Cuối tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ chính thức thông báo các hạn chế xuất khẩu công nghệ đối với nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc, SMIC (Semiconductor Manufacturing International Corporation). Đây không chỉ là đòn đánh nặng nề giáng xuống hy vọng tìm mua chip nội địa của Huawei mà còn nhắm thẳng vào nỗ lực của Trung Quốc trong việc tự chủ ngành công nghiệp chip.
Thông báo của Bộ Thương mại Mỹ cho biết, lệnh hạn chế xuất khẩu giáng vào SMIC này đến từ một báo cáo cho thấy các sản phẩm chip của công ty này có thể được sử dụng trong quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên trong tuyên bố của mình, SMIC phủ nhận việc bất kỳ mối liên hệ nào với quân đội Trung Quốc.
Nạn nhân lớn nhất của lệnh cấm giáng vào SMIC: khả năng tự chủ chip của Trung Quốc
Thế nhưng theo các nhà phân tích, lệnh hạn chế xuất khẩu này sẽ là đòn giáng mạnh vào nỗ lực phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nội địa của Trung Quốc.
Theo Arisa Liu, nhà phân tích công nghiệp tại Viện Nghiên cứu Taiwan Institute of Economic Research, cho biết: "Việc đưa SMIC vào danh sách đen của Mỹ sẽ là một đòn đánh nặng nề giáng vào kế hoạch phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nội địa của Trung Quốc. Rõ ràng Mỹ đang thực hiện chiến lược ngăn chặn các công ty chủ chốt để buộc phải đóng cửa các tiến trình sản xuất tiên tiến."
Stewart Randall, trưởng bộ phận Điện tử và phần mềm nhúng của hãng tư vấn Intralink, cho biết: "Nó hạn chế bất kỳ kế hoạch mở rộng năng lực nào trong trung và ngắn hạn. Mất sự hỗ trợ đối với những thiết bị hiện tại nghĩa là họ sẽ phải làm việc với những gì đã có, điều này có thể là một vấn đề khi chúng bắt đầu hư hỏng."
Từ nhiều năm nay, Trung Quốc đã nỗ lực phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nội địa của mình, với mục tiêu giảm bớt sự lệ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài. Thời gian gần đây, khi Huawei trở thành mục tiêu cho các biện pháp trừng phạt từ chính phủ Mỹ, nỗ lực này lại càng được đẩy mạnh hơn nữa.
Vào giữa tháng 5 vừa qua, sau khi Mỹ thay đổi chính sách xuất khẩu của mình nhằm cắt hoàn toàn nguồn cung ứng và sản xuất chip cho Huawei từ nước ngoài, hàng loạt quỹ đầu tư do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn đã rót thêm khoảng 2,2 tỷ USD vào SMIC để mở rộng khả năng sản xuất chip của hãng này.
Được sáng lập vào năm 2000 bởi Richard Chang, người từng nhiều năm làm việc cho các hãng chip nổi tiếng như Texas Instruments và TSMC, hiện SMIC đang là lá cờ đầu về tiến trình sản xuất chip tại Trung Quốc. SMIC là hãng sản xuất chip duy nhất của Trung Quốc đạt đến tiến trình chip 14nm, cũng như đang nghiên cứu các tiến trình nhỏ hơn nhằm thu hẹp hơn nữa khoảng cách với các nhà sản xuất chip khác trên thế giới.
Trong tháng Bảy vừa qua, SMIC thông báo kế hoạch xây dựng một nhà máy đúc chip mới tại Bắc Kinh trị giá 7,6 tỷ USD, tập trung vào tiến trình 28nm và các tiến trình công nghệ cao cấp hơn. Mục tiêu của nhà máy này là sản xuất khoảng 100.000 tấm wafer kích thước 12 inch mỗi tháng.
Thế nhưng đúng vào lúc này, lệnh hạn chế xuất khẩu của chính phủ Mỹ lại giáng xuống đầu SMIC. Đây sẽ là trở lực lớn nhất đối với việc xây dựng nhà máy mới cũng như các kế hoạch mở rộng sản xuất khác của SMIC.
Eric Tseng, CEO hãng nghiên cứu ngành bán dẫn Isaiah Capital & Research cho biết: "Kế hoạch mở rộng sản xuất tiến trình 28nm của SMIC có thể sẽ bị chậm lại, và điều tương tự cũng sẽ xảy đến với tiến trình 10nm của họ khi chuẩn bị sản xuất hàng loạt vào năm 2021."
Hiện Trung Quốc đang là thị trường nhập khẩu bán dẫn khổng lồ với giá trị nhập khẩu lên đến 44 tỷ USD vào năm ngoái và con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong tương lai. Chừng nào nỗ lực tự sản xuất chip của Trung Quốc - với SMIC đang là người đi đầu - còn bị kìm hãm, chừng đó Trung Quốc còn phải phụ thuộc vào các nguồn chip nước ngoài như hiện nay.
Nguồn: Genk.vn
Chuyên viên kinh doanh B2B - Tiếng Trung Quốc
Công Ty TNHH Korea Rental Vina
Địa điểm: Hà Nội
Lương: 20 Tr - 25 Tr VND