Nếu Musk thâu tóm Twitter thành công, viễn cảnh văn phòng mạng xã hội nổi tiếng buộc phải chuyển đổi hoàn toàn có thể xảy ra.
Elon Musk, CEO hãng xe điện Tesla trước nay vẫn nổi tiếng với những bài Tweet hết sức ngông và vô lý, từ meme Dogecoin, 420 câu chuyện phiếm đến những bình luận nghe có vẻ “lạ lùng’’ về công ty của chính mình. Điều này một lần nữa lặp lại hôm Chủ nhật vừa qua, khi Elon Musk đề xuất một ý tưởng cực kỳ hoang đường: Biến trụ sở chính của Twitter tại trung tâm thành phố San Francisco thành nhà cho người vô gia cư.
Động thái trên được đưa ra sau khi Elon Musk nắm trong tay hơn 9% cổ phần trang mạng xã hội nổi tiếng, đồng thời bày tỏ mong muốn mua đứt toàn bộ Twitter với giá 54,2 USD/cổ phiếu. Ông muốn chuyển đổi đây trở thành một công ty tư nhân, phát triển mạnh mẽ và đáp ứng tốt mọi đặc quyền tự do ngôn luận cho người dùng.
Dòng tweet trên sau đó đã bị xóa, xong vẫn bị coi là “sự châm chọc quá đáng’’ đối với giới chức thành phố San Francisco, nơi vốn đã phải vật lộn với cuộc khủng hoảng vô gia cư, trong khi nhân viên Twitter thì được thông báo có thể phải làm việc từ xa mãi mãi hậu COVID-19. Do vậy, tòa trụ sở chính được Musk khuyến khích dành cho những người neo đơn không nhà, và rằng “dù gì thì nơi đây cũng bỏ trống và không có ai ở cả’’.
Theo tờ Bloomberg, không có dấu hiệu nào cho thấy Twitter sẽ chuyển đổi văn phòng của mình thành nhà cho dân vô gia cư và giả dụ có muốn thì trang mạng xã hội này cũng không có khả năng. Trước đây, việc chuyển đổi văn phòng bỏ trống thành đơn vị nhà ở tại các thành phố lớn như San Francisco được coi như một cách hiệu quả để giải quyết nút thắt nguồn cung cũng tái sử dụng các trung tâm thương mại không dùng đến.
Theo ông Dan Sider, Giám đốc Sở Kế hoạch San Francisco, Twitter hoàn toàn có thể chuyển đổi văn phòng của mình thành nhà ở giá rẻ vĩnh viễn nếu xét trên góc độ quản lý, song quá trình này sẽ tương đối phức tạp. Trong khi đó, việc cho người vô gia cư ở nhờ, theo ông, lại “khá đơn giản”.
Tuy nhiên, nếu xét tới yếu tố chính trị hoặc động lực tài chính, rất khó để Twitter bắt tay thực hiện đề xuất này, nhất là khi lãnh đạo trang mạng xã hội nổi tiếng bắt đầu tái sử dụng tòa nhà trụ sở vào mục đích công việc.
Dẫu vậy, nếu Musk thâu tóm Twitter thành công với cái giá 43 tỷ USD, viễn cảnh trên hoàn toàn có thể xảy ra. Hơn nữa, trong bối cảnh tổng số dân vô gia cư là hơn 9.800 người tính đến cuối năm 2019 và tỷ lệ văn phòng bỏ trống lên tới 22,6% vào cuối năm 2021, có lẽ không quá nực cười khi Musk đặt ra ý tưởng này.
Trước đó, người giàu nhất hành tinh tự coi đề xuất mua lại Twitter của mình là "tốt nhất và cuối cùng" khi đặt ra mức giá thậm chí còn cao hơn khoảng 18% so với giá trị hiện tại của cổ phiếu Twitter.
Thông tin trên được Elon Musk báo cáo lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC), chỉ 10 ngày sau khi CEO hãng xe điện Tesla tiết lộ mình đang sở hữu hơn 9% cổ phần Twitter, đồng thời là cổ đông lớn nhất của mạng xã hội này, tuy nhiên lại thông qua mẫu biểu 13G. Điều này có nghĩa là người nắm cổ phiếu không có ý định kiểm soát hay gây ảnh hưởng đến hoạt động của công ty.
Trước đó, Elon Musk được mời vào ban lãnh đạo Twitter xong vị tỷ phú này đã từ chối lời đề nghị.
GenK