Dưới đây là 6 kiểu camera kép đã từng xuất hiện hoặc đang thịnh hành trên thị trường smartphone hiện nay.
LG Optimus 3D và HTC Evo 3D: camera kép thu hình ảnh 3D
Vào năm 2011, 3D là công nghệ hứa hẹn. Các nhà sản xuất TV trên thế giới đều ra mắt nhiều TV 3D và các phim 3D cũng được chú trọng. Khi đó, 3D được coi là công nghệ tương lai. Ở thị trường smartphone, LG đã ra mắt điện thoại 3D đầu tiên là mẫu Optimus 3D vào tháng 2/2011, sau đó đến lượt HTC tung ra chiếc Evo 3D vào tháng 3/2011.
***Ứng tuyển vị trí Project Manager - Lương lên đến 30.000.000 VND
Cả hai điện thoại này đều có camera kép được dùng để quay phim và chụp ảnh 3D. Cơ chế hoạt động tương tự các máy ảnh 3D thông thường, cần có hai ống kính để tạo ra độ sâu hình ảnh. Các hình ảnh thu được từ camera kép có thể xem trên màn hình 3D của điện thoại mà không cần tới kính. Tuy vậy, mô hình camera kép này đã sớm chết yểu cùng với sự đi xuống của công nghệ 3D.
HTC One M8: camera kép để xử lý sau khi chụp
Chiếc HTC One M8 ra mắt vào tháng 4/2014 là smartphone thực sự đầu tiên sử hữu camera kép, một nỗ lực của HTC để tạo sự khác biệt trên thị trường.
One M8 gồm 2 camera: một chiếc camera chính có độ phân giải 4MP, là loại camera UltraPixel và một camera phụ 2MP. Chiếc camera phụ có nhiệm vụ thu thập dữ liệu hình ảnh để hỗ trợ lấy nét và xử lý hậu kỳ. Cụ thể, camera kép của điện thoại này cho phép người tạo ra hiệu ứng bokeh hoặc làm mờ hậu ảnh cho các ảnh chụp. Bạn cũng có thể chụp trước và chạm vào bất kỳ vị trí nào trên ảnh để lấy nét sau khi chụp.
Camera kép trên One M8 là ý tưởng thông minh, thú vị nhưng bản thân chất lượng camera của điện thoại này chưa gây được ấn tượng mạnh. Các hiệu ứng xử lý ảnh không thật sự hiệu quả trong nhiều tình huống.
LG G5: camera kép hỗ trợ chụp góc rộng
Vào năm 2016, LG tiếp tục gây bất ngờ khi ra mắt chiếc LG G5 với thiết kế module và camera kép. Camera kép của LG G5 gồm một chiếc camera chính 16Mp và một camera phụ 8MP.
Thay vì kết hợp thông tin hình ảnh từ hai camera để hỗ trợ xử lý hậu kỳ, camera kép của LG lại hoạt động hoàn toàn tách biệt. Chiếc camera 16MP dùng để chụp ảnh thông thường, còn camera phụ để chụp ảnh góc rộng.
Với ống kính góc rộng tới 135 độ, chiếc camera phụ 8MP của LG G5 có thể chụp các tấm ảnh phong cảnh ấn tượng. Bạn có thể chuyển đổi giữa hai camera chỉ với nút chạm trên ứng dụng. Chiếc camera phụ tỏ ra hữu dụng với chụp ảnh ở bối cảnh chật hẹp hoặc ảnh phong ảnh. Các ảnh chụp ra từ camera này có một chút hiệu ứng mắt cá.
Sau LG G5, LG tiếp tục trang bị mô hình camera kép được nâng cấp trên các sản phẩm khác như LG V20 và mới đây là LG G6.
Huawei P9: camera kép để chụp ảnh đen trắng
Sau khi LG gây dấu ấn với chiếc G5, Huawei cũng ra mắt chiếc P9 có camera kép hợp tác với Leica vào tháng 4/2016. Mô hình camera kép của Huawei không phải để thu độ sâu hình ảnh như HTC hay chụp góc rộng như LG mà gồm một chiếc camera màu thông thường và một chiếc camera đen trắng. Cả hai camera cùng có độ phân giải 12MP.
Chiếc camera đen trắng có hai nhiệm vụ: một là chụp ảnh đen trắng với chất lượng tốt và hai là hỗ trợ thu thập độ chi tiết để hỗ trợ cho camera màu thông thường. Mô hình camera kép của Huawei P9 được đánh giá cao và là một điểm giúp điện thoại này tiến gần đến hoặc thậm chí sánh ngang với chất lượng hình ảnh của các smartphone đầu bảng trên thị trường như Galaxy S7, HTC 10 hay iPhone 7 Plus.
Sau thành công từ P9, Huawei tiếp tục đưa mô hình camera kép này lên các sản phẩm đầu bảng của năm nay là P10 và P10 Plus nhưng được cải thiện hơn. Trên P10 và P10 Plus, chiếc camera đen trắng được nâng độ phân giải lên 20MP còn camera màu thông thường vẫn là 12MP.
Apple iPhone 7 Plus: camera kép vừa zoom vừa tạo ảnh xoá phông
Chiếc iPhone 7 Plus có hai camera ở phía sau và là chiếc iPhone đầu tiên được trang bị camera kép. Cả hai đều có độ phân giải 12MP, hỗ trợ chống rung quang học nhưng chúng lại có tiêu cự khác nhau. Camera thông thường (khẩu f/1.8 và tiêu cự 23mm) vẫn chụp hình góc rộng, còn chiếc camera thứ hai (khẩu f/2.8 và tiêu cự 56mm) có tiêu cự phù hợp để chụp chân dung. Đặc biệt, camera kép của iPhone 7 Plus cũng có thể chụp chân dung xóa phông (làm mờ hậu cảnh).
Có thể nói, chiếc camera thứ hai của iPhone 7 Plus đi theo hướng ngược hẳn với camera kép LG G5. Ý tưởng của Apple cho phép người dùng zoom để chụp xa hơn mà vẫn duy trì được chất lượng hình ảnh tốt. Với camera điện thoại thông thường, nếu bạn zoom số ở khoảng cách tương tự như ống kính 56mm của iPhone 7 Plus thì chất lượng ảnh sẽ bị suy giảm đáng kể.
Bên cạnh việc zoom xa, Apple cũng áp dụng chiến thuật tương tự HTC là sử dụng camera kép để tạo ra bức ảnh chân dung xoá phông. Apple sử dụng thông tin hình ảnh từ cả hai camera phía sau của iPhone 7 Plus để tạo ra bản đồ độ sâu hình ảnh, sau đó sử dụng thuật toán để đối tượng chụp sắc nét còn hậu cảnh mờ đi.
Camera kép ở phía trước
Vào năm 2015, Lenovo đã giới thiệu Vibe S1, điện thoại đầu tiên có camera kép ở phía trước. Vibe S1 có một camera chính 8MP và một camera phụ 2MP để hỗ trợ chụp ảnh xoá phông. Vivo là hãng thứ hai ra mắt điện thoại camera kép phía trước trên chiếc Vivo V5 Plus. Sản phẩm này có hai camera trước 20MP và 8MP, trong đó chiếc camera phụ 8MP được dùng để thu độ sâu trường ảnh hỗ trợ xử lý hậu kỳ, xoá phông và tăng thêm ánh sáng khi chụp thiếu sáng.
Sắp tới đây, Oppo đã xác nhận sẽ ra mắt chiếc Oppo F3 Plus mới sở hữu hai camera phía trước: một chiếc 16MP và một chiếc 8MP. Tuy vậy, hiện chưa rõ cơ chế hoạt động trên cặp camera trước của điện thoại này. Có lẽ chúng ta sẽ phải chờ hãng này công bố chính thức vào ngày 23/3 tới để biết được thông tin chi tiết.
Về cấu hình, các thông tin rò rỉ cho thấy Oppo F3 Plus sẽ có màn hình 6 inch độ phân giải Full-HD, vi xử lý Qualcomm MSM8976 tám lõi, RAM 4GB, bộ nhớ trong 64GB cùng khe cắm thẻ nhớ ngoài, viên pin 4.000 mAh, hỗ trợ hai SIM, kết nối LTE. Máy có kích thước 163,63 x 80,8 x 7,35 mm, nặng 185 gram và có 2 lựa chọn màu vàng và đen.
Nguồn: Genk.vn