Từ nay các ứng dụng truyền thông giải trí có thể chia sẻ đường link tới website riêng của họ để người dùng có thể thanh toán trên đó mà không cần thông qua hệ thống thanh toán trên App Store của Apple.
Apple cho biết, họ sẽ cho phép các ứng dụng giải trí truyền thông được tạo các đường link trong ứng dụng để dẫn tới trang đăng ký trên website của công ty. Điều này sẽ giúp các ứng dụng như Spotify, Netflix thu phí thuê bao của khách hàng dễ dàng hơn mà không phải trả tiền hoa hồng cho Apple.
Vài ngày trước, Apple đã cho phép các nhà phát triển ứng dụng thông báo cho khách hàng về các phương tiện thanh toán khác ngoài hệ thống của App Store, nhưng không được thông báo ngay trong ứng dụng. Nhưng giờ đây với thay đổi mới này, các ứng dụng cung cấp nội dung thuê bao hàng tháng còn có thể cung cấp đường link để người dùng đăng ký trên website của họ, thay vì qua hệ thống của Apple.
Từ nhiều năm nay, Spotify và các công ty công nghệ khác đã cho rằng các giới hạn của Apple về phương thức thanh toán qua App Store là không công bằng và phi cạnh tranh. Trước đó, nhà sản xuất iPhone thậm chí còn cấm Spotify và các ứng dụng khác được báo cho người dùng về các lựa chọn thanh toán khác bên ngoài App Store.
Apple cho biết các thay đổi này được đưa ra để kết thúc một cuộc điều tra từ Ủy ban Thương mại Công bằng Nhật Bản nhưng sẽ được áp dụng trên toàn cầu cho các ứng dụng chỉ dùng để đọc – hay các ứng dụng giải trí truyền thông như Spotify và Netflix.
Các thay đổi mới này sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng đầu năm tới khi ngày càng nhiều chính phủ đặt nghi vấn về quyền lực của công ty khi họ kiểm soát khả năng thanh toán đối với các nhà phát triển ứng dụng bên thứ ba thông qua các thiết bị iPhone và iPad.
Mới chỉ vài ngày trước Hàn Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thông qua dự luật cấm các công ty như Apple và Google giới hạn các phương tiện thanh toán cho các nhà phát triển ứng dụng bên thứ ba trên nền tảng di động.
Dù các quy định về thanh toán của Apple đã được áp dụng từ lâu nhưng chỉ đến khi vụ kiện chống độc quyền giữa Epic Games và Apple được khởi động từ năm 2019, các cơ quan quản lý mới bắt đầu chú ý hơn đến các quy tắc này cũng như mức hoa hồng 30% dành cho Apple và Google.
Cho dù các thay đổi mới này không áp dụng cho vụ kiện giữa Epic và Apple, chúng thể hiện sự nhượng bộ của Apple đối với các quy tắc được họ áp dụng một cách triệt để từ nhiều năm nay trên App Store.
Đáng chú ý là những thay đổi mới này chỉ dành cho các ứng dụng chỉ cung cấp dịch vụ trả phí thuê bao hàng tháng cho các nội dung như tạp chí, báo chí, sách, nhạc, phim. Theo lý giải của Apple, "bởi vì các nhà phát triển những ứng dụng này không cung cấp việc mua bán sản phẩm kỹ thuật số trong ứng dụng, nên Apple đồng ý với JFTC về việc cho phép các nhà phát triển ứng dụng này được chia sẻ các đường dẫn tới website của họ để người dùng dễ dàng thiết lập và quản lý tài khoản của mình."
Chính vì vậy, trên thực tế, các ứng dụng này cũng không mang lại nhiều doanh thu cho Apple bằng các ứng dụng game như Fortnite. Đối với các ứng dụng game, người chơi thường chi nhiều tiền hơn cho việc mua các vật phẩm ảo, qua đó giúp Apple có được nguồn thu lớn hơn nhiều thông qua khoản hoa hồng 30%.
Ngay cả đối với các ứng dụng như Spotify hay Netflix, việc bán trực tiếp gói thuê bao cho người dùng cũng không giúp họ thoát khỏi việc trả phí hoa hồng cho Apple. Hiện tại Netflix vẫn chưa đưa ra bình luận của mình, còn Spotify cho biết, họ sẽ đánh giá lại các thay đổi này nhưng nhấn mạnh rằng các thay đổi như vậy sẽ không giải quyết hết các tranh chấp giữa họ với Apple.
Genk
Kỹ sư Công nghệ thông tin (làm việc tại Nhật Bản)
Công ty TNHH Knowledge Edge (Việt Nam)
Địa điểm: Hồ Chí Minh
Lương: 1,500 - 1,800 USD