Hello,

Sign in to find your next job.

Blog IT

Chọn tiền hay niềm vui trong công việc ?

Chọn tiền hay niềm vui trong công việc ?

Hãy lắng nghe Rob Enderle, hiện là chủ tịch và nhà phân tích của Tập đoàn Enderle. Trước đây, ông là Nghiên cứu viên cấp cao của viện nghiên cứu Forrester và tập đoàn thông tin Giga. Trước đó, ông từng làm việc cho IBM và giữ nhiều chức vụ trong các bộ phận như Kiểm toán nội bộ, Phân tích cạnh tranh, Marketing, Tài chính và Bảo mật. Hiện nay, Enderle là cây bút xuất sắc về các lĩnh vực công nghệ, an ninh cho hàng loạt các ấn phẩm. Ông còn xuất hiện trên các chương trình tin tức của các kênh truyền hình quốc gia như CNBC, FOX, Bloomberg và NPR.

Hôm nay, Rob sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn khách quan và chân thực nhất, về những gì đang diễn ra sau những danh xưng, vị trí công việc vô cùng hào nhoáng của một trong những ngành công nghiệp đáng giá nhất thế giới, Technology (công nghệ).

Tôi đã trải qua một sự nghiệp lập trình có nhiều thay đổi tới kinh ngạc, nhưng nhìn chung đó là một sự nghiệp huy hoàng.

Theo học đại học được 2 năm, tôi bỏ giữa chừng để làm Full-time cho Disney. Công việc diễn ra được một thời gian thì tôi bị sa thải, lí do vì tôi đã không có một tấm bằng đại học. Lúc đó, tôi trở lại trường đại học để kết thúc ngành học về nghệ thuật của mình. Sau đó tôi tiếp tục học để nhận bằng cử nhân khoa học và kết thúc việc học bằng một công việc tại sàn bất động sản sau khi từ chối lịch phỏng vấn với một công ty phần mềm mà công ty đó sau này chính là Microsoft (Đúng vậy, tôi đã tự dằn vặt mình một thời gian dài sau đó).

Làm việc tới khi công ty bất động sản gặp vấn đề và suy yếu, tôi nghỉ việc, trở lại trường học, vừa học và làm những công việc tay trái khác. Tôi học tới khi có bằng MBA rồi lại đi làm với vị trí chuyên viên kĩ thuật tại một công ty. Tại đó, mọi người nói với tôi rằng IBM sẽ không thể là người khổng lồ, đứng đầu thị trường. Tuy nhiên tới khi IBM nắm quyền kiểm soát, tôi buộc phải sang công ty khác mặc dù tôi chẳng hề bị sa thải, nguyên nhân đơn giản vì công ty đó đã cứ bị mua đi bán lại làm cho tất cả nhân sự trong công ty đều không có một công việc cụ thể. Sang công ty mới tôi làm việc với vai trò là một nhà phân tích. Tôi đã làm việc cật lực để trở thành nhà phân tích giỏi nhất công ty trước khi tôi thành lập một công ty cho riêng mình, và điều tuyệt vời đó đã đến vào năm ngoái.

Hôm nay, ngồi lướt Quora, tôi thấy một vài câu hỏi khá ngây ngô của những người mới đi xin việc, đại khái là:” Làm thế nào để có được lịch phỏng vấn với một công ty thuộc hạng top đầu về công nghệ?” và hầu hết các câu trả lời đều là những thứ gì đó dạng như “sửa lại hồ sơ đi”. Trong đầu tôi có suy nghĩ là những người này nên là những người có nhiều kinh nghiệm nhất trong ngành để làm việc cho những câu ty hàng đầu như vậy. Tuy nhiên, thật sự thì tại sao anh chàng này lại muốn làm việc cho một công ty hàng đầu như vậy ngay lần đầu tiên đi xin việc?

Tôi nhìn vào hồ sơ của anh chàng, nó khá rõ ràng và thông minh. Tuy nhiên anh ấy chưa từng làm việc trong một môi trường nào gần giống như môi trường của những công ty hàng đầu đó. Anh ta sẽ hạnh phúc hơn, thành công hơn khi làm việc ở một công ty nhỏ hơn, trong vai trò một nhà tư vấn, hoặc làm việc cho một công ty start up. Với những công ty như vậy khả năng anh ấy được tuyển sẽ là cao hơn.

Dưới đây là những lời khuyên của tôi dành cho các bạn

Xác định rõ mình thích làm gì và ghét làm gì ngay từ đầu

Tôi từng biết rất nhiều người cố gắng chạy đua để được vào làm công việc quản lí, nhưng rồi sau khi tới vị trí  đó họ mới nhận ra rằng họ ghét công việc ấy. Tuy nhiên một khi đã làm quản lí rồi thì chẳng thể quay lại làm một nhân viên bình thường nữa vì mọi người sẽ nghĩ là bạn không có năng lực và bị giáng chức.

Có những người bỏ công việc yêu thích của mình để làm những công việc mà họ ghét và việc đấy làm họ chết dần chết mòn. Steve Ballmer tại Microsoft là trường hợp đau lòng nhất mà tôi được biết. Tôi biết Ballmer từ cuối những năm 90, lúc đó anh ấy rất hạnh phúc và tràn đầy năng lượng. Hồi đó chúng tôi gặp nhau trong một cuộc họp, tôi đã coi anh ấy là một người bạn và tôi chẳng thể nào quên được hình ảnh cậu ấy nhe răng cười khi mà đi qua tôi trên chiếc limo rồi vẫy tay chào tôi sau cuộc họp. Có lẽ đấy là lần cuối cùng tôi thấy nụ cười thật sự của anh ấy. Khi anh ấy trở thành CEO của Microsoft hầu như lúc nào anh ấy cũng tức giận. Anh ấy đã chạy đua để trở thành CEO nhưng giờ đây anh ấy có vẻ ghét công việc này. Và dĩ nhiên cứ đâm đầu vào việc mình không thích thì đó không thể coi là thành công được.

Với bản thân mình, tôi cuối cùng cũng học được một điều: Tôi ghét phải điền đơn và cực kỳ ghét việc phải đau đầu phân xử những mâu thuẫn  kịch tính giữa các nhân viên, và những xu hướng “chính trị” phân chia phe phái ngầm tại công ty. Và khi là người làm công việc quản lý, tôi lại phải xử lý tất cả những điều đáng ngán ngẩm đấy. Vậy nên, tôi quyết định chuyển việc.

 

Xác định quy mô và đặc tính của công ty bạn muốn làm việc

Nếu bạn muốn an toàn, ổn định và làm việc theo nguyên tắc thì một công ty lớn sẽ là lựa chọn tốt dành cho bạn. Ngược lại, nếu muốn một công việc nhiều phiêu lưu, nhiều hoạt động và chịu được những vấn đề điên rồ mà công ty gặp phải thì những công ty nhỏ sẽ phù hợp với bạn. Đối với tôi, tôi muốn làm việc ở nơi nào mà họ coi trọng nhân viên, những nơi như thế sẽ tìm những nhân viên tốt nhất và cố giữ họ. Tôi không thể làm việc ở những nơi đối xử tệ bạc với nhân viên, thường xuyên xa thải nhân viên. Đôi khi tôi thấy ngạc nhiên rằng rất nhiều CEO không hề có ý niệm về việc khi nào cần sa thải nhân viên và khi nào không nên.

Để hiểu rõ về một công ty thì hãy đọc về công ty ấy, tìm những người đã và đang làm việc tại đó rồi hỏi họ những thông tin bạn cần, và quan sát xem công ty đó đã quan tâm tới những vị trí quản lý và nhân viên tốt tới đâu. Từ đó, bạn có thể biết một chút rằng liệu công ty đó đã phù hợp với bạn chưa, nhưng trước tiên bạn phải xác định là bạn thích điều gì ở công ty đó đã.

Quyết định của bạn khi lựa chọn đầu quân cho công ty nào luôn bị phân nhánh, và chi phối giữa hai nhóm công ty sau. Nhóm đầu tiên là nơi không ngừng thay đổi, và luôn có những người quản lý không thực sự hiểu họ đang làm gì, và ở những công ty thế này, chính trị ngầm giữa những thế lực công ty luôn xảy ra. Nhóm còn lại là nơi luôn có thâm niên quản trị tốt, những người hướng dẫn luôn hỗ trợ cấp dưới, sự thăng cấp luôn được khích lệ, từng chuyển biến của công ty luôn được hoạch định rõ ràng, và sự trung thành luôn được đánh giá cao.

Với cá nhân tôi, tôi luôn mong muốn đầu quân cho nhóm thứ hai. Nhưng với những người luôn thích sự cạnh tranh, phân tranh quyền lực, hay quá trình cố gắng vươn lên dẫn đầu lại thực sự có tương lai và phát triển tốt hơn khi ở nhóm công ty đầu tiên.

Bạn có muốn trở thành CEO?

Cuối cùng, một điều bạn cần phải xác định rõ từ ban đầu là bạn có muốn trở thành một CEO hay không. Một số CEO hạnh phúc nhất và tài giỏi nhất mà tôi biết đã đạt được thành công như ngày hôm nay là nhờ xây dựng công ty quanh một ý tưởng và đặt những quyền lợi riêng sang một bên, trái ngược với họ là những người cạnh tranh để leo cao dần và luôn chuẩn bị cho mình những “công cụ” và luôn có những phương án nhảy việc khi cần.

Ở trường hợp sau, những người này không thực sự muốn và thích thú với công việc này. Họ thích danh xưng cho vị trí của mình, nhưng khi việc đã đâu vào đấy, họ lại không thể giải quyết hậu quả.

Tôi nhớ lại một đoạn trò chuyện với người từng là một trong những tay quyền lực nhất Thung lũng Silicon. Ông đã rất buồn khi kể với tôi rằng ông đã đạt được tất cả những quyền lực đấy và điều ông nhận được sau cùng lại là những người vợ cũ và con riêng luôn ghét ông, những kẻ không thực sự coi trọng ông, và những người “bạn” không thành thật, luôn muốn tranh giành những thứ thuộc về ông. Trở thành người cực kỳ giàu có nhưng ông lại nhận ra mình đã làm tất cả chỉ để thừa nhận bản thân ghét cuộc sống mà mình có được, không có nổi một người thực sự tin cậy, và lại đến được một vị trí xã hội mà ông không hề mong muốn những hệ lụy của nó.

Vậy nên, lời khuyên chân thành nhất của tôi cho việc này, là dù bạn đang làm việc ở vị trí và công việc gì, hãy đảm bảo rằng bạn hiểu rõ điều gì làm bạn vui vẻ, nơi nào là nơi bạn muốn cống hiến và cả sự nghiệp sau này của mình, bạn hãy chọn con đường khiến bạn vui hơn và muốn cống hiến nhiều hơn.

Nếu không, bạn sẽ nhanh chóng đến một thời điểm đen tối trong sự nghiệp của mình, thời điểm bạn không hề thích và cũng không hề tìm được cách trở về với công việc khiến bạn hạnh phúc hơn.

Và hãy nhớ rằng, cuộc sống không hề là cuộc hành trình làm giàu, hay hành trình đến với cuộc sống về hưu. Cuộc sống là hành trình đến với nơi bạn muốn đến và trụ lại càng lâu càng tốt.

Topdev tổng hợp từ ITWorld

Nguồn: Techtalk.vn

Similar blogs

Hot Blogs