Năm 2016 vừa qua quả thực là một năm đáng nhớ cho lĩnh vực công nghệ của thế giới, đặc biệt là trong mảng phát triển những thiết bị di động Android. Cụ thể, dù không thu được nhiều những thành tựu đột phá vượt bậc đủ tẩm cỡ tạo nên một bước ngoặt cách mạng cho cả nền công nghiệp, nhưng những dấu hiệu tiến triển đáng kể thì vẫn không thể phủ nhận trên những tên tuổi liên quan. Samsung cải tiến vượt trội ngôn ngữ thiết kế, LG dấn thân với điện thoại module lắp ghép (dù vẫn chưa thấy nhiều thành quả tích cực), Lenovo tái xuất mạnh mẽ, và Google cuối cùng cũng thực sự bước vào cuộc chơi nảy lửa trên thị trường di động cao cấp.
Nhìn chung, sự hiện diện của những công nghệ xử lý đột phá, thực tế ảo, nhận diện vân tay, hệ thống camera cải tiến bất ngờ và thời lượng pin là những khía cạnh đáng quan tâm nhất. Vậy nhưng thời hạn của 2016 cũng sắp hết, dần nhường chỗ cho một 2017 đang từng bước tới gần. Vậy những yếu tố nào đang trên đà được trông chờ và đón nhận nhất trên những flagship cao cấp sắp tới?
Nói không với viền màn hình
Vẻ ngoài vẫn luôn là một điểm không thể nào bỏ qua được đối với một thiết bị cao cấp, và giờ đây xu hướng lại đang dồn vào thiết kế giảm thiểu diện tích viền quanh màn hình đến mức tối đa. Từ một góc nhìn thực tế mà nói, điều này sẽ giúp tăng kích thước màn hình trong khi vẫn giữ nguyên được sự nhỏ gọn bù trừ cho thiết bị, không cần "kéo giãn" các phần cứng khác theo. Ngoài ra, mọi người cũng cho rằng nó toát lên vẻ hấp dẫn và độc đáo hơn. Đây cũng là lý do tại sao hàng chục nghìn chiếc Mi Mix đã được đặt mua hết chỉ trong thời gian tính bằng giây.
Tuy nhiên, câu hỏi thực sự được đặt ra ở đây là "Các nhà sản xuất sẽ tiến hành hiện thực hóa thiết kế không viền màn hình đó lên sản phẩm của mình theo cách thức như thế nào?" Tất nhiên là Xiaomi đã áp dụng một phương pháp đi đầu - vẫn là hình thức màn hình phẳng quen thuộc được mở rộng trên bề mặt thao tác một cách tối đa, với camera trước mà loa thoại được tích hợp khéo léo đi kèm.
Một cách khác là sáng chế màn hình cong - khía cạnh đang nhận được rất nhiều nguồn quan tâm từ dư luận cũng như các nhà đầu tư trong năm 2017 tới. Chẳng lấy đâu xa, Samsung Galaxy S7 Edge là một minh chứng rõ rệt khi loại bỏ viền màn hình 2 cạnh bên một cách toàn diện nhờ vào thiết kế cạnh cong của mình, và đã được một số thương hiệu khác học tập. Ngoài ra, kích cỡ màn hình cũng ngày càng được cải tiến, mà độ lớn của điện thoại vẫn được giữ nguyên.
Sự nổi dậy của phân mảng chip xử lý
Snaprdragon 835 chắc chắn sẽ là cái tên mở đầu liên tục được réo gọi và nhắc đến trong năm tới. Đây là sản phẩm mới được ra mắt gần đây do Qualcomm chính thức bắt tay hợp tác với Samsung và sẽ đóng vai trò là nhân tố quan trọng hàng đầu cho những flagship tiếp theo. Cấu trúc sản xuất chip 10nm cũng đồng nghĩa với việc hiệu suất ngày càng được cải tiến, đi kèm với khả năng cải thiện đa nhiệm trên thiết bị.
Samsung cũng được cho là đang có những động thái thử nghiệm chip 10nm của riêng mình - Exynos 8895 - xác suất cao sẽ xuất hiện trên Galaxy S8 hoặc Note 8 tùy theo khu vực thị trường. Nhưng sản phẩm của Qualcomm vẫn sẽ nhận được nhiều sự chú ý hơn cả. Dù sao thì kể cả khi Snapdragon 835 khẳng định được vị thế phần hơn, nó cũng không dễ dàng gì khiến Samsung bỏ cuộc phát triển bộ vi xử lý Exynos của mình.
Lấy ví dụ với chiếc OnePlus 3 cùng 6GB RAM "khủng khiếp" của mình được tâng bốc rất nhiều trong cộng đồng công nghệ, và dù Samsung và LG không đi theo xu hướng chọn lựa cấu hình RAM cao đến như vậy với Note 7 và V20 của mình, nhưng có vẻ như 2 cái tên ấy cùng với ASUS, ZTE, Vivo và cả Xiaomi nữa sẽ áp dụng những chuẩn mực tương tự trong năm 2017. "Snapdragon đột phá cùng 6GB RAM" dự định sẽ là cái tít mở đầu cho 1 năm đầy cạnh tranh biến động của thị trường công nghệ thế giới.
Ngón tay hay là mắt?
Một câu hỏi được đặt ra rất đúng lúc đúng chỗ! Samsung thực ra đã "nhá hàng" cho người dùng với công nghệ mới mẻ trên chiếc Note 7 vừa rồi của mình, nhưng thật đáng tiếc là trước khi chúng ta có thể được cảm nhận sự đột phá của nó thì lại xảy ra những sự cố ngoài sức tưởng tượng khiến toàn bộ dòng máy này bị thu hồi. "Nó" ở đây chính là cảm biến quét mống mắt. Hình thức nhận diện bằng vân tay lần đầu được giới thiệu bởi Apple, và giờ đây nó đã trở nên quá phổ biến rồi. Dần dần nó sẽ xuất hiện trên toàn bộ cả những phân khúc thiết bị thấp hơn nhiều nữa chứ không chỉ ở những máy cao cấp như trước đây.
Giờ đây, các công ty lại đang hướng đến một cách thức mới để tạo nên điểm nhấn cho flagship của riêng mình với công nghệ nhận diện mống mắt. Về lý thuyết mà nói thì biện pháp này có mức độ bảo mật cao hơn so với vân tay. Nhiều khả năng nó sẽ xuất hiện trên Galaxy S8 ngay năm tới đây cũng như vài tin đồn về động thái tương tự của LG. Về phần cảm biến vân tay được tích hợp ngay bên dưới lớp kính màn hình, một vài khía cạnh vẫn đang được bỏ ngỏ vì chưa có bất kỳ tiết lộ chính thức nào.
Phương pháp bảo mật sinh trắc học đa dạng lên đồng nghĩa với việc các hình thức trả giá cũng vậy. Samsung đang chuẩn bị sẵn cho quá trình cài đặt cập nhật Samsung Pay lên trên toàn bộ thiết bị của mình vào năm tới. LG cũng đang rục rịch ra mát nền tảng thanh toán di động cho riêng mình. Huawei Pay và Mi Pay được biết là hiện đang trong thời gian hoàn thiện.
Nhân đôi niềm vui với camera kép
Đáng tiếc cho HTC M8, dù là cái tên đầu tiên mở đầu đưa công nghệ này lên cấu hình của máy nhưng với hiệu suất xử lý nghèo nàn, nó đã trở thành một thất bại thảm hại. Tiếp theo, hệ thống camera kép được "hồi sinh" khi LG G5 được ra mắt, và kể cả khi thiết kế module "lắp ghép" của G5 chưa thu được thành công đáng kể nào thì camera của thiết bị này lại tỏ ra vô cùng vượt trội. LG đã tận dụng lợi thế đó để tạo ra thêm những bức ảnh góc rộng, tạo tiền đề cho một kỷ nguyên mới của thiết kế camera trên smartphone.
Thế giới sau đó cũng ngay lập tức chứng kiến sự nối bước từ Huawei và Xiaomi. Cụ thể, Huawei tích hợp 2 camera 12MP và để 1 trong số đó dành riêng cho việc xử lý các chi tiết đơn sắc, tập trung vào tác vụ tái hiện màu sinh động và sắc nét cho ảnh chứ không thực sự bắt chước về góc chụp như LG.
Vì vậy, không phải hệ thống camera kép nào cũng hoạt động với cùng mục đích như nhau. Tuy nhiên, dù cho độ đa dạng và dàn trải của chúng ra sao thì 2017 vẫn sẽ là năm mà người dùng được theo dõi những màn giới thiệu ấn tượng không kém về công nghệ này. Xác suất cao là lĩnh vực tập trung vào xử lý độ sâu trường ảnh nhờ sự trợ giúp của phần mềm để tạo ra những bokeh hậu cảnh mịn, đẹp - như những gì mà Apple và Huawei đã làm - sẽ trở thành nhu cầu và ý định chung của các nhà sản xuất dành cho người dùng.
Thực tế ảo trong tầm tay
Google có trong tay Daydream View, Samsung sở hữu Gear VR và lại đang tiếp tục phát triển mẫu cải tiến tiếp theo của mình.Quả thực, công nghệ VR đã và đang trở nên ngày càng phổ biến trong năm 2017 tới đây. Các nhà sản xuất và lập trình game dễ dàng nhận thấy được tiềm năng to lớn của nền tảng này, với bằng chứng là PlayStation VR. Ngoài ra, lĩnh vực giáo dục cũng có thể tận dụng rất tốt những lợi ích mà nó mang lại, chẳng hạn như sách giáo khoa tương tác hoặc ứng dụng tích hợp công nghệ thực tế ảo.
Nếu đã xét đến VR thì không thể bỏ qua độ phân giải của màn hình được. Hiện tại, phần lớn thiết bị di động hỗ trợ thực tế ảo đều có mật độ điểm ảnh hiển thị 2K. Nhiều tin đồn còn cho rằng một phiên bản của Galaxy S8 còn có thể được tích hợp màn hình lên đến 4K, nhưng nhiều khả năng 2K vẫn là một lựa chọn rộng rãi nhằm hướng đến một thời lượng pin và nhiệt độ tỏa ra không bị mất kiểm soát. Trừ khi đó là để tiếp tay cho VR, còn không thì một thiết bị có màn hình khoảng hơn 5 inch sở hữu độ phân giải 4K thì cũng không thực sự tối ưu hóa trải nghiệm nhiều lắm.
USB-C tiến lên thống trị (vượt qua cả cổng headphone 3,5mm)
Moto Z của Lenovo và iPhone 7 của Apple giờ đã bắt đầu tham gia cuộc chơi mới mẻ này, và có vẻ như sẽ ngày càng có thêm những cái tên khác học tập theo xu hướng đó. Lựa chọn phổ biến tối ưu tiếp theo sẽ là USB-C với tiềm năng đa dạng, linh hoạt và hoàn toàn có thể lấn át và thay thế được sự thống trị trước đó của jack cắm headphone truyền thống.
Nguồn tin thân cận gần đây nhất được cho là nói tới động thái tương tự của Samsung dành cho Galaxy S8 sắp tới của mình. Dù vẫn chưa có lời công bố chính thức nào từ phía công ty nhưng đây cũng thật sự là một vấn đề đáng chú ý khi cổng headphone 3,5mm sẽ ít nhiều gây cản trở thiết kế và khoảng trống dành cho mở rộng kích cỡ màn hình, thời lượng pin và cả các cảm biến tích hợp nữa.
Tham khảo: AndroidAuthority
Nguồn: Genk.vn