Đây là tuyên bố mới nhất của CEO Huawei khi nói về chất lượng sản phẩm của hãng này.
Giám đốc điều hành của Huawei, Richard Yu, gần đây đã tiết lộ tại Diễn đàn EV100 Trung Quốc rằng tỷ lệ hỏng hóc của Huawei chỉ bằng một phần nhỏ so với Apple, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với hệ thống quản lý chất lượng của công ty.
Khi ông Richard Yu mới tiếp quản công việc kinh doanh, tỷ lệ hỏng hóc của Huawei cao hơn nhiều so với Apple, nhưng tình hình giờ đã đảo ngược. Việc Huawei liên tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, chiếm tới 25.1% doanh thu hàng năm của họ vào năm 2022, đã cho phép công ty tạo ra điện thoại thông minh chất lượng cao và mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người tiêu dùng. CEO Huawei nhấn mạnh rằng chất lượng là ưu tiên cao nhất, trên chi phí và lợi nhuận.
Ngược lại, thời gian gần đây, người dùng iPhone thường xuyên phàn nàn về các lỗi trong quá trình sử dụng, đặc biệt là liên quan đến iOS. Bản cập nhật iOS 16 mới nhất của Apple được đánh giá là mang đến khá nhiều vấn đề cho người dùng, gây giảm sút hiệu năng và thời lượng pin. Ngoài ra, một số dòng máy như iPhone 13 Pro và iPhone 13 Pro Max còn gặp phải lỗi màn hình khiến nhiều người dùng "điêu đứng" với chi phí sửa chữa cao.
Huawei thường xuyên so sánh sản phẩm của mình với iPhone
Dù vậy, tỷ lệ hỏng hóc thấp hơn iPhone không giúp tạo lợi thế cho Huawei trên thị trường smartphone. Do lệnh cấm của Chính phủ Mỹ, các sản phẩm mới nhất của Huawei không hỗ trợ mạng 5G, mặc cho việc Huawei là một trong tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực viễn thông. Hai mẫu Mate X3 và P60 mới nhất của Huawei được trang bị chip Snapdragon 8+ Gen 1, nhưng bị lược bỏ modem 5G và chỉ có thể hoạt động trên hạ tầng mạng 4G. Ngoài ra, Huawei cũng không thể tích hợp dịch vụ Google, khiến những smartphone của hãng này kém hấp dẫn trên thị trường ngoài Trung Quốc.
Điều này thể hiện trực tiếp qua kết quả kinh doanh của hãng. Trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh ngày 31/03/2023 vừa qua, Huawei cho biết lợi nhuận của tập đoàn này giảm đến gần 70%, chỉ còn 35.6 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 5.2 tỷ USD). Mặc dù vậy, Huawei nói họ "vẫn ổn" và đã vượt qua thời kỳ khủng hoảng.
Thực tế, Huawei sẽ tiếp tục đầu tư vào R&D trong thời gian tới với mục tiêu làm chủ toàn bộ các công nghệ và linh kiện mà hãng từng phải "vay mượn" của Mỹ. Số tiền mà Huawei dành ra cho hoạt động R&D lên đến con số kỷ lục là 23.23 tỷ USD, chiếm 25.1% tổng doanh thu cả năm 2022, và cũng là mức đầu tư lớn nhất cho R&D trong lịch sử của Huawei. Theo báo cáo tài chính của công ty, tính đến cuối năm 2022, số bằng sáng chế của Huawei đã lên đến hơn 120.000, thuộc nhóm các công ty sở hữu lượng bằng sáng chế lớn nhất thế giới.
Genk.