Bằng cách kết hợp các hình ảnh chụp liên tiếp, công nghệ AI, …. Google Pixel có thể tạo ra những bức ảnh vượt quá độ phân giải của cảm biến của thiết bị có thể ghi nhận.
Google Pixel 3a trung thành với camera đơn, nhưng không ai dám nghi ngờ chất lượng hình ảnh của thiết bị này.
Điện thoại thông minh đã vượt ra khỏi và hoàn toàn chiếm lấy vị trí thống trị trên thị trường máy ảnh cấp thấp trong 10 năm qua. Mặc dù chúng không thể cạnh tranh với các dòng máy DSLR với cảm biến lớn hay những thiết bị không gương lật với chất ảnh cao cấp, smartphone rất dễ sử dụng, dễ kết nối và tiện lợi đến mức giống như hầu như mọi người đều có một chiếc máy ảnh nhỏ gọn trong túi dù ở bất cứ đâu.
Và trong cả trăm nghìn chiếc điện thoại thông minh đang có trên thị trường, không phải bỗng dưng mà cộng đồng mạng cũng như các chuyên gia công nghệ, nhiếp ảnh gia… phải liên tục trầm trồ và thán phục Google với hệ thống camera mà nhà sản xuất này trang bị trên dòng smartphone Pixel.
Google Pixel có thể tạo ra những bức ảnh vượt quá độ phân giải của cảm biến trên thiết bị.
Mới đây, Google đã hé lộ bí mật phía sau công nghệ này, thứ đã khiến cho Pixel trở thành công cụ chụp ảnh ấn tượng, dù thực tế là chúng chỉ sở hữu hệ thống camera có độ phân giải 12,2 megapixel. Thậm chí nó còn có thể cho ra hình ảnh với chất lượng vượt trội hơn những thiết bị có 3 hoặc 4 camera riêng chuyên để xử lý cho các điều kiện chụp ảnh khác nhau, các thiết bị có cảm biến 3D đo chiều sâu hay các sản phẩm với ống kính đắt tiền có khẩu độ rộng.
Sự khác biệt trong ảnh chụp từ Google Pixel thể hiện rõ nhất ở chế độ chụp trong điều kiện ánh sáng yếu Night Vision và Super-Res Zoom, chế độ cho phép bạn phóng to và chụp những bức ảnh rõ nét vượt quá số pixel của cảm biến hình ảnh.
Chìa khóa cho vấn đề nằm ở tính năng chụp liên tục, điều xảy ra với hầu hết các ảnh chụp bằng máy Pixel cho dù người dùng có yêu cầu hay không. Khi nhấn nút chụp, camera sẽ chụp một loạt các khung hình cùng một lúc. Điều này, cộng với các thuật toán xử lý hình ảnh, cho phép về cơ bản bạn không bao giờ phải lo lắng về việc đối tượng mình muốn chụp có đang nhắm mắt hay không. Điện thoại sẽ sắp xếp qua vài chục khung hình và chỉ đơn giản là chọn cái mà nó nghĩ là lúc đối tượng có đôi mắt mở to nhất và nụ cười sáng nhất. Việc này khiến bạn cảm thấy mình như một nhiếp ảnh gia "đủ tiêu chuẩn".
Bên trái là cách Google Pixel giảm hiệu ứng moire trong ảnh, bên phải là cách hệ thống tái tạo chi tiết nhỏ trong một bức ảnh ở độ phân giải cao.
Nhưng chưa hết, phần mềm của Google Pixel cũng khiến các bức ảnh trở nên thú vị hơn. Hệ thống này sẽ lấy ra các chi tiết rõ ràng ở các khung hình đơn lẻ để tạo ra một bức ảnh có độ phân giải siêu cao. Điều này tương tự như cách mà mẫu máy ảnh cao cấp Panasonic S1R thực hiện, nhưng sử dụng chính trạng thái rung lắc của tay thay vì hệ thống cảm biến.
Nói một cách đơn giản, điện thoại sẽ chụp một vài bức ảnh từ máy khi tay người dùng đang rung lắc không ổn định, sau đó xếp chúng lại lên nhau. Tiếp đó, hệ thống sẽ kiểm tra chuyển động trong khung hình, những thứ thực sự đang chuyển động mà không phải là kết quả của việc thiết bị đang lắc lư. Điều này cho phép nó tạo ra một bản đồ về chuyển động, tìm ra phần nào của hình ảnh mà nó có thể tăng cường độ phân giải và phần nào là không thể.
Sau đó, trong các phần của hình ảnh được kiểm soát này, nó phủ lên các hình ảnh chuyển động một cách độc đáo bằng cách kết hợp các khung hình. Càng nhiều khung hình được kết hợp, các chi tiết càng rõ ràng, thậm chí vượt qua độ phân giải thông thường. Thậm chí, phần mềm có thể sử dụng các thông tin này, cùng với thuật toán riêng để tính toán các góc cạnh, các khu vực nhiều chi tiết nhỏ để đưa ra hình ảnh dự đoán về những gì đang xảy ra. Từ đó, nó xây dựng một bức hình tổng thể đầy chi tiết và rõ ràng khi người dùng sử dụng tính năng Super-Res Zoom.
So sánh hình ảnh giữa thuật toán xử lý của Google và các quy trình khác.
Với kỹ thuật thu thập thông tin trên nhiều khung hình với độ lệch nhẹ cũng cho phép Google Pixel rút ra được lượng thông tin về màu sắc và độ tương phản, từ đó tạo ra các bức ảnh ấn tượng trong điều kiện chụp thiếu sáng ở chế độ Night Vision. Nó giúp kiểm soát nhiễu và khử nhiễu cực kỳ tốt, cũng như loại bỏ hiệu ứng moire (ảnh bị áp nhiều màu lên nhau khi chụp các sản phẩm có nhiều sọc và lưới như khi chụp đối tượng có chất liệu da, vải…) và hiện tượng quang sai màu, hiệu ứng Bleed (tràn màu ở vùng chuyển tiếp rõ nét giữa tối và sáng).
Nguồn: Genk.vn