Giá trị vốn hóa của ASML đã tăng hơn gấp đôi trong vòng một năm qua và dự kiến sẽ còn đạt mức 500 tỷ USD vào cuối năm 2022.
Cuộc khủng hoảng khan hiếm chip trên toàn cầu khiến cái tên ASML bắt đầu được mọi người chú ý nhiều hơn. Người khổng lồ công nghệ ít được biết tới này chính là hãng đứng đằng sau mọi bước tiến của ngành công nghệ bán dẫn từ nhiều năm nay.
Tính đến thời điểm hiện tại, công ty 37 năm tuổi với 31.000 nhân viên này là hãng duy nhất trên thế giới có khả năng sản xuất ra các cỗ máy vô cùng phức tạp nhưng lại rất cần thiết để tạo ra các con chip hiện đại nhất thế giới ngày nay.
Có giá đến 140 triệu USD, các cỗ máy này có thể phát ra các chùm sáng vô cùng hẹp chiếu thẳng vào những tấm wafer bán dẫn đã được xử lý với các chất hóa học "cản quang". Từ đây, cỗ máy này tạo ra các đường khắc và hoa văn phức tạp trên miếng bán dẫn, hình thành nên các bóng bán dẫn cũng như khả năng xử lý đáng kinh ngạc của chúng.
Những cỗ máy quyết định cho cuộc đua bán dẫn trên toàn cầu
Quá trình này được gọi là kỹ thuật in thạch bản – lithography. Phiên bản mới nhất của cỗ máy này được gọi là các máy khắc EUV (extreme ultraviolet lithography), nhờ việc dùng tia siêu cực tím để khắc nên các chi tiết trên con chip đó. Trước đó, các máy in thạch bản của ASML dùng công nghệ tia DUV (Deep Ultraviolet) và đến tận bây giờ, chúng vẫn đang được nhiều hãng sử dụng.
Nhưng các máy khắc EUV hiếm hoi chỉ được ASML bán cho một số nhỏ các nhà sản xuất chip bao gồm: TSMC, Samsung và Intel. Mỗi cỗ máy có đến hơn 100.000 linh kiện khác nhau và cần đến 40 container hoặc 4 máy bay chở hàng cỡ lớn để chở hết những kiện hàng này. Cho đến nay, ASML mới chỉ bán được hơn 100 cỗ máy khổng lồ, trong đó riêng năm ngoái công ty đã bán được 31 chiếc.
Đáng chú ý trong số đó là những tấm gương cho hãng Zeiss sản xuất, với bề mặt phẳng nhất mà loại người từng tạo ra. Nhưng phần khó nhất trong cỗ máy này là nguồn sáng. Nguồn sáng trong cỗ máy EUV của ASML phát ra các quả bóng bằng thiếc với bề rộng khoảng 30 micron (mỗi micron bằng 1/1000 mm), được bắn ra 2 lần bởi các máy laser CO2 mạnh nhất thế giới. Lần bắn đầu tiên để chuẩn bị sẵn sàng, lần bắn thứ hai sẽ biến các viên thiếc siêu nhỏ đó thành một khối plasma và từ đó phát ra các photon của tia EUV.
Đối với các cỗ máy dùng tia DUV, ngoài ASML vẫn còn những nhà cung cấp khác thì đối với công nghệ EUV, ASML đang là nhà cung cấp duy nhất và dường như không ai có thể bắt kịp vị thế độc quyền này. Hãng ASML đã mất gần 30 năm nghiên cứu mới hoàn thiện được quá trình sản xuất chip bằng tia EUV như hiện nay, trong khi đó, tất cả các đối thủ của họ đều đã bỏ cuộc từ lâu.
Tầm quan trọng của những cỗ máy này đối với ngành công nghiệp bán dẫn lớn đến mức cựu tổng thống Mỹ Donald Trump từng gây sức ép buộc chính phủ Hà Lan không bán các cỗ máy này cho khách hàng Trung Quốc. Chính vì vậy, các nhà sản xuất chip Trung Quốc đã không thể sản xuất được các con chip cao cấp như những hãng TSMC, Samsung và Intel. Hiện tại, chính quyền ông Biden cũng không có dấu hiệu cho thấy muốn đảo ngược các lệnh cấm này.
Chris Miller, giáo sư tại trường Luật và Ngoại giao Fletcher của Đại học Tufts, người đang viết một quyển sách về lịch sử ngành công nghiệp bán dẫn, cho biết: "Tia EUV được các cỗ máy hiện đại nhất của ASML sử dụng có bước sóng 13,5 nanomet, cho phép bạn khắc được các chi tiết vô cùng nhỏ trên miếng silicon." Đối với ngành công nghiệp bán dẫn, tạo ra các chi tiết siêu nhỏ đó là điều cơ bản làm nên sức mạnh cho mỗi con chip xử lý.
Các bộ xử lý mới nhất trên iPhone, iPad và MacBook của Apple được tạo ra từ máy khắc chip EUV của ASML chứa khoảng 10 tỷ bóng bán dẫn bên trong nó.
Bùng nổ doanh số
Cuộc khủng hoảng chip đã khiến nhu cầu cho các cỗ máy của ASML tăng vọt – không chỉ các cỗ máy EUV cao cấp mà ngay cả dòng máy công nghệ DUV thấp hơn cũng chứng kiến đơn đặt hàng cao ngất.
Trở thành một thiết bị không thể thiếu cho ngành công nghiệp bán dẫn, ASML tin rằng doanh số của mình sẽ còn bùng nổ trong thập kỷ tới.
Tháng Chín vừa qua, ASML cho biết họ dự kiến sẽ có một đợt bùng nổ doanh số trong thập kỷ tới. Dự kiến doanh thu hàng năm sẽ đạt mức 24-30 tỷ Euro vào năm 2025 với tổng lợi nhuận biên đạt mức từ 54% đến 56%. Dự báo này cao hơn đáng kể so với con số từ 15 tỷ đến 24 tỷ Euro trước đây.
ASML cho biết "các siêu xu hướng của ngành điện tử toàn cầu" cùng với "hệ sinh thái đổi mới mạnh mẽ và lợi nhuận cao" được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy cho tăng trưởng ngành công nghệ bán dẫn, vốn đang chật vận với việc thiếu hụt chip trên toàn cầu.
Trong 12 tháng qua, giá cổ phiếu của ASML đã tăng hơn gấp đôi, từ mức 350 Euro lên 772 Euro vào ngày 19 tháng 11 vừa qua. Mức độ giao dịch cũng được đẩy lên mức cao kỷ lục vào tuần trước.
Hiện giá trị vốn hóa của công ty đang ở mức 350 tỷ USD, nhưng vào tháng 10 vừa qua, 2 nhà đầu tư công nghệ bao gồm Ian Hogarth và Nathan Benaich dự đoán rằng, ASML sẽ đạt giá trị vốn hóa 500 tỷ USD vào cuối năm 2022.
Dù các máy khắc chip cao cấp của ASML đang được sử dụng để tạo ra hàng trăm triệu con chip trên toàn thế giới, nhưng các khách hàng của công ty cũng mới chỉ ở giai đoạn đầu của việc triển khai các cỗ máy EUV với dự kiến doanh số sẽ còn tăng cao trong thời gian tới, xét đến nhu cầu cao hiện nay.
Bản thân ASML cũng không dừng lại với thành công của mình. Công ty đang lên kế hoạch ra mắt dòng máy khắc chip thế hệ tiếp theo có tên High-NA, viết tắt cho khẩu độ số cao (high numerical aperture). Dự kiến dòng máy thế hệ mới này sẽ ra mắt trong khoảng 2025. Theo ông Miller, dòng máy mới sẽ cho phép tạo ra các đường khắc rõ ràng hơn nữa trên những tấm bán dẫn. Hiện tại, Intel đã ký một thỏa thuận độc quyền với ASML để là người đầu tiên có được các cỗ máy High-NA này.
GenK