Google đang lép vế trước Apple và Amazon trên lĩnh vực trợ lý ảo. Trong hàng năm trời, trợ lý ảo duy nhất được gã khổng lồ tìm kiếm đưa tới tay người tiêu dùng (Google Now) không hề sở hữu giao diện giọng nói đầy đủ mà chỉ cho phép người dùng "đọc câu lệnh tìm kiếm" một cách máy móc, thiếu tự nhiên. Đến tận gần cuối năm 2016, Google mới có câu trả lời đầy đủ dành cho Siri, Cortana và Alexa. Ấy vậy mà trợ lý ảo Google Assistant lại chỉ có mặt trên một chiếc điện thoại có vẻ ngoài "học hỏi" theo iPhone và một chiếc loa rõ ràng là bản sao của Amazon Echo.
Mới gần đây, Amazon lại tiếp tục nới rộng khoảng cách với Google khi mở cửa đem dịch vụ Alexa lên vô số sản phẩm phần cứng của bên thứ ba tại CES. Sự xuất hiện của chiếc loa Lenovo Assistant là một minh chứng rõ ràng cho thấy Amazon không muốn, không cần kinh doanh loa mà chỉ cần kinh doanh dịch vụ dữ liệu.
Nói cách khác, Amazon đang cạnh tranh trực diện và cũng đang thắng thế trước Google.
Chẳng có lý do nào để thua cuộc
Đó là một kịch bản cực kỳ vô lý, đặc biệt là khi bạn suy nghĩ về tiềm lực của Google. Gã khổng lồ tìm kiếm có đầy đủ khả năng để tạo ra trợ lý ảo hữu ích nhất mà bạn có thể tưởng tượng ra. Trong hàng năm trời, Google đã đọc email, đọc comment, đọc tính năng, đọc báo, đọc bất cứ thứ dữ liệu gì được viết bằng ngôn ngữ tự nhiên của con người. Các dịch vụ của Google không chỉ phong phú về số lượng mà còn áp đảo về chất lượng: lý do Android trở thành hệ điều hành phổ biến nhất thế giới nằm ở Gmail, YouTube, Google Maps, Google Play và rất, rất nhiều dịch vụ dữ liệu tiện dụng khác.
Tiếp đến, Google cũng thuộc top đầu trong lĩnh vực nhận diện giọng nói. Cách đây vài năm, công ty của Larry Page đã vượt mặt Apple để hỗ trợ nhận diện tiếng Việt à nhiều ngôn ngữ khác. Tính cho đến ngày hôm nay, số lượng ngôn ngữ được Google nhận diện qua Translate hay Google Now vẫn vượt mặt tất cả các ông lớn khác, bao gồm cả Apple, Amazon lẫn Microsoft.
Cuối cùng, thông qua Android, Google cũng đã thu hút được rất nhiều đối tác phần cứng đình đám. Nếu như một ngày nào đó Google quyết định đưa Assistant thành một dịch vụ tích hợp sẵn vào Android, chắc chắn lượng người dùng của trợ lý ảo này sẽ vượt mặt Alexa và Siri trong nháy mắt.
Tình cảnh này cho thấy rõ ràng Google bị Amazon vượt mặt không phải vì kém cỏi, mà là vì chưa muốn đánh toàn lực với công ty của Jeff Bezos.
Làm sao để hiển thị quảng cáo trên Google Home?
Lý do khiến cho Google tạm thời thua cuộc trước Amazon nằm ở chính nguồn sống hiện tại của hãng này: quảng cáo trực tuyến. Kể từ khi thành lập cho tới nay, Google đã luôn luôn sống bằng các mẩu quảng cáo hiển thị tới người dùng. Tất cả các dịch vụ như tìm kiếm, Gmail, Google Maps, YouTube... đều được sáng lập hoặc thâu tóm với tôn chỉ duy nhất là hiểu rõ người dùng hơn nữa, hiển thị các mẩu quảng cáo chính xác hơn nữa.
Ngay cả khi cuộc cách mạng di động diễn ra, nguồn sống của Google thực chất cũng không bị thay đổi nhiều. Thay vì phải hiển thị quảng cáo trên những chiếc PC, laptop cồng kềnh, Google nay có thể hiển thị quảng cáo trên những chiếc smartphone, tablet mà người dùng lúc nào cũng mang bên mình. Về bản chất, Android cũng không khác biệt so với Gmail hay Search: đây vẫn là một sản phẩm trung gian để mang lại doanh thu quảng cáo.
Nhưng với cuộc cách mạng giao diện giọng nói/trợ lý ảo, Google sẽ phải đối mặt với một bài toán trước nay chưa từng có: hiển thị quảng cáo ở đâu? Những chiếc loa như Amazon Echo và Google Home hoàn toàn không có màn hình và do đó không thể hiển thị quảng cáo dạng chữ/ảnh truyền thống của Google. Nếu một ngày nào đó giao diện giọng nói được đông đảo người dùng lựa chọn, các công nghệ AdWords, AdSense sẽ trở nên gần như vô dụng hoàn toàn.
Đe dọa cả mô hình
Hãy để ý và bạn sẽ thấy mỗi tính năng của trợ lý ảo thường được gán mặc định cho một dịch vụ đã được công ty chủ quản trợ lý ảo chọn lựa sẵn. Ví dụ, khi bạn bắt Siri lắng nghe một bài hát để nhận diện, dịch vụ mà bạn chắc chắn sẽ sử dụng là Shazam. Khi bạn nói với Alexa rằng bạn cần mua một món hàng nào đó, chắc chắn cô trợ lý ảo này sẽ mang cho bạn nhiều lựa chọn từ Amazon.com. Một mặt, cách làm này giúp cho Apple và Amazon gia tăng quyền lực với các đối tác. Mặt khác, từ góc độ người dùng, cách "quảng cáo" của trợ lý ảo tinh tế, tự nhiên và dễ chịu hơn rất nhiều.
Còn Google Search thì sao? Các mẩu quảng cáo sẽ được hiển thị bên cạnh các kết quả tìm kiếm thông thường dựa trên các dữ liệu mà người dùng đã nhập. Các nhãn hiệu, doanh nghiệp mua quảng cáo từ Google đơn giản chỉ cần đặt lệnh, Google sẽ tự động tìm ra vị trí, người dùng thích hợp nhất để hiển thị quảng cáo nhằm tối đa doanh thu.
Vấn đề là ở chỗ Google không thể đem nguyên cả bảng kết quả tìm kiếm dài dằng dặc vào một, hai câu nói của Assistant. Mô hình quảng cáo hiển thị sẽ phải được tinh chỉnh rất nhiều để dịch chuyển thành công sang mô hình quảng cáo bằng giọng nói. Trong quá trình dịch chuyển này, chắc chắn mối quan hệ giữa Google và các đối tác quảng cáo sẽ bị sứt mẻ vài phần.
Điều này tạo ra một nghịch cảnh rất khó xử lý. Càng đầu tư vào công nghệ trợ lý ảo, Google sẽ càng đe dọa tới doanh thu truyền thống của mình. Càng bỏ ngỏ cuộc chiến mới, Amazon sẽ càng thắng thế.
Lịch sử lặp lại
Chỉ duy nhất Google là đang gặp khó. Cả Apple, Microsoft lẫn Amazon đều không phải vướng bận về doanh thu quảng cáo trực tuyến. Họ đơn giản chỉ cần đầu tư tối đa vào trợ lý ảo nhằm phục vụ cho mục đích nâng cao trải nghiệm hoặc bán hàng trực tiếp.
Nhưng đây không phải là lần đầu tiên Google phải đối mặt với khó khăn. 10 năm trước, gã khổng lồ tìm kiếm lo sợ rằng nếu Microsoft cũng độc quyền thị trường hệ điều hành smartphone Google sẽ tiếp tục bị Microsoft chèn ép. Ở phía ngược lại, mức lãi của quảng cáo di động chưa bao giờ vượt mặt mức lợi nhuận của quảng cáo trên trình duyệt PC. Cuối cùng, điều cần làm thì vẫn phải làm: Google ra mắt Android, thống trị (quảng cáo) di động và đẩy Microsoft vào dĩ vãng.
Chính đối thủ lớn nhất của Google là Apple cũng là một tấm gương về lòng dũng cảm "tự chặt chân để tiến về phía trước". Khi chiếc iPod vẫn đang làm mưa làm gió, Steve Jobs đã nhìn ra rằng nếu một ngày nào đó điện thoại cũng có thể nghe nhạc thì iPod chắc chắn sẽ chết. Nhà sáng lập của Apple nhanh tay cách mạng hóa trải nghiệm di động bằng iPhone. Kết quả là iPod bị iPhone giết chết, nhưng Apple thì lại vươn lên đỉnh cao thế giới.
Trong cuộc lật đổ lần này, Google chắc chắn sẽ nhận trái đắng - nhưng trái ngọt sẽ thuộc về tay Google hay Amazon? Hãy chờ xem gã khổng lồ tìm kiếm dũng cảm đến mức nào.
Nguồn: Genk.vn
Nhân viên Digital Marketing - Google
CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN CÔNG NGHỆ OMMANI
Location: Hà Nội
Salary: 10 Mil - 15 Mil VND