Trong 3 năm, mức thu phí trước bạ cho ô tô điện là 0%.
Ngày 15/1, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký ban hành Nghị định 10/2022/NĐ-CP quy định về lệ phí trước bạ đối với nhiều loại hàng hóa, trong đó có ô tô điện.
Cụ thể, Nghị định 10 quy định ô tô điện chạy pin sẽ nộp phí trước bạ lần đầu với mức thu là 0% kể từ ngày 1/3/2022, trong vòng 3 năm. Trong 2 năm tiếp theo, mức thu bằng 50% so với ô tô chạy xăng, dầu có cùng chỗ ngồi.
Đây được xem là động thái từ Chính phủ nhằm khuyến khích phát triển, sử dụng các dòng ô tô chạy điện, thân thiện với môi trường đúng vào thời điểm thị trường ô tô chạy điện bắt đầu hình thành tại Việt Nam.
Tháng 12/2021, VinFast chính thức bàn giao những chiếc xe điện VF e34 đầu tiên đến tay khách hàng. Theo số liệu từ hãng này, trong các tháng 12/2021 và tháng 1/2022, hãng đã bàn giao tổng cộng 125 chiếc VF e34.
Một model xe điện khác là Porsche Taycan cũng được bán chính thức tại Việt Nam. Tuy nhiên, với mức giá thấp nhất từ 5,72 tỷ đồng, đây không phải mẫu xe phổ thông cho phần lớn người dùng.
Tuy nhiên trong năm nay, một số hãng sản xuất đều đã lên kế hoạch đưa những chiếc ô tô điện của mình về Việt Nam, chẳng hạn Kia EV6 vào quý II hay Mercedes-Benz EQS. Một số hãng sản xuất Trung Quốc cũng rục rịch đưa xe điện về Việt Nam.
Với việc được giảm 100% phí trước bạ, người mua sẽ không được giảm trực tiếp vào giá xe nhưng tiết kiệm được một khoản không nhỏ cho chi phí lăn bánh của xe. Chẳng hạn với mẫu VF e34 có giá niêm yết 690 triệu đồng, số tiền người dùng mua xe ở Hà Nội tiết kiệm được sẽ là 82,8 triệu đồng (12%), tại một số địa phương khác là 69 triệu đồng (10%).
Với mẫu xe đắt tiền như Porsche Taycan, số tiền tiết kiệm được sẽ còn lớn hơn nữa, lên đến gần 700 triệu đồng cho model cấu hình thấp nhất. Với phiên bản cao cấp nhất có giá 9,55 tỷ đồng, số tiền tiết kiệm được của người dùng lên đến hơn 1 tỷ đồng.
So với các thị trường quốc tế, việc hỗ trợ phí trước bạ cho ô tô điện tại Việt Nam hiện chỉ được xem là hình thức hỗ trợ ban đầu. Nhiều thị trường đang áp dụng hàng loạt biện pháp hỗ trợ khác nhau để đẩy nhanh tốc độ phổ cập xe điện, chẳng hạn trợ giá trực tiếp cho người đi xe điện, ưu tiên chỗ đỗ xe, cho phép chạy vào làn đường ưu tiên, đặc biệt là các hỗ trợ dành cho phát triển cơ sở hạ tầng như trạm sạc cũng như các ưu đãi dành cho nhà sản xuất để giảm chi phí ban đầu.
Mỹ và nhiều thị trường châu Âu đều đã đặt ra các mục tiêu cụ thể về tỷ lệ phủ cập xe điện cho đến các năm 2025 hoặc 2030.
GenK