuốn sách vô cùng đáng đọc. Dù bạn có là sinh viên mới ra trường hay đã đi làm một, hai năm; dù bạn có là dev quèn hay là team leader hay project manager, những kiến thức trong sách đều vô cùng hữu ích với bạn.
Nếu đã đọc sách, hãy chia sẻ những cảm nhận của mình trong phần comment nhé!
Techtalk via toidicodedao